SINH HOẠT GIÁO HỌ & ĐOÀN THỂ

Chuyên đề 211: “Bữa Cơm Thiên đường”

Hơn bao giờ hết, trong thời đại ngày nay, khi các giá trị của gia đình bị đảo lộn, kéo theo bao hệ lụy đau lòng, thì bữa cơm gia đình và việc thánh hóa bữa ăn sẽ là việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Bài: Hồng Tuyến & Ảnh: Văn Chiến

 

WGPSG -- Hơn bao giờ hết, trong thời đại ngày nay, khi các giá trị của gia đình bị đảo lộn, kéo theo bao hệ lụy đau lòng, thì bữa cơm gia đình và việc thánh hóa bữa ăn sẽ là việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ hạnh phúc gia đình.


Với mục đích khôi phục giá trị bữa cơm gia đình và giúp hiểu rõ ý nghĩa việc thánh hóa bữa ăn, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục (CTCĐGD) đã tổ chức Chuyên đề đặc biệt số 211 vào lúc 14g00 thứ Bảy, ngày 17.01.2015, tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn với chủ đề: “Bữa Cơm Thiên đường”.


Thành phần tham dự


Đến tham dự có Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long - Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa, Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng; Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp - Giám mục Giáo phận Vinh, Chủ tịch Ủy ban Công lý Hòa bình; Cha Đaminh Ngô Quang Tuyên - Tổng Thư ký Ủy ban Loan báo Tin Mừng; Cha Phêrô Nguyễn Đoài - Giám đốc Di dân giáo phận Vinh tại miền Nam; Cha Gioakim Nguyễn Đức Thành - Trưởng ban Loan báo Tin Mừng Giáo phận Bắc Ninh; Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Mục vụ Gia Đình TGP Sài Gòn; Cha Giuse Vũ Minh Danh - Phó ban Mục vụ Truyền Thông TGP Sài Gòn, quý linh mục, tu sĩ, cùng đông đảo anh chị em giáo dân đến từ TGP Sài Gòn và các Giáo phận bạn.


Khai mạc


Chương trình chính thức bắt đầu vào lúc 14g30 với phần múa khởi động.  Nhóm trẻ CTCĐGD đã giúp mọi người “xích lại gần nhau” bằng các cử điệu nhịp nhàng của bài hát “Tình yêu gia đình”. Tiếp đó, MC Vũ Minh đã hân hoan chào mừng các thành phần tham dự và nêu lên ý nghĩa của Chuyên đề đặc biệt hôm nay.


Tiếp đó, Soeur Maria Nguyễn Thị Hồng Hà và các bạn trẻ CTCĐGD đã giúp cộng đoàn cầu nguyện qua bài thánh ca: “Thánh Thần! Hãy đến”  với những cử điệu thật đơn sơ nhưng sâu lắng. Lúc này đây, một bầu khí thánh thiêng bao trùm lên cả khán phòng.


Chương trình Chuyên đề 211 gồm 2 phần:


Phần I: Thực trạng và ý nghĩa bữa ăn gia đình


Phần II: Trải nghiệm bữa cơm thiên đường


Thực trạng và ý nghĩa của bữa ăn gia đình


Phần 1 của chương trình được bắt đầu với tiểu phẩm: “Thực trạng bữa ăn của gia đình” do nhóm Rồng Việt thực hiện. Vở kịch đã tái hiện một thực trạng đau lòng đang diễn ra nơi các gia đình, và đã gây xúc động cho các thành viên tham dự. Giá trị đích thực của bữa ăn gia đình Công giáo chính là khi mọi người biết cùng nhau cầu nguyện, quan tâm chăm sóc nhau và trò chuyện với nhau. Đó chính là thông điệp mà tiểu phẩm đã gửi đến mọi người.


Phần thuyết trình của Soeur Maria Nguyễn Thị Hồng Quế với clip “Thực trạng bữa ăn gia đình và việc thánh hóa bữa ăn” của giới trẻ Tân Hương “mang đầy tính nhân sinh và triết lý sâu sắc” (nhận định của Đức cha Anphong). Tham dự viên được cùng khám phá tầm quan trọng và ý nghĩa đích thực của bữa ăn gia đình qua các chiều kích:


  1. Bữa ăn là điểm hội tụ gia đình, là chiếc nôi xây dựng và bảo vệ gia đình.
  2. Bữa ăn là nơi dễ dàng bộc lộ và gắn kết yêu thương.
  3. Bữa ăn là nơi phát triển lòng tự tin và tài năng của các thành viên.
  4. Bữa ăn giúp phát triển đời sống tâm linh của các thành viên trong gia đình.

