PHỤNG VỤ - HỌC HỎI

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 39. Không được giết người

Sự sống mang tính thánh thiêng vì Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và bảo tồn sự sống, là Đấng Thánh. Một xã hội trong đó cảm thức về Thiên Chúa bị lu mờ, thì việc tôn trọng sự sống cũng nhanh chóng mất đi.

ĐHY Christoph Schönborn


Bài 39. NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI


Một trong những thông điệp quan trọng nhất của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là thông điệp Tin Mừng sự sống (Evangelium vitae). Ngài nói đến sự sống nào? Ngài công bố Tin Mừng nào về sự sống? Chúa Giêsu hứa ban sự sống nào? Điều răn thứ năm bảo vệ sự sống nào?


Chúa Giêsu hứa ban sự sống đời đời, tức là sự hiệp thông với Thiên Chúa, và chính Chúa Giêsu đã đến để ban tặng cho chúng ta. Để đạt tới sự sống này, phải chấp nhận mất sự sống của mình (Mc 8,35). Chúng ta được nhắc nhớ rằng sự sống trần thế không phải là mục đích tối hậu và giá trị cao cả nhất. Thà hy sinh sự sống này còn hơn là đánh mất sự sống linh hồn (Mt 10,28).


Các vị tử đạo đã làm chứng cho chân lý này. Vì danh Chúa Kitô, các ngài đã sống theo lương tâm, chống lại những dối trá và bất công, sẵn sàng hy sinh mạng sống trần gian chứ không chịu mất sự sống linh hồn (GLHTCG số 2473). “Nếu hạt lúa rơi xuống lòng đất mà không chết đi, nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, nó mới sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai ghét sự sống mình ở đời này, sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Ga 12,24-25).


Vậy phải chăng có thể tước đoạt sự sống con người cách độc đoán? Điều răn thứ năm rõ ràng đặt toàn bộ sự sống con người, cả xác lẫn hồn, dưới sự che chở đặc biệt của Thiên Chúa: “Chỉ một mình Thiên Chúa là Chủ của sự sống ngay từ khởi đầu đến khi kết thúc. Trong bất cứ trường hợp nào, không ai được dành cho mình quyền trực tiếp tiêu diệt một người vô tội” (số 2258).


Sự sống mang tính thánh thiêng vì Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và bảo tồn sự sống, là Đấng Thánh. Một xã hội trong đó cảm thức về Thiên Chúa bị lu mờ, thì việc tôn trọng sự sống cũng nhanh chóng mất đi. Trong sách Didache (Giáo huấn của các Tông đồ), chúng ta đọc được giáo huấn này rất rõ ràng ngay từ thuở đầu của Kitô giáo, chống lại việc khinh thường sự sống trong thế giới ngoại giáo lúc đó: “Không được giết người… Không được giết một bào thai bằng cách phá thai hoặc giết trẻ con… Đường của sự chết là thế này… Đó là đường của những kẻ không biết thương người nghèo, không quan tâm đến người bị áp bức, không nhận biết Đấng Tạo Hoá. Đó là đường của những kẻ giết trẻ thơ, huỷ diệt những hình ảnh của Chúa. Đó là đường của những kẻ quay mặt đi trước nhu cầu của tha nhân, áp bức người cùng khổ, xét xử người nghèo cách bất công. Tắt một lời, đó là đường của những kẻ lún sâu trong tội lỗi. Hởi các con, hãy giữ mình khỏi những điều đó”.


Ngày nay, trong một thế giới ngày càng mang tính ngoại giáo, Đức Thánh Cha không ngừng nói về “văn hoá sự sống”, vốn đang bị đe doạ bởi nền văn hoá sự chết, nhưng cũng là phương thế duy nhất để chống lại nó. Thánh Gioan Phaolô II cũng nhìn thấy những dấu hiệu hy vọng của nền văn hoá sự sống khắp nơi, dù ngài than phiền rằng “thật khó để thấy và nhận ra những dấu chỉ tích cực này, có lẽ vì các phương tiện truyền thông không quan tâm tới cho đủ”.


Điều răn thứ năm chỉ ra giới hạn tối thiểu mà ta không được vượt qua. Hiểu cách tích cực, điều răn đó trình bày sự tôn trọng tuyệt đối với sự sống con người, vì sự sống đó được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và vì thế sự sống đó thật thánh thiêng.

 

(Nguồn: WHĐ)