SUY NIỆM LỜI CHÚA & HẠNH CÁC THÁNH

Bí quyết nên thánh - Lễ Các Thánh Nam Nữ

Lễ các Thánh Nam Nữ là chiều rộng của ơn cứu độ: “Lòng thương xót của Chúa trải rộng từ đời nọ đến đời kia”.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An, GP Phan Thiết

 

Năm phụng vụ diễn tả lịch sử cứu độ và tuyệt đỉnh của lịch sử này là cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô.

 

Năm phụng vụ có năm mùa nhưng tựu trung chỉ mừng một mầu nhiệm duy nhất- mầu nhiệm cứu độ : Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta.


Năm mùa phụng vụ đều quy về chính Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ.Ngài là Con Thiên Chúa nhập thể,đã sinh ra,đã chết,đã sống lại,lên trời ngự bên hữu Chúa Cha,và gởi Thánh Thần đến với Giáo hội.

 

Các ngày lễ về các Thánh nói lên thành quả của ơn cứu độ.Mỗi vị Thánh được tôn phong hàng ngày là một bằng chứng sống động về sự thành công của ơn cứu độ.Các ngày lễ này có hai cao điểm :

 

- Lễ Đức Maria hồn xác lên trời là chiều cao và chiều sâu của ơn cứu độ.Thiên Chúa cứu độ là cứu cả hồn xác,toàn diện con người: “Người đã đoái thương nhìn đến phận hèn tớ nữ…Người đã làm những điều cao cả”.

 

- Lễ các Thánh Nam Nữ là chiều rộng của ơn cứu độ: “Lòng thương xót của Chúa trải rộng từ đời nọ đến đời kia”.


Theo lời Sách Khải Huyền, Các Thánh trên trời là “một đoàn người đông đảo, không sao đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi nước, mọi ngôn ngữ”. Họ đang chúc tụng Thiên Chúa, Đấng ngự trên ngai và Con Chiên, là Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta.

 

1.    Các Thánh Nam Nữ là ai?


Các Thánh Nam Nữ là những phúc nhân (chữ của Đức Cha Bùi Văn Đọc), những người đang hưởng hạnh phúc đời đời bên cạnh Thiên Chúa. Các Ngài là tất cả những người đã chết trong ơn nghĩa Chúa, đang thuộc trọn về Chúa. Các Ngài sung sướng, vui mừng vì thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, được thấy Thiên Chúa tốt lành.

 

Các Thánh Nam Nữ là những người đã thực hiện những điều mà Thánh Phanxicô Assidi dệt thành Kinh Hòa Bình:

 

Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…


Các Thánh Nam Nữ đông vô kể: “Tôi lại thấy một Thiên Thần khác, mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc đi lên… Rồi tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn” (Kh 7,2-4). Con số “một trăm bốn mươn bốn ngàn” chỉ là một cách nói để bày tỏ sự viên mãn và hoàn hảo của dân Thiên Chúa, dân mới được Thiên Chúa cứu chuộc, thuộc về Thiên Chúa, chứ không thể hiểu theo nghĩa số học, số lượng. “Một trăm bốn mươn bốn ngàn” trong Khải huyền là một con số tượng trưng, một con số tròn đầy (12 x 12 = 144). Số kẻ được niêm ấn là tròn đầy.Và điều tuyệt diệu là trong thị kiến Khải huyền chi tộc nào cũng có số người được niêm ấn như nhau: 12 ngàn thuộc chi tộc Giuđa,12 ngàn thuộc chi tộc Ruben,12 ngàn thuộc chi tộc Gad…không tên họ nào lấn lướt, không tên họ bị loại trừ. Các chi tộc đều được Thiên Chúa kêu mời đầy đủ. Bởi ngay sau đó, thánh Gioan viết tiếp: “tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nỗi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành thiên tuế” (Kh 7,4).

 

Một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi. Đó là cộng đoàn các Thánh Nam Nữ. Quả là đang trở thành hiện thực nơi Lời Chúa Giêsu đã thốt lên khi gặp được lòng tin của viên bách quản: “Ta bảo thật các ngươi,nhiều kẻ tự phương đông,phương đoài mà đến và được dự tiệc cùng Abraham,Isaac và Giacop trong nước trời”.

