SỨ ĐIỆP - THÔNG BÁO - CHƯƠNG TRÌNH LỄ

Ý cầu nguyện của Đức Giáo hoàng: Tháng 02.2019

Trong tháng 2.2019, muốn toàn Giáo Hội chú tâm tới thách đố mà nhân loại đang phải gánh chịu, là nạn buôn người, và Ngài mời gọi cầu nguyện.

Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao

 

Trong tháng 2 năm 2019, Đức Giáo Hoàng muốn toàn Giáo Hội chú tâm tới thách đố mà nhân loại đang phải gánh chịu, là nạn buôn người, và Ngài mời gọi cầu nguyện để có những giải pháp tích cực, đúng đắn.

 

Bài viết của cha Joseph Laramie, S.J. giúp chúng ta hiểu hơn về thách đố này:


Cái nào tốt hơn: một cái ly nhựa dùng một lần, hay một cái ly bằng kim loại mà bạn có thể dùng đi dùng lại được? Câu trả lời hẳn là đã đủ rõ ràng. Xét về lâu dài, những đồ tái sử dụng thì tốt cho môi trường hơn và cũng rẻ hơn nữa.

 

Thế còn con người thì sao? Liệu sử dụng ai đó một lần rồi ném họ đi thì tốt hơn hay dùng họ nhiều lần thì tốt hơn? Sao?! Không nên xem con người giống đồ vật như thế. Hẳn bạn thấy khó hiểu và sợ hãi với so sánh này. Nhưng đây là điều vẫn xảy ra hàng ngày hiện nay. Tên của thứ tội ác này là nạn buôn người.

 

Ngày nay, con người vẫn bị mua bán trên thế giới. Mại dâm và hình ảnh khiêu dâm, lao động rẻ tiền, cưỡng bức lao động là một trong những cách thức của nạn mua bán người, coi con người như đồ vật. Một thanh niên được hứa hẹn một khoản tiền lớn và thẻ căn cước công dân ở một quốc gia giàu có, nhưng đến nơi làm việc, tất cả công việc của anh là làm vườn trong vài tháng. Vài năm sau, anh ta vẫn tiếp tục công việc tay chân nặng nhọc này - chỉ với vài đồng lương còm cõi và một đống những lời dối trá cùng sự đe dọa. Anh bị vây bọc khốn đốn trong vòng xoáy của sự lừa gạt và áp bức.

 

Đức Giáo Hoàng dùng từ văn hoá “vứt bỏ" để mô tả mặt đen tối của thời đại kinh tế hiện đại ngày nay. Ngài viết: "Ngày nay, mọi thứ đều tuân theo luật của sự cạnh tranh và chỉ có thứ "vừa vặn nhất” mới có thể tồn tại, nơi cá lớn nuốt cá bé... Con người bị xem như những món hàng tiêu dùng, được sử dụng rồi sau đó bị thải ra. Chúng ta đã tạo ra thứ văn hoá "vứt bỏ" đang lan tràn hiện nay." (Evangelii Gaudium, 53).

 

Đối lập hoàn toàn với điều trên, chúng ta hãy nhìn mẫu gương của Đức Giêsu. Ngài đã đứng về phía người phụ nữ bị bắt vì tội ngoại tình, và Ngài đã giải thoát cho chị. Đức Giêsu cho chúng ta thấy rằng: chúng ta không phải là đồ vật. Chúng ta là những con trai, con gái được yêu thương của Cha trên trời.

 

Nguồn: http://popesprayerusa.net/2019/01/28/february-reflection-fr-joseph-laramie-human-trafficking/


Tại Việt Nam, nạn bắt cóc trẻ em, buôn bán phụ nữ, lao động nô lệ ở nước ngoài là một vấn nạn rất lớn đối với người Việt hiện nay. Theo báo cáo tình hình buôn bán người ở Việt Nam, năm 2017, nhà chức trách xác định có 670 nạn nhân buôn người, (năm 2016 là 1128 nạn nhân) vụ buôn người, 400 đối tượng bị cáo buộc là buôn bán người. (xem: https://laodong.vn/phong-su/canh-giac-voi-nan-buon-nguoi-o-tay-nguyen-619252.ldo)

 

Theo báo cáo 5 năm vừa, Việt Nam là quốc gia nguồn và là quốc gia đích của đàn ông, phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của buôn bán nô lệ tình dục và cưỡng bức lao động.

 

Người Việt đi lao động nước ngoài theo loại tự do hoặc thông qua các công ty tuyển dụng lao động của nhà nước, tư nhân hoặc cổ phần. Tuy nhiên, một số công ty không trợ giúp được khi người Việt bị bóc lột, một số công ty khác thì thu phí quá cao khiến cho người lao động dễ bị rơi vào tình trạng buộc phải lao động trừ nợ.

 

Một số Người lao động ở Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Lào, Angola, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Nhật Bản, trở thành nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong các ngành xây dựng, ngư nghiệp, nông nghiệp, khai thác mỏ, khai thác gỗ và công nghiệp chế tạo.

 

Một số lao động Việt nam trở thành nạn nhân buôn người ở Vương quốc Anh và Ailen châu Âu lục địa, Trung Đông, và trong các ngành công nghiệp hàng hải Thái Bình Dương.

 

Phụ nữ và trẻ em Việt Nam là nạn nhân của tình trạng buôn bán nô lệ tình dục ra nước ngoài. Nhiều người bị lừa gạt về các cơ hội lao động và sau đó bị bán cho các nhà thổ ở vùng biên giới Trung Quốc, Campuchia, Lào, và các nước châu Á khác.

 

Một số phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài để kết hôn theo môi giới quốc tế hoặc để làm việc trong các nhà hàng, cơ sở mát-xa, quán bar karaoke—ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Ả rập Xê út, Singapore, và Đài Loan—trở thành nô lệ giúp việc gia đình hoặc bị ép buộc làm gái mại dâm.

 

(trích từ : https://vn.usembassy.gov/vi/tipreport2018/,)

 

Năm 2017, theo thống kê của Tổ chức Đường Dây Nóng Quốc Tế về Nạn buôn người cho thấy có 8.759 trường hợp buôn bán người được xác nhận, trong đó, có hơn 10.000 người trở thành nạn nhân. Số lượng này tăng 13 % so với năm 2016. Như thế, tình trạng buôn người ngày một gia tăng trên thế giới.

 

http://humantraffickingsearch.org/human-trafficking-statistics-2017/

 

Chúng ta cần làm gì để ngăn chặn tệ nạn này, và có cách nào để trợ giúp các nạn nhân của nạn buôn bán người. Đây là một thực tại bi thảm đối với thời đại này. Chúng ta không thể làm ngơ được. Cần cầu nguyện và hành động: Xin cho mọi người biết quảng đại tiếp đón những nạn nhân của tệ nạn buôn người, cưỡng bức mại dâm và bạo lực.”