PHỤNG VỤ - HỌC HỎI

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 21. Quyền bính

Quyền bính đến từ Thiên Chúa. Đây là điều Giáo Hội dạy, dựa trên Kinh Thánh và lý tính nhân loại. Khẳng định này thật xa lạ với nhiều người ngày nay. Quyền bính thường bị hiểu theo nghĩa tiêu cực; tốt lắm thì được hiểu là do sự ủy thác của người dân.

ĐHY Christoph Schönborn


Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ


Bài 21. QUYỀN BÍNH


Quyền bính đến từ Thiên Chúa. Đây là điều Giáo Hội dạy, dựa trên Kinh Thánh và lý tính nhân loại. Khẳng định này thật xa lạ với nhiều người ngày nay. Quyền bính thường bị hiểu theo nghĩa tiêu cực; tốt lắm thì được hiểu là do sự ủy thác của người dân.

Thánh Phaolô tóm tắt điều Kinh Thánh nói ở nhiều nơi: “Không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập” (Rm 13,1). Phải hiểu thế nào? Phải chăng đây là cách nhìn trước thời dân chủ, khi nhà lãnh đạo cai quản là do Thiên Chúa đặt lên chứ không do dân bầu?

Hãy bắt đầu bằng sự kiện hiển nhiên với hầu hết mọi người: “Mọi cộng đồng nhân loại đều cần có quyền bính cai quản, điều hành” (GLHTCG số 1898). Dàn nhạc không hoạt động tốt nếu không có người chỉ huy, công ty không tiến triển nếu không có giám đốc, chính quyền không hoạt động được nếu không có người lãnh đạo, dù người đó được chỉ định hay do dân bầu. Không có quyền bính lãnh đạo thì sự hỗn mang và vô trật tự sẽ diễn ra, và như thế cộng đồng không thể phát triển, công trình chung không thể thành công. Một ông “xếp” chứng tỏ quyền bính thực sự của mình khi dưới sự điều hành của ông, công ích được thăng tiến. Trong tiếng La tinh, từ “quyền bính” là auctoritas, gốc là động từ augere, nghĩa là lớn lên. “Quyền bính” là phẩm chất của những người thúc đẩy sự phát triển và đẩy lui những trì trệ, luôn hướng đến thiện ích của các cá nhân cũng như cộng đồng.

Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi những điều kiện: Bất cứ ai nắm giữ quyền bính – dù trong gia đình hay nơi làm việc hoặc chính trị – đều không được dùng quyền cách độc đoán (số 1902). Để có thể điều hành, không phải chỉ có quyền lực điều hành là đủ, mà còn phải thực thi quyền bính đó cách hợp pháp và đúng đắn. Những lề luật bất công và những mệnh lệnh trái luân lý sẽ hủy diệt quyền bính và không thể bó buộc lương tâm. Chính ở đây mà chúng ta hiểu tại sao các Tông Đồ trả lời trước tòa án: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là người ta” (Cv 5,29). Như Thánh Gioan XXIII nói: “Trong trường hợp này, quyền bính không còn hiệu lực, và trở thành sự lạm dụng đáng xấu hổ” (số 1903).

Chính vì thế, điều rất quan trọng là luật pháp và các thể chế phải được hướng dẫn bởi trật tự luân lý khách quan, bởi thiên luật. Cũng như những lề luật bất công và những cấu trúc tội lỗi có thể dẫn đến nhiều thiệt hại, thì sự lạm dụng quyền bính cũng thế.

Dĩ nhiên, ngay cả quyền bính tốt đẹp nhất cũng chẳng có ích gì nếu không được tôn trọng. Ngày nay chúng ta dễ quên rằng phải nhìn nhận và biết ơn những người mang gánh nặng trách nhiệm và quyền bính, và hơn nữa, phải cầu nguyện cho họ để họ có được sự trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn mọi quyền bính tốt lành.

 

(Nguồn: WHĐ)