SUY NIỆM LỜI CHÚA & HẠNH CÁC THÁNH

Hiếu thảo với Cha Mẹ trần gian

Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. (Mt 15,4)

1 Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Chúa Giê-su và nói rằng: 2 “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” 3 Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? 4 Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. 5 Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, 6 thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”

 

Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm luôn thơm phức hương thảo hiếu của chúng ta khi chu toàn bổn phận của người con, người cháu với ông bà, cha mẹ.


"Biển cả mênh mông đong sao đầy tình mẹ
Gió trời lồng lộng ngăn không nổi công cha"

                                      (Danh ngôn đạo đức)


Đạo hiếu, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nó được thể hiện rõ nét trong mỗi dịp Tết cổ truyền. Những ngày vui tươi đầu xuân cũng là thời điểm thuận tiện để con cháu bày tỏ lòng biết ơn, hiếu kính đối với các đấng bậc đã có công sinh thành dưỡng dục mình cả về thể lý và tâm linh. Kitô hữu ý thức Đạo hiếu mang một chiều kích sâu xa hơn trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại và giữa con người với nhau. Do đó, khi chúng ta sống trọn chữ Hiếu cũng đồng thời ta đáp trả lời mời gọi của Phúc Âm trong thái độ yêu mến và tôn phục Thiên Chúa.


1. Đạo hiếu trong Thánh Kinh, theo Phúc Âm và giáo huấn của Giáo Hội


Tiếp sau bổn phận của con người đối với Thiên Chúa được nêu lên trong Thập giới (mười điều răn), Kinh Thánh đã coi thái độ hiếu thảo với cha mẹ là nền tảng thứ nhất và quan trọng nhất trong những tương quan giữa con người với con người (x. Is 49, 15; 63, 16...).


"Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này" (Ep 6, 1-3).


Đạo hiếu đối với bề trên được khởi đi từ việc thấu hiểu và đáp trả xứng hợp công ơn của các ngài là những cánh tay nối dài của Thiên Chúa ở dưới thế, đã hy sinh, nâng đỡ ta trên đường trọn lành. "Hãy hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ cha mẹ, con mới sinh ra. Làm sao con báo đền được điều cha mẹ cho con" (Hc 7, 27-28). "Hỡi những người con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa" (Cl 3, 20).


Biểu lộ của lòng hiếu thảo thể hiện qua sự chú tâm lắng nghe lời chỉ bảo của cha mẹ trong sự vâng phục, khiêm kính. "Hỡi con, hãy giữ lấy lời huấn hụ của cha, và đừng ruồng rẫy giáo huấn của mẹ... Chúng sẽ hướng dẫn con khi con đi, canh giữ con khi con nằm, và khi con thức dậy, chúng chuyện trò với con" (Cn 6, 20-22). "Con ngoan mến chuộng lời cha quở mắng, kẻ nhạo báng chẳng nghe lời khiển trách" (Cn 13, 1).


Lòng hiếu thảo là một hành vi nhân linh đặc biệt quan trọng có giá trị kiện toàn bản thân ta nên công chính thánh thiện hơn mỗi ngày. "...Vì của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi..." (Hc 3, 14-15).


Tân ước đề cao Đạo hiếu qua mẫu gương của Chúa Giêsu. Ngài đã chu toàn trọn hảo bổn phận làm con với cha mẹ trong suốt ba mươi năm sống cùng Thánh Gia (x. Lc 2, 51-52). Trong thời gian thi hành sứ vụ, lòng hiếu thảo được Ngài đề cập như một trong những chuẩn mực nền tảng của luật Thiên Chúa. "Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ kính cha mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải xử tử".


Thư 1Tm 5, 8 xác quyết bổn phận sống đạo hiếu là đòi buộc của đức tin: "Ai không biết lo lắng đến người thân và nhất là gia quyến mình, thì nó đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn là người không tin" (1Tm 5, 8).


Công đồng Vatican II dạy: "Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh" (MV, số 48).


Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nêu lên vai trò của cha mẹ và bổn phận đáp trả của chúng ta: "Thiên Chúa muốn rằng sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ vì đã sinh thành và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa" (GLHTCG, số 2197).


2. Đạo Hiếu trong cuộc tranh luận của Pharisêu và Chúa Giêsu


Trong đoạn Phúc Âm Thánh Matthêu chúng ta đọc hôm nay xoay quanh cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với các người Pharisêu, các Kinh sư về bổn phận của con cái đối với cha mẹ.


