PHỤNG VỤ - HỌC HỎI
Trong Thánh lễ, quyên góp tiền thau khi nào?
Từng hỏi một số người Công giáo Việt Nam rằng trong Thánh lễ thì quyên góp tiền thau khi nào, chúng tôi thường nhận được câu trả lời là khi cha đang giảng hay đang khi đọc kinh Tin kính. Câu trả lời này phản ánh một thực tế là tại các thánh đường của chúng ta thực hành quyên góp tiền thau thường diễn ra đang khi các tín hữu nghe giảng hay đọc kinh Tin kính, tức thuộc về phần Phụng vụ Lời Chúa trong khi nó phải thuộc về phần Phụng vụ Thánh Thể. Căn cứ vào phần trình bày tóm tắt dưới đây về lịch sử và hướng dẫn của Giáo Hội liên quan đến nghi thức tiến dâng lễ phẩm, chúng ta có thể kết luận rằng đây là thực hành không đúng thời điểm và cần phải thay đổi.
Lịch sử
Tuy sách Didache không nói gì về nghi thức dâng lễ vật, nhưng từ ban đầu, các tín hữu đưa bánh rượu đặt trên bàn vị chủ sự để cử hành Bữa tối của Chúa, như họ thường gọi, hay cử hành Hy lễ Tạ ơn (Eucharistia).1 Thánh Justinô tử đạo (100-165), người đầu tiên mô tả cụ thể việc cử hành Thánh Thể, đã nói đến việc tiến dâng bánh và rượu cùng với nước, vào cuối buổi cử hành, vị chủ tọa cộng đoàn sẽ phân phát cho các bà góa, trẻ mồ côi, người đau bệnh và tù nhân những gì mà các thành viên giàu có đặt trước mặt ngài.2 Thời thánh Hippôlytô (khoảng 170-236), trong sách Truyền thống Tông đồ3 của mình, ngài có nhắc đến lễ phẩm 4 lần, tức là bánh và rượu được dâng tiến sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, công việc đưa bánh rượu lên bàn thờ được dành cho các phó tế.4 Khi Bữa ăn Huynh đệ (Agape) không còn nữa, các tín hữu vẫn tiếp tục đưa của lễ đến để tham dự Thánh lễ mà Tertunianô (160-220) coi những lễ phẩm này như là quỹ ký gởi của lòng đạo đức để dành trợ giúp những người nghèo, già nua, mồ côi, đắm tàu…5 Trong những của lễ này, vào thế kỷ II- III, các phó tế tiếp nhận lễ phẩm bánh và rượu và trình bày chúng cho Đức Giám mục để ngài cử hành Hy tế Thánh Thể. Trong thế kỷ III, lý do Giáo Hội khuyến khích các tín hữu đem dâng bánh rượu và các hoa mầu ruộng đất khi tham dự Thánh lễ là nhằm giúp các tín hữu biết trân trọng các đối tượng vật chất cũng như nhằm chống lại phái Ngộ đạo thuyết vốn chủ trương những gì thuộc vật chất phải loại trừ.6 Cũng trong thế kỷ III, thánh Cyprianô khuyến khích các tín hữu mang lễ vật của họ đến thánh đường.7
Sang thế kỷ IV, theo tường thuật của thánh Giêrônimô, các tín hữu đem theo lễ phẩm cũng như ý nguyện của mình khi đến tham dự Thánh lễ. Việc tiến dâng lễ vật lúc này trở thành thực hành bình thường trong Giáo Hội Tây phương. Tuy nhiên, thánh Augustinô cho biết, việc tiến lễ chỉ dành riêng cho các tín hữu bình thường vì những anh chị em dự tòng cũng như những người phạm tội công khai được giải tán cho về sau Lời nguyện Tín hữu. Họ chỉ hiện diện trong phần Phụng vụ Lời Chúa chứ không được tham dự phần Phụng vụ Thánh Thể sau đó. Trong nghi thức dâng lễ vật, các tín hữu rước lễ vật và đặt chúng ở một chỗ thuận tiện (gian ngang của Nhà thờ Roma) trước Thánh lễ. Sau Phụng vụ Lời Chúa, thầy phó tế sẽ đưa các lễ phẩm này đến cho Giám mục. Ngoài của lễ là bánh và rượu, sách Truyền thống Tông đồ cho biết, các tín hữu còn mang lúa mì, nho, dầu, nến, đèn, hương, vải, trái cây, bánh sữa, mật ong... và nhiều thứ khác. Nhiều Công đồng địa phương đã tìm cách hạn chế một số loại của lễ, và sách Hiến chế các Tông đồ 8(năm 380) liệt kê những thứ được phép là bánh, rượu, hương, hạt lúa, trái nho, trái ôliu và nến sáp.9 Rượu được đựng trong bình lớn có quai, bánh mì đặt trên bàn rồi dùng tấm khăn lớn phủ lại cho khỏi bụi, còn các của lễ khác thì đặt bên cạnh bàn thờ.10
Vì mỗi người đều mang của lễ lên dâng, nên việc dâng lễ vật kéo dài khá lâu, nhiều khi gây náo động và mất trật tự. Để hạn chế đến mức tối đa vấn đề ồn ào và chia trí như thế, đồng thời tạo cho việc di chuyển thể lý có một ý nghĩa thiêng liêng, nhất là khi nền phụng vụ Roma lan truyền đến những vùng đất khác, từ thế kỷ IV đến thế kỷ X, người ta bắt đầu tổ chức những cuộc rước kiệu thực sự và long trọng.11 Cuộc rước lễ phẩm gồm tất cả những người đem lễ vật cùng tiến lên với nhau, có bài hát kèm theo cuộc rước, thường là Thánh vịnh hay Tiền xướng, hầu giữ được sự trang nghiêm và sốt sắng khi cử hành.
