PHỤNG VỤ - HỌC HỎI

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 31. Tôn giáo không phải là chuyện riêng tư

Tôn giáo và những hình thức diễn tả là thái độ của con người toàn diện, xác và hồn. Đây không phải là chuyện riêng tư, vì chúng ta là những hữu thể xã hội. Tiếng thưa “Vâng” hoặc “Không” của chúng ta với Thiên Chúa đều có ảnh hưởng đến đời sống công cộng, kể cả khi chúng ta cầu nguyện nơi kín đáo.

ĐHY Christoph Schönborn

 

Bài 31. TÔN GIÁO KHÔNG PHẢI LÀ CHUYỆN RIÊNG TƯ
 
Điều răn thứ nhất đòi buộc chúng ta phải thờ phượng Chúa như Ngài xứng đáng. Trong tiếng La tinh, thái độ và nhân đức này được gọi là Religio và dịch sang tiếng Việt là Tôn giáo. Tôn giáo được biểu lộ qua những hành vi thờ phượng, bên trong cũng như bên ngoài. Những hành vi đó thể hiện sự lệ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa, làm sống động mối liên hệ của chúng ta với Chúa, và diễn tả lòng biết ơn của chúng ta với Ngài.
 
 
Thái độ nền tảng của tôn giáo là thờ lạy, tận hiến chính mình cho Thiên Chúa. Qua thái độ này, chúng ta nhìn nhận tính hư không của mình, đón nhận mọi sự từ Chúa (GLHTCG số 2097).
 
 
Cầu nguyện là cách diễn tả hồn nhiên và rõ ràng tâm tình thờ phượng, là nơi bày tỏ lòng đạo. Không có cầu nguyện, tính tôn giáo nơi con người sẽ chết và mối quan hệ với Thiên Chúa sẽ nhạt nhòa.
 
 
Cũng thế, hy lễ là cách diễn tả tâm tình tôn giáo, dấu chỉ lòng đạo. Để là hy lễ đích thực, điều quan trọng là hy lễ bên ngoài phải phù hợp với tâm tình bên trong (số 2100).
 
 
Tôn giáo và những hình thức diễn tả là thái độ của con người toàn diện, xác và hồn. Đây không phải là chuyện riêng tư, vì chúng ta là những hữu thể xã hội. Tiếng thưa “Vâng” hoặc “Không” của chúng ta với Thiên Chúa đều có ảnh hưởng đến đời sống công cộng, kể cả khi chúng ta cầu nguyện nơi kín đáo.
 
 
Thế kỷ 20 cho thấy chủ thuyết vô thần cá nhân đã đem lại những hậu quả nào khi nó trở thành hệ tư tưởng chính thức của Nhà nước (số 2023). Khi đó người ta không chấp nhận tôn giáo, kể cả như chuyện riêng tư, và một hành vi thờ phượng cũng có thể bị coi là tội phạm chính trị. Thế nhưng chính điều đó cho thấy rõ ràng là ngay cả việc cá nhân thi hành bổn phận tôn giáo cũng có ý nghĩa công cộng. Tôn giáo mang tính cá nhân nhưng không phải là chuyện riêng tư, vì tôn giáo được diễn tả qua những hành động hữu hình và có ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng.
 
 
Như thế, phải chăng xã hội và Nhà nước bị bó buộc phải thực hành tôn giáo? Trong những xã hội đa nguyên ngày nay, ý tưởng về quốc giáo đã là chuyện lỗi thời. Vậy phải chăng Nhà nước phải dẹp bỏ mọi tôn giáo? Nhà nước không thể hủy diệt tôn giáo vì như thế là hủy diệt cả nền tảng của đời sống cộng đồng. Kinh nghiệm 80 năm Cộng sản ở Liên Xô cũ đã cho thấy. Vậy phải chăng Nhà nước nên dùng mọi phương tiện có thể để thúc đẩy người ta đón nhận tôn giáo chân chính là Kitô giáo? Công đồng Vatican II đã bác bỏ cách nhìn này và đã trình bày quan điểm về tự do tôn giáo.
 
 
Trong giới hạn chính đáng (số 2109), Nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ tự do của các cá nhân cũng như hiệp hội, khi họ sống và hành động phù hợp với lương tâm của họ, nhất là trong các vấn đề tôn giáo, cũng như khi họ truyền đạo mà không dùng áp lực hoặc cưỡng ép bất cứ ai.
 
 
Sự kiện những giáo phái đang lan rộng trên khắp thế giới ngày nay đang đặt ra vấn đề là: tự do tôn giáo có thể đi xa tới mức nào để không gây tổn hại cho công ích? Những hiệp hội nào đáng được gọi là Giáo hội và Tôn giáo, và được chính thức nhìn nhận? Chính những câu hỏi đó lại cho thấy tôn giáo không hề là chuyện riêng tư.
 
(Nguồn: WHĐ)