 

Chính vì thế, ngoài những vị thánh mà Giáo Hội đã xác định được và đã kính nhớ các Ngài vào các ngày lễ trong năm, Giáo Hội còn dành ra một ngày lễ đặc biệt để long trọng kính nhớ hằng hà sa số các vị thánh mà Giáo Hội chưa hoặc không thể xác định được, gọi chung là Các Thánh Nam Nữ. Chúng ta mững lễ các Thánh Nam Nữ là mừng Nhà Cha rộng lớn như lòng Thiên Chúa, đủ chổ cho mọi dân tộc.

 

  1. Bí quyết nên thánh

 

Thánh Gioan viết: “Một trong các kỳ mục lên tiếng hỏi tôi: những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu tới? Tôi trả lời: thưa Ngài, Ngài biết đó. Vị ấy bảo tôi: Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao” (Kh7,13).Thánh Tông đồ đã nhìn thấy họ trên Thiên đàng, tràn đầy hân hoan, ca hát chúc tụng Thiên Chúa : “Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). Quả thực, việc thanh tẩy tội lỗi chỉ thành tựu nhờ máu Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, các Thánh đã phải trải qua cuộc gian truân lớn. Vì tình yêu Đức Kitô, tất cả đã phải giao chiến với quyền lực của sự dữ, với muôn nghìn đau khổ và khó nhọc. Nhưng thánh Gioan cũng giới thiệu phần thưởng lớn lao của các Ngài : “Họ đêm ngày thờ phượng trong đền thờ của Thiên Chúa… Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh” (Kh 7,15-17).

 

Các Thánh “đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên”. Như thế, họ không phải là những con người hoàn hảo, thánh thiện,tinh tuyền,không vướng mắc lỗi lầm thiếu sót hay tật xấu nào. Không ai bẩm sinh đã là Thánh. Các Thánh cũng không phải là những siêu nhân, không là những con người phi thường vượt trên đám đông nhân loại.Các Thánh càng không phải là những người bất thường kỳ dị. Các Thánh là những con người bình thường như mọi người,nhưng các Ngài đã sống những điều tầm thường một cách phi thường. Nhờ Ơn Chúa trợ lực, các Ngài đã cố gắng tiến tới mẫu mực của mình là Chúa Kitô. Bí quyết nên thánh của các Ngài là sống Tám Mối Phúc Thật,là đón nhận ân sủng của Chúa vô điều kiện,hợp tác với ân sủng đó,vâng theo ý Chúa,chọn điều thiện,luyện tập nhân đức.

 

Có rất nhiều vị thánh bởi vì có rất nhiều cách để nên thánh, nhiều con đường nên thánh. Trong bài Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã trình bày tám con đường nên thánh, tám con đường để được hạnh phúc đích thực.

 

Có người nên thánh, vì sống khó nghèo, không ham mê của cải trần gian, chỉ ham mê một điều là thích được Chúa yêu và đáp trả lại tình yêu của Chúa. Có người nên thánh, vì sống hiền lành, tử tế với mọi người, nhịn nhục, yêu thương mọi người không trừ một ai. Có người nên thánh, vì đã phải chịu đau khổ nhiều mà không ngã lòng thất vọng, còn biết dùng những đau khổ của mình, kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, dâng lên cho Thiên Chúa làm của lễ. Có người nên thánh, vì có lòng nhân từ quảng đại và hay tha thứ, có lòng xót thương xót đối với những người đau khổ tinh thần hay thể xác. Có người nên thánh, vì khao khát Chúa, muốn sống công chính đẹp lòng Chúa. Có người nên thánh vì tâm hồn trong sạch, không vương vấn tội lỗi trần gian, không bị các thứ đam mê xác thịt làm chủ. Có người nên thánh vì hiếu hòa, không gây hấn với ai, mà còn dấn thân hoà giải những người khác, đem lại bình an cho mọi người. Có người nên thánh, vì sống tốt, sống ngay thẳng, trung thành với Chúa và giáo huấn của Người, dù phải bách hại khổ sở, có khi còn bị giết chết nữa. Mọi cuộc đời, mọi con người đều có thể nên thánh. Có những vị thánh không có tên trong lịch, nhưng vẫn được gần Chúa. Có những vị thánh nông dân chân lấm tay bùn, vất vả nuôi con. Có những vị thánh nội trợ âm thầm, quét nhà nấu bếp mà lòng lúc nào cũng vui. Có những vị thánh là những người con ngoan trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương quảng đại đối với anh chị em. Có những vị thánh là nữ tu, là chủng sinh, là linh mục, là giám mục. Có những vị thánh là những con người đam mê chân lý, như những nhà khoa học, những triết gia. Có những vị thánh là những nghệ sĩ làm đẹp cuộc đời bằng nhiều cách khác nhau, mang lại niềm vui cho mọi người. (ĐGM Bùi Văn Đọc).

