PHỤNG VỤ - HỌC HỎI
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 48. Sự trung thực
Bài 48. SỰ TRUNG THỰC
Mọi điều răn đều tương ứng với một nhân đức. Mọi lệnh truyền “Ngươi không được…” đều có nền tảng là một thái độ tích cực. Các điều răn không chỉ là những ranh giới xác định đâu là điều không được phép làm, nhưng trước hết, các điều răn giới thiệu những thái độ căn bản, giúp chúng ta làm điều lành và tránh điều xấu một cách hồn nhiên, từ sự thúc đẩy nội tâm và từ những thói quen tốt.
Với điều răn thứ tám là điều răn “cấm xuyên tạc sự thật trong những tương quan với tha nhân” (GLHTCG số 2464), thì nhân đức tương ứng ở đây là sự trung thực. Đây là nhân đức có tầm quan trọng nền tảng trong đời sống của cộng đồng. Thánh Tôma nói: “Con người không thể sống chung với nhau nếu họ không tin tưởng rằng họ trung thực với nhau” (số 2469).
Dối trá hủy diệt sự tin tưởng này và đầu độc bầu khí của những tương quan liên vị. Liên Xô trong thế kỷ 20 cung cấp một minh hoạ điển hình, cho thấy điều gì xảy ra khi chế độc độc tài nâng dối trá lên thành chính sách: mọi người nghi ngờ nhau; sự thật và gian dối bị trộn lẫn; dối trá là khí cụ để chiếm lĩnh quyền lực; sợ hãi và đe doạ là hậu quả. Chủ nghĩa Cộng sản của Liên Xô cũ không sợ điều gì khác ngoài sự thật, và không có gì đẩy chế độ đó suy sụp nhanh cho bằng sự can đảm của những cá nhân dám bẻ gẫy dối trá và cất lên tiếng nói của sự thật, kể cả phải hi sinh mạng sống. Alexander Solzhenitsyn, trong cuốn Quần đảo Gulag, tác phẩm đồ sộ về những trại cải tạo của Cộng sản, đã cất lên tiếng nói giải thoát của sự thật.
Nhân đức trung thực hết sức quan trọng cho chúng ta vì tâm trí chúng ta cần sự thật như thân xác cần của ăn. Ngay cả một đứa trẻ cũng muốn biết và nó hỏi liên tục. Muốn biết mọi sự diễn ra thế nào, muốn hiểu chúng ta là ai và các sự kiện có ý nghĩa gì, đó là nhu cầu căn bản của con người, nhưng cũng là sự bó buộc về mặt luân lý đòi hỏi cố gắng và hi sinh. Khuynh hướng tốt hướng về điều lành phải chống lại thói quen xấu, tự hài lòng với những định kiến thiếu suy nghĩ và cách nhìn hời hợt. Niềm vui chúng ta có được khi sống trong sự thật, trong hiểu biết, trong chính trực, niềm vui đó thêm sức mạnh cho chúng ta để sống trung thực và để cảnh giác trước “lối sống hai mặt, dối trá và đạo đức giả” (số 2468).
Các bậc thầy ngày xưa đã nói: “Nhân đức nằm ở giữa”, nghĩa là nhân đức giữ được sự quân bình giữa hai thái cực, hoặc quá nhiều hoặc quá ít. “Chân lý giữ sự trung dung chính đáng giữa điều phải được nói ra với điều bí mật phải giữ kín; chân lý bao gồm sự thành thật và sự kín đáo” (số 2469). Trung thực không có nghĩa là nói hết mọi sự cho hết mọi người. Có những điều buộc chúng ta phải giữ kín, điều này tuyệt đối đúng và cần thiết trong bí tích Giải Tội (số 2490), cả trong những bí mật nghề nghiệp nữa. Phải nói những gì trong đời sống thường ngày và phải giữ kín điều gì, chính tình yêu tha nhân hướng dẫn chọn lựa của chúng ta: “Trong những trường hợp cụ thể, điều răn yêu thương đòi hỏi phải cân nhắc cẩn thận xem có phải tỏ bày sự thật hay không cho người yêu cầu” (số 2488). Đức Ái là thước đo mọi nhân đức. Chỉ qua đức ái mà hành động của chúng ta mới thật là tốt hay xấu. Chính vì thế chúng ta phải “thực thi chân lý trong yêu thương” và “yêu thương trong chân lý”.
(Nguồn: WHĐ)
Tin liên quan
- Các biểu tượng và việc huấn giáo
- Sắc lệnh về Thánh lễ trong thời gian đại dịch
- Rước lễ thiêng liêng: tính thần học và niềm an ủi từ Chúa Kitô
- Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ Ủy ban Phụng Tự
- Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro
- Ủy ban Giáo dân: Bài huấn luyện số 16
- Cầu nguyện với các bài hát từ cộng đoàn Taizé - Tháng 10.2019 - trực tuyến
- Nhân đức thờ phượng
- Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép
- Cộng đoàn có thể đọc Phúc Âm trong Thánh lễ không?