Không chỉ dừng lại nơi các giá trị trần thế của bữa ăn, Soeur Maria còn giúp mọi người hiểu hơn giá trị thần linh của bữa ăn qua ý nghĩa của tấm bánh vật chất và tấm bánh Thánh Thể.


Ngay sau đó, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long đã chia sẻ về ý nghĩa của việc thánh hóa bữa ăn gia đình với những dẫn chứng cụ thể từ các bản văn Kinh Thánh. Chính nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã hiện diện nơi bàn ăn để chúc lành, yêu thương và nối kết mọi người nên một với Ngài. Đặc biệt, việc thánh hóa bữa ăn không chỉ là tạ ơn Đấng đã ban của ăn mà còn là cử chỉ tuyên xưng Đức tin sâu xa, và thể hiện tinh thần truyền giáo thiết thực.


Với những câu chuyện minh họa có thực và cách diễn giảng đơn sơ, dễ hiểu, Đức cha đã giúp cộng đoàn thấy được tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong bữa ăn của người Công giáo. Đồng thời, Đức cha cũng nhắc nhở mọi người:


- Không nên đọc kinh một cách máy móc nhưng hãy cầu nguyện với tất cả tấm lòng.

- Phân công cho các thành viên thực hiện lời kinh nguyện.

- Cùng nhau tạ ơn Chúa sau bữa cơm gia đình.


Nhân dịp này, Đức cha cũng giới thiệu sơ lược cuốn sách “Lời nguyện thánh hóa bữa ăn” do Ủy ban Loan báo Tin Mừng và CTCĐGD biên soạn.


Có thể nói, Đức cha đã đưa ra một phương thức thật cụ thể để mọi người cùng cố gắng áp dụng, nhờ đó mà bữa cơm gia đình sẽ trở thành “Bữa cơm Thiên đường”.


Tiết mục múa của vũ đoàn Rồng Việt ngay sau đó đã diễn tả được niềm vui của một bữa cơm gia đình khi có Chúa hiện diện.


Chương trình được tiếp nối với phần hướng dẫn trải nghiệm của Anh Luca Nguyễn Vũ Minh Tâm - Chuyên gia huấn luyện khóa Nhân Trí Dũng. “Hãy giữ lấy hạnh phúc gia đình” là thông điệp mà anh đã trao gửi đến các tham dự viên.


Với băng reo và những việc làm cụ thể mà anh yêu cầu tham dự viên, giờ đây mọi người không chỉ được xem một video thật ý nghĩa, nghe anh thuyết trình thật lôi cuốn mà còn có những hành động cụ thể để biết mình cần làm gì sau khi rời khỏi khán phòng, trở về với gia đình. Ai nấy đều cố gắng vượt qua thử thách để hoàn thành nhiệm vụ anh đặt ra, cùng với mong ước sẽ là nguồn “cảm hứng” sống tích cực cho những người chung quanh, nhất là cho các thành viên trong gia đình.

 

Trải nghiệm bữa cơm thiên đường


Phần 2 của Chuyên đề đặc biệt hôm nay đã cho các tham dự viên có được những khoảnh khắc trải nghiệm đáng nhớ với “Bữa cơm Thiên đường” theo tinh thần Kitô giáo.


Trong vui tươi, cả khán phòng cùng di chuyển xuống tầng trệt. Các bàn ăn đã được dọn sẵn, mỗi người tự ngồi vào bàn và kết bạn với những người trong mâm cơm. Ban Tổ chức đã khéo léo sắp xếp để mỗi bàn đều có các cộng tác viên giúp mọi người “thực tập” bài học mới tiếp thu.


Thực đơn bữa ăn hôm nay gồm có 3 món: Ragu - bánh mì đen, cơm chiên Dương Châu và tráng miệng quýt tươi. Những món ăn dù rất bình dị nhưng mọi người đều ăn ngon miệng; nhất là, niềm vui ngập tràn các bàn ăn vì bữa cơm đã được thánh hóa rất “bài bản”.


Bữa ăn kết thúc, mọi người cùng nắm tay nhau trở lại hội trường. Bài hát: “Trong Giêsu, chúng ta là tấm bánh” cùng những cử điệu nhịp nhàng như thắt chặt hơn tình thân giữa các tham dự viên.


