PHỤNG VỤ - HỌC HỎI

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 45. Điều răn thứ bảy

Bất cứ điều gì tôi có được cách hợp pháp đều “thuộc về tôi”, nhưng điều đó cũng được ban cho tôi như một quà tặng. Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta không phải là người sở hữu nhưng là quản lý. Và hi vọng chúng ta sẽ là những quản lý trung tín.

ĐHY Christoph Schönborn


Bài 45. ĐIỀU RĂN THỨ BẢY

 

“Ngươi không được trộm cắp” (Xh 20,15), điều răn thứ bảy dạy như thế. Điều răn này cấm “lấy hoặc giữ của cải của người khác cách bất công, hoặc làm thiệt hại của cải của họ bằng bất cứ cách nào” (GLHTCG số 2401).

 

Thế nhưng liệu có cái gọi là “quyền tư hữu chính đáng” không? Chủ nghĩa Marx và sự thể hiện của nó là Cộng sản đặt vấn đề về chính nền tảng của “quyền tư hữu chính đáng”. Thật vậy, họ phủ nhận quyền này; theo đó, tất cả tư hữu đều được “tập thể hoá”, nghĩa là tước đoạt rồi trao cho sở hữu tập thể. Dĩ nhiên, hậu quả thực tế của hệ ý thức này là bởi vì mọi sự thuộc về mọi người, cho nên mọi người đều ráng bòn rút cho mình. Trong nền kinh tế kiệt quệ như trong các nước Cộng sản, trộm cắp trở thành một nhu cầu và một kỹ năng để sinh tồn. Đương nhiên lối sống này về lâu về dài sẽ tàn phá ý thức luân lý nơi người dân.

 

Ở một thái cực khác là thứ chủ nghĩa tư bản chủ trương muốn làm gì thì làm, thứ tư bản bị Thánh Gioan Phaolô II gọi là chủ nghĩa tư bản rừng rú, người ta coi tư hữu là tuyệt đối và cố gắng tách nó khỏi bất cứ bó buộc xã hội nào. Lợi nhuận trở thành tiêu chuẩn tối hậu, không quan tâm gì đến đặc tính cộng đồng của của cải, vật chất cũng như trí thức.

 

Giáo huấn xã hội Công giáo, vốn được phát triển như sự đáp ứng cuộc cách mạng kỹ nghệ, rõ ràng đã phủ nhận cả hai lập trường trên. Giáo huấn Công giáo bảo vệ quyền tự nhiên của con người là được có sở hữu riêng; nhưng giáo huấn đó cũng nhắc nhở rằng sở hữu của cải riêng không phải là quyền tuyệt đối, đúng hơn, nó có những giới hạn nội tại do chính bản tính của nó. Làm thế nào có thể nối kết hai quan điểm này: quyền tư hữu cá nhân, đồng thời bó buộc phải trả lại những của cải này cho cộng đồng?

 

Hướng giải quyết phát xuất từ một cội nguồn chung, đó là niềm tin vào Đấng Tạo Hoá. Ngài là cội nguồn của mọi sự (số 2402). Của cải trên trái đất được dành cho tất cả mọi người. Ngày nay chúng ta càng nhận thức rõ hơn về điều này vì ý thức rằng tất cả trái đất cùng chung một vận mệnh về môi trường. Không khí, nước uống, môi trường sống và môi sinh thiên nhiên, tất cả đều thuộc về mọi người và được trao phó cho mọi người. Hủy diệt hoặc làm ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng lên tất cả mọi người. Do đó giáo huấn xã hội Công giáo nói đến “quyền chung hưởng của cải”: “Quyền chung hưởng của cải vẫn đứng hàng đầu, mặc dầu sự thăng tiến của công ích đòi hỏi phải tôn trọng sự tư hữu, quyền tư hữu và việc thực thi quyền này” (số 2403).

 

Quyền tư hữu không chống lại điều này như Thánh Gioan Phaolô II nói: “Trái đất không trổ sinh hoa trái nếu không có sự cộng tác của con người với quà tặng của Thiên Chúa, nghĩa là nếu con người không làm việc. Chính qua lao động mà con người, bằng cách sử dụng trí tuệ và tự do của mình, đã thành công trong việc thống trị trái đất và làm cho nó trở thành ngôi nhà thích hợp. Bằng cách đó, con người biến một phần trái đất thành của mình, hiển nhiên là phần mà họ có được nhờ lao động; đây chính là nguồn cội của tư hữu cá nhân”. Tư hữu đó giúp cho mỗi người đáp ứng nhu cầu căn bản của mình cũng như chăm sóc cho gia đình mình, cho cộng đồng, cho những người cần giúp đỡ. Bất cứ điều gì tôi có được cách hợp pháp đều “thuộc về tôi”, nhưng điều đó cũng được ban cho tôi như một quà tặng. Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta không phải là người sở hữu nhưng là quản lý. Và hi vọng chúng ta sẽ là những quản lý trung tín.

 

(Nguồn: WHĐ)