SINH HOẠT GIÁO XỨ

Đức Mẹ sông Mê-Kông: Hương hồn đồn xa

Giáo xứ Hà Nội đã tổ chức chuyến hành hương Đức Mẹ sông Mê-Kông trong hai ngày 18, 19/5/2015 dành cho các thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ.

Bài & Ảnh: Nguyễn Đức


Nhiều người truyền tai nhau: “Có một tượng Đức Mẹ được vớt từ dòng sông Mê- Kông lên rất linh thiêng, bất cứ ai đến xin ơn gì, Đức Mẹ cũng ban cho”. Từ đó, nhiều người ở khắp nơi đã đến thăm viếng Mẹ và loan truyền cho nhau những ơn lành của Thiên Chúa dành cho họ qua “Đức Mẹ dòng sông Mê-Kông”.


Giáo xứ Hà Nội đã tổ chức chuyến hành hương Đức Mẹ sông Mê-Kông trong hai ngày 18, 19/5/2015 dành  cho các thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ (HĐMVGX). Cha Đaminh Đinh Ngọc Lễ, chánh xứ giáo xứ Hà Nội cho biết: “Chuyến đi nhằm nhằm tạo điều kiện cho các thành viên HĐMVGX “đi ra” để học hỏi thêm những kinh nghiệm trong công cuộc loan báo Tin Mừng nơi miền đất Campuchia còn nhiều khó khăn. Qua đó, các thành viên sẽ cảm nghiệm và cộng tác với giáo xứ, đặc biệt trong năm Tân-Phúc-âm hóa đời sống giáo xứ”.


Kính viếng Đức Mẹ sông Mê-Kông (nhà thờ Bãi Cải)


Rời giáo xứ Hà Nội lúc 05g00 sáng 18-5-2015, đoàn đến Phnom Penh lúc 11g30 cùng ngày. Sau khi dùng cơm trưa, nghỉ ngơi, ghé tham quan Hoàng Cung, chùa Vàng chùa Bạc, dòng sông Bốn Mặt... đoàn đã lên phà qua sông Mê-Kông đến nhà thờ Bãi Cải (Arey Khsath), hành hương cầu nguyện tại núi Đức Mẹ, nơi đặt tượng Đức Mẹ thứ nhất đã được vớt dưới lòng sông Mê Kông ngày 16/4/2008. Đặc biệt, đoàn đã đến kính viếng tượng Đức Mẹ tại cuối nhà thờ, là tượng Đức Mẹ thứ hai vừa được vớt ngày 19/11/2012, và hiệp dâng Thánh lễ tại nhà thờ cùng với bà con người Việt Nam tại đây.


Chia sẻ Tin Mừng, cha Đaminh Đinh Ngọc Lễ mời gọi mọi người hãy cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã sai Con Một đến để cứu chuộc chúng ta, đồng thời qua chúng ta, Thiên Chúa sẽ cứu vớt người khác. Như thế, Thiên Chúa đã nhập thể để cứu chuộc chúng ta và mọi người. Ngài quảng diễn thêm:


- Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, không phân biệt sắc tộc, đất nước... Vì thế, dù ở đâu, chúng ta đều là con cái của Chúa và Mẹ Maria.


- Vì lòng tin, Đức Mẹ đã dẫn đưa chúng ta đến giáo họ Bãi Cải trên đất nước Phật này. Do đó, chúng ta hãy tin vào Chúa, vào Mẹ Maria, tin và chấp nhận lẫn nhau để sống đạo yêu thương như Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con hãy yêu thương yêu nhau” (Ga 13, 35).


Sau Thánh lễ, thay mặt đoàn, cha chánh xứ đã gửi đến soeur Anna Nguyễn Thị Minh - thuộc Tu đoàn Thừa sai Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế - một món quà nhỏ. Thay mặt giáo họ, Nữ tu Anna Nguyễn Thị Chuyên đã có lời cảm ơn quý cha và mọi người.


Nữ tu Anna Trịnh Thị Minh Thoan cho biết thêm: Giáo họ có trên 400 giáo dân, đại đa số là người Việt Nam, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Hằng tuần gần 200 thiếu nhi được qui tụ lại nhà thờ để sinh hoạt và học giáo lý.


Rời nhà thờ, tôi may mắn gặp anh Phan Văn Hú (theo đạo Phật), là chứng nhân vớt được tượng Đức Mẹ thứ hai ngày 19/11/2012. Thật cảm động khi lắng nghe anh tâm sự: Lúc vớt được tượng lên ghe, tôi có cảm giác không phải là tượng, nhưng là thân thể của một người đang sống như chúng ta. Tôi vừa mừng vừa run, và thầm thĩ cầu xin Mẹ ban ơn cho vợ tôi được khỏi bệnh, và sống với tôi thêm được 10 năm thôi cũng được, vì vợ tôi quá nhiều bệnh; ngoài ra, tôi không ước mong gì hơn. Ôi! Một nguyện ước thật đơn sơ và chất phác biết bao!


Trên đường ra bến phà trở lại Phnom Penh, cha Giuse Nguyễn Đức Vinh - nghĩa từ cha chánh xứ - bộc bạch: “Bước vào nhà thờ không thấy có ghế ngồi, chắc rằng nhiều người cảm thấy rất lạ. Nhưng vì đất nước Campuchia là đất chùa tháp, nên đây là việc rất bình thường, khi Giáo hội cần hòa nhập với nền văn hóa của mỗi đất nước”.


