PHỤNG VỤ - HỌC HỎI
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 23. Bình đẳng và đa dạng
“Mọi hình thức kỳ thị dựa trên giới tính, chủng tộc, màu da, hoàn cảnh xã hội, ngôn ngữ hay tôn giáo đều phải dẹp bỏ vì nó không phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa”
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Ngày nay ít có vấn đề nào khó cho bằng việc bàn đến sự bình đẳng và đa dạng trong nhân loại. Cũng rất quan trọng khi phải làm sáng tỏ hai điều này: một là tất cả mọi người đều thật sự có phẩm giá bình đẳng, hai là mỗi người đều khác nhau và không ai chỉ đơn thuần giống người khác. Làm thế nào để mô tả mối tương quan đúng đắn giữa hai khía cạnh này?
Rất đáng đọc lại thông điệp của Đức Piô XII, ban hành vào tháng Mười năm 1939, trong đó ngài giải thích hết sức rõ ràng tại sao Giáo hội không thể chấp nhận chủ thuyết Quốc Xã về giống nòi. Tất cả mọi người, không trừ ai, đều chia sẻ cùng một bản tính nhân loại; trái đất này được trao cho tất cả mọi người như một nơi để sinh sống; mọi người đều có chung một mục đích siêu nhiên là sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa; mọi người đều có cùng một Đấng Cứu độ, Đức Giêsu Kitô, đã chết và sống lại cho mọi người (GLHTCG số 360; 1939).
Nhìn từ viễn tượng Kitô giáo, “mọi hình thức kỳ thị dựa trên giới tính, chủng tộc, màu da, hoàn cảnh xã hội, ngôn ngữ hay tôn giáo đều phải dẹp bỏ vì nó không phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa” (số 1935; Vui Mừng và Hi Vọng, 29).
Dù vậy, một khía cạnh khác cũng quan trọng tương tự. Không ai hoàn toàn giống người khác; có biết bao khác biệt giữa người với người và điều này cũng nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Chắc chắn là có những bất bình đẳng do bất công, phản lại tinh thần Phúc Âm (số 1938), nhưng cũng cần khám phá lại điều này là trong kế hoạch của Thiên Chúa, có những khác biệt giữa con người với nhau. Trước hết là sự khác biệt được ghi lại ngay trang đầu của Kinh Thánh: người nam và người nữ bình đẳng về phẩm giá, cả hai được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26); tuy nhiên họ lại khác nhau, trong cấu trúc thân xác và tinh thần, để bổ túc cho nhau và trợ giúp lẫn nhau (St 2,18), để mỗi người đóng góp phần riêng của mình vào công trình chung. Thế giới này sẽ ra sao nếu không có sự khác biệt giữa người nam và người nữ, vốn là suối nguồn làm cho nhau nên phong phú, nhưng cũng là nguyên cớ gây nên bao xung đột, vốn không phải là do sự đa dạng cho bằng là vì thiếu sự hoán cải (số 1916). Giáo hội sẽ ra sao nếu không có sự bổ túc này giữa người nam và người nữ?
Thế rồi lại có những khác biệt do những tài năng, kinh nghiệm, tính khí, khả năng thể lý… hết sức khác nhau, rồi những khác biệt về tuổi tác, sức khỏe, kể cả đời sống đạo đức luân lý. Tất cả những khác biệt này đều đòi hỏi những tiếp cận khác nhau. Sự kiện mọi người phải góp phần vào công ích không có nghĩa là mọi người phải góp như nhau, nhưng đúng hơn là chúng ta phải cậy dựa vào nhau. Những khác biệt thúc đẩy sự lệ thuộc lẫn nhau, và nhắc nhở chúng ta sự lệ thuộc nền tảng vào Thiên Chúa, trước nhan Ngài, mỗi chúng ta phải trả lẽ về những “nén bạc” mình đã nhận.
Tin liên quan
- Các biểu tượng và việc huấn giáo
- Sắc lệnh về Thánh lễ trong thời gian đại dịch
- Rước lễ thiêng liêng: tính thần học và niềm an ủi từ Chúa Kitô
- Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ Ủy ban Phụng Tự
- Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro
- Ủy ban Giáo dân: Bài huấn luyện số 16
- Cầu nguyện với các bài hát từ cộng đoàn Taizé - Tháng 10.2019 - trực tuyến
- Nhân đức thờ phượng
- Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép
- Cộng đoàn có thể đọc Phúc Âm trong Thánh lễ không?