Ở Tây phương, cuộc rước lễ phẩm sa sút dần dần suốt thời kỳ tiền Trung cổ. Lý do là vì bánh có men thông thường không thích hợp cho cử hành Thánh Thể nữa. Mặt khác, số người tham dự Thánh lễ và lên Rước lễ ngày càng ít ỏi đi. Cuộc rước dâng lễ kể như biến mất khi người ta thay đổi lễ vật tiến dâng từ sản phẩm nông nghiệp sang dâng cúng tiền bạc. Từ đó, quyên góp tiền bằng những thùng hay giỏ tiền trở thành một thực hành phổ biến trong Giáo Hội.12
Vào thời Trung cổ, sau khi phụng vụ Roma truyền qua Pháp, bị ảnh hưởng ngôn ngữ và khuynh hướng thần học tại đây, Thánh lễ dần dần trở nên xa lạ với giáo dân. Trong phần dâng lễ, họ không còn tích cực tham dự như trước. Chắc chắn từ ban đầu, bánh được đem dâng tiến là những ổ bánh mì, vì vậy, việc bẻ bánh (fractio panis) ra những phần nhỏ đem phân phát cho nhiều người tham dự là điều cần thiết trong suốt thời gian dài trong Giáo Hội thời cổ.
Từ thế kỷ VIII-IX, khác với Giáo Hội Đông phương vẫn tiếp tục dùng bánh có men để dâng Thánh lễ, Giáo Hội bên Tây phương chuyển sang chỉ dùng bánh không men thay cho bánh có men là thứ bánh hằng ngày dân chúng vẫn dùng trong các bữa ăn và có thể mua cách dễ dàng tại các tiệm bánh. Vì bánh không men được chuẩn bị cách đơn giản từ bột và nước mà không thêm bất kỳ một loại men nào, cho nên có thể giữ được lâu mà không sợ hư. Đàng khác, để tỏ lòng cung kính, người ta làm thứ bánh riêng theo hình tròn, đẹp và trắng tinh.13 Bánh loại này không dễ bị rơi vãi, dễ dàng phân phát cho nhiều người, do vậy không cần giáo dân đem lễ vật đến dâng trong phần chuẩn bị lễ vật nữa. Đó là lý do thay vì dân chúng mang bánh đến tiến dâng, sang thế kỷ XI, người ta dâng cúng tiền bạc.14 Điều này kéo theo hai việc: 1] Cuộc rước kiệu phẩm vật biến mất; 2] Hình thành thực hành quyên tiền trong Thánh lễ, xuất hiện khái niệm bổng lễ và thực hành xin lễ các linh mục, nhất là gia đình xin lễ cầu cho người quá cố của họ.15
Cuối thời Trung cổ, một thực hành phổ biến là các linh mục cử hành Thánh lễ tư riêng với một chú giúp lễ, nghĩa là ngài đảm nhiệm hầu hết các phận vụ trong Thánh lễ. Do vậy, lễ phẩm thường được đặt trên bàn thờ ngay từ đầu Thánh lễ. Dân chúng không còn trực tiếp đem đặt lễ phẩm trên bàn thờ nữa.
