SUY NIỆM LỜI CHÚA & HẠNH CÁC THÁNH

GÓC SUY GẪM - MÙA DỊCH COVID 19 – Ngày 27.4.2020

- Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến phẩm giá cao quý của mình là được làm con Chúa, cũng như nhắc chúng ta nhớ đến cứu cánh tối hậu của đời người.

 

1/ Chuyện chúng mình: Covid 19 (2019 - nay)


Hoa hậu Anh 2019 cởi bỏ vương miện, quay về làm bác sĩ chống dịch


Bhasha Mukherjee tạm dừng trọng trách của một tân hoa hậu, quay về với ngành y để giúp đỡ đất nước trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.


Sau khi trở thành tân Hoa hậu Anh 2019, Bhasha Mukherjee tạm dừng công việc của một bác sĩ thực tập. Cô dự định tập trung vào các hoạt động thiện nguyện đến tháng 8 năm nay.


“Tôi được nhiều quỹ từ thiện mời làm đại sứ tại châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ hoặc Parkistan”, CNN dẫn thông tin từ Mukherjee. Cô cũng mới quay trở về Anh sau 1 tháng làm việc tại Ấn Độ. Tại đây, Mukherjee đến thăm các trường học, tặng văn phòng phẩm và quyên tiền xây nhà cho các cô gái bị bỏ rơi.


Tuy nhiên, Mukherjee đã nhanh chóng quay trở về Anh ngay khi nghe tin quê hương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19. Đồng nghiệp cũ tại bệnh viện Pilgrim, Boston (miền Đông nước Anh) báo cho cô về dịch chuyển biến xấu.


Sau đó, Mukherjee liên lạc cho đội ngũ quản lý bệnh viện và cho biết cô sẽ quay về làm việc. Chia sẻ với CNN, cô cảm thấy bản thân cần hành động nhiều hơn khi nhân loại đang chết dần vì Covid-19 còn nhân viên y tế Anh đang làm việc quá sức. Nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan ngoại giao Anh tại Ấn Độ, Mukherjee sớm về nước. “Tôi tin rằng đây chính là lúc thích hợp nhất để ứng dụng những kiến thức đã học. Tôi muốn là một trong những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch”.


Trở về từ Ấn Độ, cô phải trải qua 1-2 tuần tự cách ly trước khi quay lại làm việc ở bệnh viện Pilgrim. “Đây chính là thời điểm tôi dùng danh hiệu Hoa hậu Anh để cứu lấy vương quốc Anh”, Mukherjee chia sẻ. Hoa hậu Anh Quốc 2019 từng gây chú ý với chỉ số IQ 146 (mức chỉ số cao so với người bình thường) và thành tích học tập xuất sắc. Bhasha Mukherjee sở hữu 2 tấm bằng cử nhân chuyên ngành y học, thông thạo 5 thứ tiếng bao gồm tiếng Anh, Bengal, Hindi, Đức và Pháp.


Tính đến 6/4, Vương quốc Anh ghi nhận hơn 48.000 ca nhiễm và gần 5.000 ca tử vong do virus corona, dẫn số liệu từ ĐH Johns Hopkins.


Uyên Uyên


(Nguồn: https://zingnews.vn/hoa-hau-anh-2019-coi-bo-vuong-mien-quay-ve-lam-bac-si-chong-dich-post1069746.html)


2. Những con số biết nói


Stt

Quốc gia

Đang nhiễm

Được chữa khỏi

chết

Tổng số

1

Mexico

5.388

7.149

1.305

13.842

2

Serbia

6.704

1.182

156

8.042

3

Pháp

94.341

44.903

22.856

162.100

4

Việt Nam

45

225

0

270

 

 

 

 

 

 

Thế giới

1.908.388

887.235

206.878

2.992.501

 

Cập nhật lúc 6g40, ngày 27.04.2020


3/ Khuôn vàng thước ngọc (Ga 6,22-29), thứ Hai, tuần III Phục sinh)


Lời Chúa hôm nay rõ ràng nhằm thanh luyện động lực theo Chúa của chúng ta. Đức Giêsu nói với đám đông: “Các ngươi tìm Ta không phải vì các ngươi thấy các dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn no nê” (Ga 6, 26). Rồi Ngài dạy cho họ một thứ lương thực khác quan trọng hơn: “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời” (Ga 6, 27). Người Do thái năm xưa theo Chúa vì họ đã được ăn bánh no nê chứ không phải vì họ đã tin vào Đức Giêsu. Chính vì động lực theo Chúa của họ là cơm bánh vật chất nên khi thấy Đức Giêsu không đáp ứng, họ đã quay lưng phản bội, thậm chí họ đã loại trừ và giết chết Ngài. Còn chúng ta thì theo Chúa vì nhẽ gì?


