PHỤNG VỤ - HỌC HỎI

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 40. Bảo vệ sự sống

Việc bảo vệ sự sống con người được bắt đầu từ chỗ kính trọng linh hồn của tha nhân. Nếu sự kính trọng này không đủ mạnh thì sự kính trọng thân xác người khác cũng sẽ bị lụi tàn. Cũng vì thế, “nền văn hoá sự sống” đòi hỏi việc “vun đắp linh hồn”.

ĐHY Christoph Schönborn


Bài 40. BẢO VỆ SỰ SỐNG


Điều răn thứ năm đặt sự sống con người – trong mọi giai đoạn và mọi chiều kích – dưới sự che chở đặc biệt của Thiên Chúa. Điều đó bao gồm việc bảo vệ sự sống thân xác cũng như linh hồn. Chính vì thế, khi trình bày điều răn thứ năm, Sách GLHTCG bàn đến “gương xấu” như là sự xúc phạm đến việc “tôn trọng linh hồn tha nhân” (số 2284).


Dẫn người khác đến chỗ làm điều xấu là giết chết linh hồn người ta. Chính vì thế Chúa Giêsu nguyền rủa những kẻ làm gương xấu cho “một trong những người bé mọn tin vào Ta” (Mt 18,6). Gương xấu có thể phát xuất từ ứng xử cá nhân, nhưng cũng còn từ những lề luật thúc đẩy gương xấu hoặc không chống lại gương xấu cho đủ mạnh, cũng như từ những người lèo lái dư luận, gây hậu quả tai hại và tàn phá sự sống linh hồn. Mối nguy hiểm cho sự sống thân xác không đáng sợ bằng những đe doạ sự sống linh hồn. Cho dù ngày nay nhiều người không còn coi việc “cứu linh hồn” là mục đích tối thượng, nhưng lời cảnh cáo của Chúa Giêsu vẫn còn nguyên giá trị: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích chi (Mt 16,26)?


Do đó, việc bảo vệ sự sống con người được bắt đầu từ chỗ kính trọng linh hồn của tha nhân. Nếu sự kính trọng này không đủ mạnh thì sự kính trọng thân xác người khác cũng sẽ bị lụi tàn. Cũng vì thế, “nền văn hoá sự sống” đòi hỏi việc “vun đắp linh hồn”. Nền văn hoá sự sống chỉ phát triển khi sự sống linh hồn – mối tương quan sống động với Thiên Chúa – được vun trồng. Việc tôn trọng sự sống thân xác cũng như linh hồn của tha nhân sẽ lớn mạnh cùng với mức độ chúng ta tin vào sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với con người, khi chúng ta hiểu được rằng mình quý giá dường nào trước mặt Chúa, và Chúa Giêsu phải trả giá đắt thế nào để cứu độ chúng ta.


“Mọi người, từ trong lòng mẹ, đã thuộc về Chúa là Đấng tìm kiếm và biết họ… Đấng dõi theo họ ngay từ khi họ mới chỉ là những phôi chưa thành hình dạng, đã nhìn thấy nơi họ những con người của tương lai với năm tháng ngày giờ, và ơn gọi của họ đã được viết trong Sách sự sống” (Tin Mừng sự sống, số 61). Đây là lý do Hội Thánh cương quyết trả lời KHÔNG đối với việc phá thai, đồng thời cố gắng đồng hành và nâng đỡ các bậc cha mẹ đang gặp khó khăn để họ chống lại cơn cám dỗ phá thai.


An tử (euthanasia) cũng là một chủ trương đe doạ sự sống con người. Một đàng, “việc ngưng các phương tiện y khoa quá tốn kém và mạo hiểm, ngoại thường hoặc không tương xứng với những kết quả mong muốn, có thể là hợp pháp” (số 2278); đàng khác, ngày càng có nhiều tiếng nói cho rằng cuộc sống của người khuyết tật, bại liệt, mắc bệnh nan y, là “những cuộc đời không đáng sống” và đòi được phép giết những người đó. Tương tự như thế, những nỗ lực đòi coi việc tự tử là chuyện bình thường, hơn nữa còn muốn tôn vinh nó, tất cả là thành phần của thứ văn hoá sự chết (số 2282).


Ngoài ra, chủ trương tôn thờ thân xác (số 2289) thật ra cũng đang cổ võ cho thứ văn hoá thù nghịch sự sống: “Mặc dù luân lý đòi phải tôn trọng sự sống thể xác, nhưng luân lý không dành cho nó một giá trị tuyệt đối”. Nếu cho rằng chỉ có những thân xác khỏe mạnh và hấp dẫn mới đáng sống, thì vô tình hay hữu ý, xã hội không còn chỗ cho người đau yếu, tật nguyền và lệ thuộc người khác. Việc tôn trọng và bảo vệ sự sống đích thực phải được khơi dậy từ nhận thức rằng mọi sự sống con người – không loại trừ ai – đều quý giá trước mặt Thiên Chúa và ở dưới sự che chở của Ngài.


(Nguồn: WHĐ)