Và trong bầu khí thân tình ấy, một số tham dự viên đã chia sẻ trải nghiệm của bản thân sau khi tham dự Chuyên đề. Theo nhận định chung thì Chuyên đề hôm nay thật sự rất ích lợi cho tất cả tham dự viên. Mọi người đều xác tín trong “bữa ăn gia đình” cùng với việc “thánh hóa bữa ăn” có một giá trị to lớn, góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình. Cho dù trong cuộc sống ngày nay không dễ dàng thực hiện nhưng mọi người đều quyết tâm áp dụng cho gia đình mình, cho cộng đoàn mình đang sống. Hơn nữa, nhiều người còn muốn lan tỏa cho những người cộng sự, những người mình đang có trách nhiệm dạy dỗ.


Sau đó, Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Mục vụ Gia Đình TGP Sài Gòn - đã đúc kết Chuyên đề “Bữa cơm Thiên đường”. Cha nhấn mạnh đến việc truyền cảm hứng tích cực cho những người chung quanh và tâm tình cần có trong bữa ăn gia đình là “lòng biết ơn”. Cha cũng không quên động viên mọi người hãy cố gắng kiên trì thực hiện quyết tâm xây dựng “Bữa cơm Thiên đường” nơi gia đình mình. Chính Thiên Chúa sẽ là nguồn trợ lực để ta có thể thực hiện điều tưởng chừng rất khó khăn ấy.


Đến tham dự Chuyên đề 211, mỗi người còn nhận được một phần quà từ Ban Tổ chức, gồm: một quyển “Lời nguyện thánh hóa bữa ăn” và một túi gạo xinh xắn. Hình ảnh các túi gạo được mọi người chuyền tay nhau  như phần nào diễn tả tâm tình cần có của người Công giáo là hãy chia sẻ lương thực cho nhau và cho những người nghèo đói.


Kết thúc


Trước khi chia tay, Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh, đại diện cho Ban Tổ chức, đã bày tỏ tấm lòng tri ân quý Đức cha, quý Cha, quý tu sĩ và quý tham dự viên đã hân hoan đến tham dự “Bữa cơm Thiên đường” thật đông đảo và nhiệt tình. Đặc biệt, cảm ơn Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long đã chia sẻ với khán thính giả của Chuyên đề những giá trị cao quý của bữa cơm gia đình; nhất là, giúp mọi người hiểu rõ ý nghĩa của việc thánh hóa bữa ăn hằng ngày; cảm ơn Chuyên gia Nguyễn Võ Minh Tâm đã giúp các tham dự viên ý thức giờ cơm gia đình là thời gian vô cùng quý báu, là “giờ vàng” dành riêng cho những người thân, vì bữa cơm chất lượng không hẳn là những món cao lương mỹ vị, nhưng là bầu khí yêu thương, chan chứa tình thân; cảm ơn anh Tiến Dương và các bạn giới trẻ Tân Hương đã quay phim và dàn dựng video clip mang ý nghĩa truyền giáo rất đặc sắc; cảm ơn vũ đoàn Rồng Việt đã trình diễn những vở kịch và điệu múa thật tuyệt vời; cảm ơn Công ty MC đã vất vả thiết kế, thi công trang trí trong và ngoài hội trường rất mỹ thuật và chuyên nghiệp; cảm ơn các cộng tác viên đã và đang âm thầm phục vụ trong tinh thần khiêm tốn của Chúa Kitô. Đặc biệt, cảm ơn quý khán thính giả trung thành và thân thương của Chuyên đề suốt 6 năm qua.


Cuối cùng, nhân dịp Năm Mới 2015, Thầy Giuse đã hân hoan kính chúc mọi người vui hưởng một năm mới: An vui và Hạnh phúc trong Thiên Chúa Tình Yêu.


Quả là một buổi chiều thật đẹp cho các tham dự viên vì những trải nghiệm thật ý nghĩa và thú vị. Đồng thời, thật hạnh phúc cho những người đã vất vả, dày công làm nên Chuyên đề đặc biệt hôm nay. Xuyên suốt chương trình, Ban Tổ chức đã có sự sắp xếp hài hòa và ý nghĩa giữa các tiết mục văn nghệ với các bài thuyết trình, lại được minh họa bằng các video clip hấp dẫn. Chính nhờ vậy, Chuyên đề đã tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc trong lòng người tham dự. Tất cả và tất cả đã hòa quyện lẫn nhau để làm nổi bật ý nghĩa và giá trị của “Bữa cơm Thiên đường”.


Trong tâm tình tạ ơn Chúa và biết ơn nhau, Chuyên đề “Bữa cơm Thiên đường” đã khép lại lúc 18g00 với bài thánh ca “Tạ ơn Cha” cùng những lời cầu nguyện thật tâm tình sâu lắng và phép lành của Chúa từ Đức cha Anphong.

 

(Mời xem ảnh tại đây)