Chúng ta cũng sẽ giống như người Do thái, nghĩa là nếu chúng ta theo Chúa chỉ vì sự sống và hạnh phúc chóng qua, chỉ vì cơm bánh vật chất thì sớm muộn chúng ta cũng sẽ thất vọng, mất đức tin và bỏ Chúa. Kinh nghiệm cho thấy, không ít lần chúng ta xin Chúa cho thoát khỏi cảnh nghèo đói mà xem ra Thiên Chúa vẫn không nhận lời; không ít lần chúng ta xin Chúa cho chúng ta được tai qua nạn khỏi nhưng xem ra Ngài cứ hờ hững, làm ngơ. Thật ra, những gì chúng ta xin trên đây đều là những điều tốt đẹp và đáng xin. Thế nhưng, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, đó vẫn chưa phải là điều chúng ta khao khát nhất. Điều chúng ta khao khát tìm kiếm và Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta chính là sự sống đời đời, là hạnh phúc thật.


Suy cho cùng, nếu Đức Giêsu đến trần gian này chỉ để thỏa mãn vấn đề cơm bánh vật chất, thì có lẽ con người sẽ không cần đến Ngài; bởi vì, con người đã có thể tự giải quyết được vấn đề cơm bánh. Nhưng, thứ bánh mà con người thực sự cần đến và Đức Giêsu cũng muốn đem đến cho nhân loại là Bánh trường sinh, thì con người lại không thể tìm thấy hay mua được bằng tiền. Đối với người tín hữu chúng ta, tất cả những gì đang xảy đến đều là những dấu chỉ để nhận ra bàn tay quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, ngay cả trong những biến cố đau thương nhất hay trong những tình cảnh bi đát nhất.


Hiểu được như thế, chúng ta sẽ không bao giờ phiền trách Chúa, cũng chẳng bao giờ ngã lòng hoặc nghi ngờ tình thương của Ngài. Thế nhưng, xét cho cùng, ngay cả sự sống đời đời hay hạnh phúc vĩnh cửu vẫn chưa phải là đối tượng khao khát và kiếm tìm cuối cùng của chúng ta mà là chính Chúa, bởi vì Thiên Chúa mới là tác giả của sự sống và của hạnh phúc thật.

 

Lạy Chúa con, Chúa Trời của con, mỗi ngày con đều được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa, được tràn ngập Máu Cứu Độ Chúa, được giàu có bởi Linh Hồn cực thánh Chúa, được đắm chìm trong Thần Tính Chúa.


Chớ gì con chỉ yêu một mình Chúa, con chỉ ước ao một mình Chúa, con chỉ tìm kiếm một mình Chúa, con chỉ muốn một mình Chúa, con chỉ nếm hưởng một mình Chúa mà thôi.


Chớ gì trái tim con và trọn cả bản thân con khao khát và chỉ vươn về Chúa. Chớ gì con trọn vẹn là của Chúa và cũng chỉ có mình Chúa chiếm ngụ con mà thôi.


Chớ gì con ở triền miên với Chúa và trong Chúa, nên một với Chúa để được thiêu hóa trọn vẹn trong lò lửa rực cháy của Trái Tim Thần Linh Chúa, kết hiệp trong tình con thảo với Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ yếu dấu của con. Nhờ Người, con muốn tôn vinh Chúa, ca ngợi Chúa, phụng sự Chúa, vâng lời Chúa cho đến đời đời. A-men.


MARTHE ROBIN,
Đấng sáng lập Foyer de Charité tại Pháp.

 

          Lời bàn


-  Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến phẩm giá cao quý của mình là được làm con Chúa, cũng như nhắc chúng ta nhớ đến cứu cánh tối hậu của đời người. Đừng vì một lý do nào đó mà quên đi mục đích của cuộc đời, cũng đừng vì một chút lợi lộc thấp hèn mà bán rẻ lương tri. Con vật đói thì ăn, khát thì uống, nhưng con người, nhất là con cái Chúa, có khi đói vẫn không ăn, khát vẫn không uống nếu như vì đó mà thương tổn đến phẩm giá của mình. Thế nhưng, dường như chúng ta dễ bị cám dỗ cúi đầu xuống đất để chỉ biết có cuộc sống trần gian, để chỉ lo tìm kiếm cơm bánh vật chất, mà quên mất lời dạy của Đức Giêsu: Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông (Ga 6, 27). Tôi luôn tự hỏi, điều tôi đang tìm kiếm và chọn lựa lúc này là gì?

