PHỤNG VỤ - HỌC HỎI

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 24. Lề luật

Luật Chúa không phải là điều gì độc đoán hoặc sự áp đặt của một sức mạnh mù quáng. Đúng hơn chúng ta khám phá Luật Chúa trước hết nơi chính bản thân mình, chẳng hạn ánh sáng của lý trí.

ĐHY Christoph Schönborn

 
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
 
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ

 
Bài 24. LỀ LUẬT

 
“Con sẽ vui mừng trong lề luật Chúa, sẽ không quên luật Chúa đêm ngày” (Tv 119,16). Đây là lời nguyện trong Thánh vịnh dài nhất, vốn là lời ca tụng luật Chúa và diễn tả ước mong bước theo luật Chúa cách toàn diện, tuyệt đối.
 
 
Vui trong lề luật Chúa: quả là khó hiểu đối với con người ngày nay, vì trong thời hiện đại, người ta thường nhìn lề luật như cái gì khiên cưỡng, giới hạn tự do của chúng ta từ bên ngoài. Thế nhưng Do Thái giáo năm này qua năm khác lại mừng lễ gọi là Simchas Torah, nghĩa là Niềm Vui Lề Luật, bằng cách nhảy múa trong hội đường quanh Sách Luật, cứ như thể đang khiêu vũ với người yêu. Sở dĩ Luật Chúa bị coi như sự khiên cưỡng và ép buộc là vì tội lỗi đã làm cho chúng ta xa cách Chúa, và không thể trở về với Ngài mà không trải qua cuộc hoán cải đau đớn. Còn tự thân Luật Chúa là hạnh phúc, vui tươi, hợp lý. Vậy ý nghĩa của lề luật là gì?
 
 
Trên đường đi tới mục đích và hạnh phúc tối hậu, khả năng riêng của chúng ta – như lý trí và ý chí, nhân đức và động lực – là không đủ. Chúng ta cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa, và sự trợ giúp đó đến “qua Lề luật hướng dẫn và qua ân sủng nâng đỡ” (GLHTCG số 1949).
 
 
Luật Chúa không phải là điều gì độc đoán hoặc sự áp đặt của một sức mạnh mù quáng. Đúng hơn chúng ta khám phá Luật Chúa trước hết nơi chính bản thân mình, chẳng hạn ánh sáng của lý trí. Trong ánh sáng này, “chúng ta biết điều gì phải làm và điều gì phải tránh” (Thánh Tôma Aquinô, GLHTCG số 1955). Bằng khả năng của lý trí, chúng ta như “nghe” được lề luật, hiểu như sự diễn tả ý muốn của Đấng Tạo Hóa. Ngài đã thiết lập trật tự cho mọi sự, và ban cho chúng ta ánh sáng lý trí để nhận biết trật tự này, trong và chung quanh chúng ta.
 
 
“Luật luân lý” được ghi khắc trong trái tim mỗi người, do đó là tiếng vang và sự diễn tả “Luật vĩnh cửu” của chính Thiên Chúa (số 1951): “Chắc chắn tội trộm cướp bị trừng phạt bởi Lề luật của Chúa, và bởi luật đã được ghi trong trái tim con người, luật mà chính sự gian ác cũng không xóa bỏ được” (Thánh Augustinô, GLHTCG số 1958). Chúng ta biết rằng trên khắp trái đất, mọi người đều nghe được tiếng của Luật Chúa trong trái tim họ – ít ra là trên nguyên tắc – và tiếng nói đó đã, đang và sẽ còn mãi.
 
 
Luật tự nhiên này là nền tảng cho đời sống chung của nhân loại; cho dù có những khác biệt về văn hóa và những hoàn cảnh thay đổi, luật tự nhiên là “bất biến và trường tồn qua mọi thay đổi của lịch sử” (số 1958). Dối trá mãi mãi là dối trá, dù đối với người Eskimo hay đối với chúng ta, dù ở Rôma xa xưa hay trong thế giới mới.
 
 
Điều đó không có nghĩa là luôn luôn và ở khắp nơi luật luân lý đều được nhận thức cách sáng tỏ như nhau. Trong đời sống cá nhân hay cộng đồng, cũng có sự mất mát nào đó trong tầm nhìn về những vấn đề luân lý. Ví dụ ngày nay, nhiều người không nhìn nhận việc giết trẻ thơ trong bụng mẹ là một tội ác.
 
 
Chính vì thế chúng ta cần đến sự mặc khải của lề luật. Mười Điều Răn tóm tắt những điều vốn đã được ghi trong tâm hồn: “Thiên Chúa đã viết trên các bảng Luật, tất cả những gì mà con người không đọc nổi trong trái tim họ” (số 1962). Sự nhắc nhở này không chỉ là ở bên ngoài: Thiên Chúa muốn đặt lề luật của Ngài ở rất sâu trong trái tim chúng ta, để luật ấy trở thành sức mạnh điều hướng ý chí của chúng ta từ bên trong.
 

Điều đó sẽ đến khi Đức Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần, trở nên “luật sống của chúng ta”.
 
 
(Nguồn: WHĐ)