PHỤNG VỤ - HỌC HỎI

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 36. Gia đình

Gia đình có trước những hình thức khác của cộng đồng. Gia đình có trước cả Nhà nước và xã hội, và vì thế, công quyền không chỉ đơn thuần là kiểm soát các gia đình nhưng có bổn phận bảo vệ và thăng tiến gia đình.

ĐHY Christoph Schönborn


Bài 36. GIA ĐÌNH


Các nhà xã hội học chỉ ra cách đúng đắn rằng “gia đình” đã trải qua rất nhiều thay đổi theo dòng lịch sử. Gia đình nhỏ, gia đình hạt nhân như chúng ta biết ngày nay không phải là hình thức duy nhất của “gia đình”. Cách nay 3 hoặc 4 thế hệ, chuẩn mực vẫn là gia đình lớn, nhất là trong các vùng nông thôn, nghĩa là gia đình đông con và ít là 3 thế hệ cùng chung sống (tứ đại đồng đường). Thời xưa – kể cả ngày nay tại nhiều vùng ở châu Phi vẫn giữ truyền thống – gia đình còn rộng lớn hơn nữa: gia đình bao gồm bộ tộc, bộ lạc, nghĩa là mạng lưới rộng lớn của những người bà con họ hàng, trong đó các cá nhân và gia đình nhỏ gắn kết chặt chẽ với nhau.


Từ đó người ta có thể kết luận rằng gia đình chỉ là một trong nhiều hình thức sống chung, và hình thức gia đình có thể thay đổi theo từng hoàn cảnh của thời đại. Thế nhưng Hội Thánh xác tín rằng gia đình là “tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội” (GLHTCG số 2007). Gia đình có trước những hình thức khác của cộng đồng. Gia đình có trước cả Nhà nước và xã hội (số 2002), và vì thế, công quyền không chỉ đơn thuần là kiểm soát các gia đình nhưng có bổn phận bảo vệ và thăng tiến gia đình: “Chính quyền dân sự phải coi đây là một bổn phận quan trọng, là nhận biết, bảo vệ và củng cố phẩm chất đích thực của hôn nhân và gia đình, bảo vệ nền luân lý công cộng và sự thịnh vượng của gia đình” (số 2210). Đã nhiều lần các thể chế chính trị nghĩ đến việc loại bỏ gia đình, “giải phóng” con người khỏi những “ràng buộc gia đình”, trẻ em không cần được cha mẹ giáo dục nhưng đã có tập thể lo; người ta làm tất cả những gì có thể để nới lỏng mối dây hôn phối giữa vợ chồng. Những thử nghiệm đó đã dẫn đến những hậu quả bi thảm cho cá nhân và xã hội.


Tuy nhiên cũng có những dấu chỉ cho thấy suy tư nghiêm túc về giá trị của gia đình. Những gì mà đứa trẻ không học được nơi gia đình vốn là tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội, thì các đơn vị xã hội như trường học hoặc nhóm bạn phải làm thay, thế nhưng rất khó khăn. “Nơi nào các gia đình không đủ khả năng chu toàn các nhiệm vụ của mình, thì các tổ chức xã hội khác có bổn phận trợ giúp các gia đình đó và nâng đỡ thể chế gia đình” (số 2009). Đìều này đặc biệt đúng cho những hoàn cảnh khá thông thường ngày nay ở châu Âu, tức là những gia đình của cha mẹ đơn thân, gia đình đổ vỡ, gia đình bất hạnh. Lời kêu gọi “thăm viếng cô nhi quả phụ đang gặp khó khăn” vẫn còn rất cụ thể cho ngày nay. Vì thế người Kitô hữu cần ưu tiên cho việc nâng đỡ và đáp ứng nhu cầu của các gia đình.


Gia đình là mẫu mực nguyên thủy của quan hệ nhân sinh. Không phải vô lý khi chúng ta ca tụng bầu khí gia đình trong một giáo xứ hoặc nơi làm việc. Diễn ngữ “gia đình nhân loại” chỉ có ý nghĩa nếu tất cả chúng ta nhìn nhau không chỉ như những cá nhân, nhưng như con cái của Người Cha duy nhất, và như thế là anh chị em với nhau: “Anh chị em ruột là con cái của cha mẹ chúng ta; anh chị em họ là con cháu của tổ tiên chúng ta; đồng bào là con cái của tổ quốc chúng ta; những người đã chịu Phép Rửa là con cái của Mẹ Hội Thánh; mỗi người đều là con trai hoặc con gái của Đấng muốn chúng ta gọi Ngài là “Cha của chúng con” (số 2212).

 

(nguồn: WHĐ)