 

Tuy có nhiều cách thức nên thánh, có vị nên thánh trong bậc tu trì, có vị lại nên thánh trong đời sống gia đình, có vị nên thánh bằng các hoạt động tông đồ năng nổ, có vị nên thánh trong một đời sống âm thầm, lặng lẽ, có vị nên thánh nơi pháp trường đẫm máu, có vị nên thánh chốn sa mạc cô liêu… Nhưng tựu trung, tất cả các thánh đã gặp nhau trên một con đường. Đó là con đường hẹp, con đường thập giá, Chúa Giêsu đã đi “qua đau khổ đến vinh quang”.

 

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống

Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”.

 

Chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng Thánh, còn con người được mời gọi trở nên thánh khi tham dự vào sự thánh thiện duy nhất của Thiên Chúa. Các Thánh được tuyên phong lên bậc hiển thánh bởi vì cuộc đời các ngài là một tấm gương phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa. Ai giống Đức Kitô, người ấy trở nên thánh thiện. Ai thực hiện những giá trị Tin mừng, người ấy trở nên thánh thiện. Một sự thánh thiện như thế rất có thể được thực hiện trong một đời sống rất bình thường. Giáo hội hướng tới một sự thánh thiện tỏa rộng, một hình thức thánh thiện vừa bình dân, vừa gần gũi lại vừa có thể được thực hiện cho hết mọi người, thay vì một hình thức thánh thiện chọn lọc, dành riêng cho một thiểu số. Đó là thành quả Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô. Giáo Hội phong thánh để tôn vinh Thiên Chúa và khuyến khích chúng ta noi theo gương sống của Các Thánh.

 

  1. 3.    Ơn gọi lớn nhất của con người là nên thánh

 

Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. Đó là một ơn gọi rất cao cả như lời Chúa Giêsu: "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện" (Mt 5,48). Công Ðồng Vatican II cũng lập lại ý tưởng đó: "Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người" (GH 11.3). Trong các thư của Thánh Phaolô, ngài gọi các tín hữu là những vị thánh. Qua Bí Tích Rửa Tội, mọi tín hữu được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Đức Chân Phước Gioan Phaolô II nói rằng: thành công đẹp nhất của một cuộc đời là sự thánh thiện. Tin Chúa, yêu Chúa và sống theo lời Chúa dạy qua Tám Mối Phúc Thật, mọi tín hữu sẽ nên thánh.

 

Trong Năm Phụng Vụ, Giáo hội tôn kính nhiều vị Thánh có tên tuổi. Ngày lễ các Thánh Nam Nữ, Giáo hội tôn kính tất cả các vị Thánh, trong đó có ông bà cha mẹ, những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta và đã trở nên thánh nhân, mặc dù chưa được Giáo hội tuyên phong.

 

Trở nên giống Chúa Giêsu, trở nên trọn lành như Chúa Cha ở trên trời, trở nên thánh, đó là ơn gọi của mọi người Kitô hữu chúng ta và đó cũng là sứ điệp Chúa Giêsu và Giáo Hội muốn nhắn gửi qua ngày lễ kính Các Thánh Nam Nữ.