Thời hậu Công đồng Trentô (theo Sách lễ 1570), có sự phân biệt rõ ràng giữa Thánh lễ trọng thể (hát)16 và Thánh lễ đọc (thường). Thánh lễ hát thường có sự tham dự của các thầy phụ phó tế và phó tế. Họ hỗ trợ cho vị chủ tế khi trao đĩa và chén cho ngài, đậy chén thánh, phụ xông hương và rửa tay. Ca đoàn thì hát bài dâng lễ nhưng không thấy nói gì đến việc cộng đoàn tiến dâng của lễ. Trong Thánh lễ đọc càng không có thực hành giáo dân tham gia tiến dâng lễ vật. Ngoài sự khác biệt với Thánh lễ trọng thể là không có hát, thì phần việc của thầy phụ phó tế và phó tế được thay thế một phần bởi chú giúp lễ và một phần bởi chính vị chủ tế.17
Cho đến sau Công đồng Vatican II, việc chuẩn bị lễ phẩm được nhấn mạnh hơn là tiến dâng, vì thế cuộc rước lễ phẩm được áp dụng trở lại như được mô tả trong Sách lễ của Đức Phaolô VI (năm 1970). Hiện nay, cuộc rước này được phổ biến rộng rãi trong các giáo xứ trong Thánh lễ Chúa nhật hay những dịp lễ trọng thể.18
Hướng dẫn của Giáo Hội
Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (=QCSL) cho biết về nghi thức chuẩn bị lễ vật như sau:
(...) Tiếp đến là đem lễ phẩm lên: nên để giáo dân đem bánh và rượu, vị tư tế hay thầy phó tế nhận tại một nơi thuận tiện, và đưa lên bàn thờ. Mặc dầu ngày nay giáo dân không còn mang bánh rượu của mình đến để dùng vào việc phụng vụ như xưa, nhưng nghi thức trao lễ phẩm vẫn giữ hiệu lực và ý nghĩa thiêng liêng. Cũng được nhận tiền bạc hay các phẩm vật khác, do tín hữu mang đến hay được quyên ngay trong nhà thờ để giúp người nghèo hay Giáo Hội; những phẩm vật này được đặt ở một nơi xứng hợp ngoài bàn thờ.19
Rõ ràng là các lễ phẩm bánh và rượu, tiền bạc hay quà tặng khác dành cho người nghèo và cho Giáo Hội được mang đến cho vị chủ tọa thuộc về phần chuẩn bị lễ vật, tức là phải được tiến hành trong thời điểm chuẩn bị lễ vật trong Thánh lễ chứ không thể vào thời điểm khác. Hành động đó (dâng lễ phẩm vật chất) biểu trưng cho tấm lòng (dâng lễ phẩm thiêng liêng) của những người trao dâng lễ phẩm. Họ ao ước hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa tất cả những gì họ có và họ là, cùng với lễ phẩm bánh và rượu để được thánh hóa trở thành hy lễ của Chúa Kitô.20 Ý nghĩa của hành động này không khác gì với ý nghĩa của việc dâng lễ ngay từ thời Thánh lễ chặng viếng (thế kỷ VII-VIII), nghĩa là giống như mọi của lễ được tập hợp trên bàn thờ, tất các các tín hữu đã được liên kết với nhau cũng làm thành một cộng đồng của lễ trước mặt Chúa cả trời đất.21 Nếu có đoàn rước thì những giỏ tiền sẽ được mang đến cung thánh cùng với lễ phẩm bánh và rượu để cho thấy mối liên hệ giữa hy lễ của dân Kitô giáo với hy lễ của Chúa Kitô.22
Thay lời kết
Nguyên tắc phụng vụ là tránh hết sức làm hai hành vi (hai việc) cùng một lúc. Như đã trình bày ở trên, thu tiền lạc quyên là thành phần của việc gom góp của lễ cho cử hành diễn ra trong phần Phụng vụ Thánh Thể. Chúng đã có từ thời các tông đồ và giáo phụ. Một ít trong số của lễ đó là bánh và rượu sẽ được“Thánh Thể hóa”qua lời nguyện của chủ tế, tức được sử dụng trong Thánh lễ. Một ít trong số của lễ đó, có thể gồm thực phẩm, được dành đặc biệt cho người nghèo. Thông thường, của lễ cũng bao gồm tiền dâng cúng được sử dụng cho những nhu cầu căn bản của đời sống cộng đoàn, gồm việc thực thi bác ái xã hội và rao giảng Tin Mừng. Tất cả những thứ đó đều là lễ phẩm của cả cộng đoàn được trao dâng qua vị chủ tọa cộng đoàn vì lợi ích của mọi người. Do vậy, không thích hợp khi vừa tiếp nhận lễ phẩm và chuẩn bị chúng tại bàn thờ đang khi vẫn tiếp tục gom góp những lễ phẩm khác.23 Bởi vậy, thực hành lý tưởng nhất là: i] Linh mục chủ tế, các thừa tác viên và dân chúng ngồi chờ trong khi tiến hành thu tiền dâng cúng và rồi đưa vào trong cuộc rước cùng với những lễ phẩm khác; ii] Hát hay dạo đàn có thể bắt đầu khi thu tiền dâng và tiếp tục trong cuộc rước lễ vật; iii] Không thu tiền thau trong khi: Tuyên xưng đức tin (đọc hay hát kinh Tin kính), dâng Lời nguyện Tín hữu và chủ tế đọc Lời nguyện Tiến lễ vì hành động trao dâng của lễ mang tính biểu tượng không phù hợp với các phần phụng vụ này.