 

-  Nikos Kazanzakis, nhà văn Kitô giáo nổi tiếng, có kể một câu chuyện như sau: “Một bầy chim nọ không may bị sa lưới và được vỗ béo để đem bán. Riêng chỉ có một con nhất định không ăn nên gầy tóp. Sau một tuần lễ vỗ béo, người bẫy chim đến bắt từng con một bỏ vào lồng đem ra chợ. Thế nhưng, thật bất ngờ, chính vào giây phút định mệnh, chú chim trông chừng ốm yếu ấy đã lách qua được kẽ hở, bay lên khung trời xanh và thoát chết”. Từ câu chuyện này, chúng ta nghĩ đến thân phận làm người, đặc biệt là làm Kitô hữu. Nếu như loài chim được sinh ra không phải để bay quẩn quanh trong chiếc lồng chật hẹp mà là để được tự do bay giữa khung trời lồng lộng, thì phẩm giá và cứu cánh của con người cũng không thể bị giới hạn bởi những giá trị vật chất mà phải vươn tới những giá trị thiêng liêng cao quý. Chúng ta cần dưỡng chất, cần thức ăn để nuôi sống cơ thể, nhưng sẽ cần thiết hơn nếu biết kiếm tìm của ăn nuôi dưỡng linh hồn; bằng không, chúng ta sẽ mãi là những kẻ đói khát sự công chính. Với người Kitô hữu, Thánh Thể chính là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống đức tin. Chính vì vậy, bao lâu chúng ta chưa thành tâm chạy đến với Bí tích Thánh Thể thì bấy lâu linh hồn của chúng ta sẽ mãi còi cọc, vạ vật vì suy dinh dưỡng. Đức ông Stephen J. Rossetti khi bàn về Bí tích Thánh Thể cũng đã nhìn nhận một cách quyết liệt: “Đối với tôi, Bí tích Thánh Thể là của ăn thật và là của uống thật, như lời Đức Giêsu đã truyền lại cho chúng ta. Không có Thánh Thể, tôi sẽ chết đói về mặt linh thiêng” (1). Vẫn biết là vậy, nhưng đôi khi trước Thánh Thể, tôi thấy mình cứ nhàn nhạt thế nào ấy. Những lúc như thế, tôi tin là các bạn có được cảm nhận khá hơn tôi.

 

-  Người ta nói rằng, một người nghệ sĩ sẽ chẳng là gì nếu không có tài năng; tuy nhiên, tài năng cũng sẽ chẳng là gì nếu người đó không lao động. Cũng thế, một cô hoa hậu thì hẳn nhiên cần đến sắc đẹp trời ban, nhưng sắc đẹp cũng sẽ chẳng là gì nếu thiếu đi một tâm hồn nhân ái ẩn đằng sau vẻ đẹp ấy. Nếu có được cả hai yếu tố trên, nó sẽ làm cho cô ta trở nên rạng rỡ, duyên dáng và khả ái hơn. Trường hợp của cựu Hoa hậu Anh 2019, Bhasha Mukherjee càng minh chứng rõ điều đó. Ánh hào quang của chiếc vương miện hoa hậu cùng với việc đảm nhận các vai trò đại sứ làm cho tên tuổi cô thêm nổi tiếng và cuộc sống trở nên thuận lợi hơn. Mặc dù vậy, ngay khi quê hương bị tàn phá bởi đại dịch, cô đã tạm gác tất cả để đấu lưng với các bác sĩ mà lo cho bệnh nhân. Việc này không chỉ đúng với sở nguyện của cô trước đây mà còn cho mọi người thấy, cô là người có một trái tin quả cảm ẩn tàng phía sau một nhan sắc mỹ miều. Cô nói: “Tôi tin rằng đây chính là lúc thích hợp nhất để ứng dụng những kiến thức đã học. Tôi muốn là một trong những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch”. Với quyết định này, cô Bhasha Mukherjee đã chấp nhận tham gia vào một cuộc mạo hiểm, mà ở đó, cô đánh cược cả mạng sống của mình. Cuộc đời này thật tươi đẹp và đáng sống sống biết bao; vì ở nơi ấy, vẫn còn đó những con người sẵn sàng trao hiến cả mạng sống mình vì người khác. Một cách nào đó, cuộc sống hiện tại không thuộc về những con người nhát đảm, yếm thế hoặc bi quan. Nếu chúng ta buồn chán nó, nó sẽ buồn chán chúng ta. Nếu chúng ta trân quý nó, chắc chắn nó sẽ không khiến ta thất vọng. Dale Carnegie giúp ta tìm ra giải pháp khi nói: “Cuộc sống làm bạn buồn chán ư? Hãy lao vào công việc bạn tin tưởng bằng tất cả trái tim, sống vì nó, chết vì nó, và bạn sẽ tìm thấy thứ hạnh phúc tưởng chừng như không bao giờ đạt được”. Hành trình đức tin của các Kitô hữu cũng hệt như một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm: Nếu lo sợ, chúng ta sẽ không đạt tới đích; nếu kém tin, chúng ta sẽ bỏ cuộc giữa chừng; nếu cứ loay hoay tìm kiếm của ăn lấp cho đầy ổ bụng, linh hồn chúng ta sẽ chết trước khi có cơ hội được gặp Chúa. Này bạn, bạn tiến được bao xa trên hành trình đức tin của mình rồi? Với tôi, đôi khi tôi có cảm giác mình giống như người vừa bắt đầu nhập cuộc vậy.


(1) Stephen J. Rossetti, Born of the Eucharist – A Spirituality for Priest, Học viện Đa Minh chuyển ngữ 2020, tr. 69-70).