Thăm nhà thờ Chợ Nhỏ


Ngày hôm sau, 19/5/2015, sau khi dùng điểm tâm, đoàn đã ghé thăm nhà thờ Chợ Nhỏ (trước đây là Chủng viện Nam Vang) và viếng Mình Thánh Chúa tại nhà nguyện. Đi tham quan cơ sở khá rộng nhưng rất ít thầy theo học, chỉ có cha chánh xứ người Pháp và một thầy phó tế người Campuchia đón tiếp đoàn, tôi cảm nhận cánh đồng truyền giáo tại Campuchia khá rộng lớn và rất cần sự dấn thân của các nhà truyền giáo trong và ngoài nước.


 Chia tay


Trên đường trở về Việt Nam, chiều 19/5/2015, ông Phêrô Đỗ Quang Ký - Nguyên Phó chủ tịch HĐMV giáo xứ Hà Nội - có lời cảm ơn cha chánh xứ đã tạo điều kiện cho anh em có điều kiện cảm nghiệm được trách nhiệm loan báo Tin Mừng của người Kitô hữu. Ông cũng không quên cảm ơn ông Chủ tịch HĐMVGX đã bỏ nhiều thời gian, công sức phối hợp với công ty Transviet, để tổ chức, lo lắng sắp xếp chỗ ăn, chỗ ở... hầu chuyến đi được thành công tốt đẹp.


Đoàn về đến giáo xứ lúc 19g00 ngày 19/5/2015. Xin Chúa Giêsu và Mẹ Maria luôn phù trợ và sai nhiều tông đồ nhiệt thành đến cánh đồng truyền giáo đang rộng mở trên đất nước Campuchia để Tin Mừng của Chúa được loan truyền đến muôn nơi.


 (Xem bộ hình 1 tại đây)

 

(Xem bộ hình 2 tại đây)

 

(Xem bộ hình 2 tại đây)

 

(Mời xem video tại đây)

 

 Đôi nét về hai tượng Đức Mẹ được vớt từ dòng sông Mê-Kông


1/ Tượng thứ nhất - được vớt ngày 16/4/2008

 


Một ngày kia có ghe đánh cá của dân tộc người Chàm đánh chà rà cách xa bến đò Arey Khsath khoảng 250m phát hiện một miếng sắt ở dưới đáy sông.

 

Ngày 15/4/2008, tổ Việt Nam 08 người theo đạo Phật gồm: Anh Phiệt, anh Liền, anh Độ, anh Thu, anh Gấm, anh Phệt, anh Đề đồng ý nộp 30.000 ria cho người Chàm để được lặn lấy khối sắt kiếm tiền nuôi gia đình.

 

Ngày hôm sau là thứ Tư, ngày 16/4/2008, họ tiếp tục bàn luận và góp ý với nhau, rồi lấy máy bơm bắn nước xuống đáy sông khoảng 1,5 – 2m. Lúc đó họ phát hiện một khối sắt lớn, bèn lấy cột trục kéo lên ghe. Khi họ nhìn thấy cục sắt thì phát hiện ra là tượng một người nữ nên đem về để trên bè.

 

Lúc ấy anh Lý, người hàng xóm của 8 thợ lặn đã nhận ra tượng đó là của người Công giáo, anh liền báo cho Anh Khui Chanh Đa ở họ đạo Arey Khsath, Anh Khui Chanh Đa đến, thấy tượng Đức Mẹ liền nói với những người thợ lặn: “Đây là tượng Đức Mẹ Maria, các anh đừng đập bể, đừng cưa, để Ban hành giáo Arey Khsath đến thỏa thuận rồi chuộc tượng lại. Sau khi thỏa thuận xong, lúc 17g00 chiều 16/4/2008, tượng Đức Mẹ được rước về đặt ở cuối nhà thờ họ đạo Arey Khsath (Bãi Cải).

 

Ngày nay, tượng Đức Mẹ cao 1,50m, nặng 130kg được để trên núi nhân tạo cao 8,1m cạnh nhà thờ tại xóm Arey Khsath.

 

2/ Tượng thứ hai - được vớt ngày 18/11/2012


 

Ông Phan Văn Hú, sinh năm 1953, sống tại xóm Arey Khsath, huyện L-vi-em, tỉnh Candal. Ông là người theo đạo Phật. Trước đây, ông là thợ lặn. Bỗng đêm 18/11/2012, ông chiêm bao thấy một tượng bằng đồng giang tay, hình thù một người thanh niên to lớn, ông nghe tiếng phát ra từ tượng đó: “Hãy vớt tôi lên, tôi đang nằm dưới đáy sông Mê Kông, gần nơi mà các người đã vớt Đức Mẹ lần trước”.


Sáng 19/11/2012, Ông Hú cùng với hai người con trai là Anh Phan Văn Ì và Anh Phạm Văn Mận đi vớt tượng. Khi đã tìm thấy tượng, ba cha con dùng máy bắn bùn ra khỏi tượng rồi lấy dây cột và dùng cẩu lắc cẩu tượng lên. Khi đưa tượng lên gần mặt nước, ông gọi điện cho Anh Nguyễn Hoàng Anh là cựu Ban hành giáo giáo họ Arey Khsath đến giúp đưa tượng lên. Cuối cùng, tượng Đức Mẹ ẵm Đức Chúa Con (Mẹ Thiên Chúa) được đưa lên ghe một cách tốt đẹp.


Lúc đầu, ông rất phân vân, vì người báo mộng là một thanh niên, nhưng khi vớt tượng lên lại là tượng người phụ nữ. Nhưng nhờ Ban hành giáo giải thích, người thanh niên đã báo mộng chính là Chúa Giêsu mà Mẹ Maria đang bế trên tay, lúc này anh mới yên tâm.


Ngày nay, tượng Mẹ Thiên Chúa đang được đặt ở cuối thánh đường Arey Khsath để mọi người đến chiêm ngắm và cầu nguyện.


(Trích từ tư liệu do Ban hành giáo họ đạo Arey Khsath cung cấp)