Một trong những lý do khiến nhiều nơi cố tình thu góp tiền thau đang khi cộng đoàn nghe giảng và đọc kinh Tin kính là vì muốn tranh thủ thời gian, sợ rằng nếu đưa đúng phần này vào lúc chuẩn bị lễ vật thì Thánh lễ sẽ phải kéo dài lâu hơn. Tuy nhiên, phụng vụ không thể chấp nhận bất cứ một thực hành nào dựa theo“chủ nghĩa thực dụng”đến độ xa rời truyền thống đã có từ lâu đời trong Giáo Hội cũng như sai lệch hướng dẫn của Giáo Hội. Vì thế, vấn đề mục vụ tại các giáo xứ là làm thế nào để rút ngắn thời gian thu tiền thau một cách hợp lý mà không làm tiêu tán phẩm chất của nghi thức phụng vụ. Xin đề nghị ở đây hai giải pháp:
i] Thứ nhất, tăng lên nhiều lần số lượng giỏ tiền và số tác viên thu tiền thau;
ii] Thứ hai, ngày xưa các tín hữu rước lễ vật và đặt chúng ở một chỗ thuận tiện trước Thánh lễ, ngày nay, các tác viên thu tiền thau cũng có thể đứng tại các cửa vào thánh đường hay đặt giỏ tiền ở đó trước Thánh lễ để những tín hữu vào tham dự Thánh lễ có thể bỏ tiền dâng cúng vào lúc ấy. Những giỏ tiền này được tập trung ở cuối thánh đường và sẽ được đem lên cung thánh trong đoàn rước dâng lễ vật khi diễn ra nghi thức chuẩn bị lễ vật.
----------------------------
1 Xc. Heliodoro Lucatero, The Living Mass (Missouri: Liguori Publications, 2011), 9.
2 Xc. I Apol. (Hộ giáo I), lxv và lxvii, 5 - trích lại trong Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (1999), 336. .
3 Traditio Apostolica.
4 Xc. Constitutiones Apostolicae, xii, 3-4 - trích lại trong Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (1999), 336-337.
5 Xc. Donald Wuerl - Mike Aquilina, The Mass: The Glory, The Mystery, The Tradition (Newyork: Doubleday, 2011), 137-139.
6 Xc. Joseph a. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological and Pastoral Survey (Minnesota: The Liturgical Press, 1976), 28-31; Catherine Vincie, “The Mystagogical Implications’, trong Edward Foley (ed) A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal (Minnesota: The Liturgical Press, 2011), 222; Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001),105.
7 CCL 3a:64-65, trích lại từ Paul Turner, The Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 50.
8 Constitutiones Apostolicae.
9 Xc. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012),179.
10 Xc. Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 61.
11 Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist - Essence, Form, Celebration (Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 59.
12 Sđd,165.
13 Xc. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (1999), 343.
14 Xc. Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 94.
15 Xc. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (1999), 340-341.
16 Thánh lễ có ca hát các phần trong phụng vụ.
17 Adrian Fortescue (1911), “Offertory” trong The Catholic Encyclopedia (New York: Robert Appleton Company) trích lại từ New Advent: http://www.newadvent.org/cathen/11217a.htm (June 20, 2015).
18 J.D. Crichton, Understanding the Mass (London: Geoffrey Chapman, 1993), 95-96; Paul Turner, The Supper of the Lamb, 51.
19 QCSL 73.
20 Xc. Donald Wuerl - Mike Aquilina, The Mass: The Glory, The Mystery, The Tradition (Newyork: Doubleday, 2011), 137.
21 Xc. Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh Thể, 93.
22 Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1350-1351.
23 Xc. Paul Turner, The Supper of the Lamb, 51.
Tin liên quan
- Các biểu tượng và việc huấn giáo
- Sắc lệnh về Thánh lễ trong thời gian đại dịch
- Rước lễ thiêng liêng: tính thần học và niềm an ủi từ Chúa Kitô
- Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ Ủy ban Phụng Tự
- Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro
- Ủy ban Giáo dân: Bài huấn luyện số 16
- Cầu nguyện với các bài hát từ cộng đoàn Taizé - Tháng 10.2019 - trực tuyến
- Nhân đức thờ phượng
- Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép
- Cộng đoàn có thể đọc Phúc Âm trong Thánh lễ không?