Đối với các người Pharisêu và các kinh sư, họ cho rằng theo lời của tiền nhân thì tất cả những gì họ làm cho cha mẹ đều là tế phẩm dâng lên Thiên Chúa. Do đó, họ làm như thế là vừa đủ rồi, không cần phải thờ cha kính mẹ nữa. Người Pharisêu và Kinh sư giới hạn bổn phận con cái dựa trên hoàn toàn vật chất, một nghĩa vụ vật chất được họ gán cho nghĩa vụ đạo đức.


Đối với Chúa Giêsu, Ngài nhắc nhở cho các Pharisêu, các Kinh sư và mọi thế hệ, mọi người chúng ta rằng: "Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử". Ngay trong điều răn thứ bổn của thập giới cũng viết: "Thảo kính cha mẹ". Như thế rõ ràng Thiên Chúa dạy con người phải thảo hiếu với mẹ cha không chỉ dừng ở của cải vật chất nhưng phải hiếu thảo bằng cả tấm lòng yêu thương, tôn kính, mến yêu đến nỗi ai nguyền rủa cha mẹ tức là đụng đến nhân phẩm, đụng đến quyền làm người của cha mẹ, thì phải bị xử tử. Chính vì thế, lập trường của Chúa Giêsu hoàn toàn khác với người Pharisêu và các Kinh sư. Chúa Giêsu mở ra một giá trị mới, một đạo hoàn toàn dựa trên tình thương.


2. Niềm vui chưa trọn vẹn


Trong ngày đầu xuân, thật hạnh phúc khi chúng ta được đoàn tụ trong bầu khí yêu thương của gia tộc để bày tỏ đạo hiếu với tổ tiên. Nhưng niềm vui của chúng ta chưa thể trọn vẹn được, khi vẫn còn đó bao cụ già neo đơn, bao bậc làm cha, làm mẹ phải đau xót khốn cùng vì bị con cái hắt hủi, bỏ rơi giữa ngày đời tàn hơi, xế bóng...


Chúng ta vui sao được trước thực trạng xã hội, trong đó, một bộ phận đông đảo những người trẻ đang chạy theo lối sống tự do mất định hướng, cố tình ngoảnh mặt trước các chuẩn mực truyền thống và quan niệm sự vâng phục các đấng bậc sinh thành như một thứ bó buộc tiêu cực đối với họ.


Nếp sống đề cao tính cố kết gia tộc trong bản sắc văn hóa của các làng xã Việt Nam dường như đang bị phai nhạt dần. Các cặp vợ chồng trẻ mới thành hôn có xu hướng thích "ra riêng" (gia đình độc lập) hầu có thể thoát ra ngoài "chiếc vòng kim cô" của đại gia đình nhiều thế hệ. Điều này đang có nguy cơ dẫn tới việc các thế hệ sau ngày càng có biểu hiện xem nhẹ vai trò của những người đi trước. Và hậu quả là, họ cố tình "bỏ ngoài tai" những giáo huấn vốn được kết tinh từ kinh nghiệm sống của ông bà, cha mẹ, thầy cô.


Ngày Tết là thời điểm thật thuận tiện để những người con, người cháu cháu chúng ta tự vấn lại bổn phận và thái độ sống cần thiết đối với các bậc tiền nhân. Năm cũ qua đi, có biết bao lần ta đã làm phiền lòng những người đã phải vật lộn một nắng hai sương, lam lũ giữa dòng đời cay đắy với bao nhiêu mồ hôi nước mắt chỉ vì mong muốn, dìu dắt ta nên người. Biết bao lần ta đã vi phạm trầm trọng chuẩn mực đạo hiếu chỉ vì muốn được tự do sống theo ý riêng mình...


Năm mới, ta hãy sống sao cho đẹp Chữ Hiếu.


3. Sống đẹp Chữ Hiếu


Nhiều giáo xứ đang phát huy truyền thống tốt đẹp, đó là tổ chức long trọng thánh lễ kính nhớ tổ tiên tại nghĩa trang giáo xứ vào ngày Mồng Hai Tết. Trong ngày này, con cháu, dâu rể... dù ở phương xa phải bận bịu trăm công nghìn việc, vẫn cố gắng sắp xếp quy tụ về bên phần mộ gia tộc, cùng nhau thắp lên nén hương lòng kính hiếu và chung lời nguyện xin cho người quá cố được sớm an nghỉ trong Chúa. Thật là nghĩa cử đẹp đẽ, nói lên Đức ái Kitô giáo được biểu lộ qua đạo hiếu.


Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm sẽ cháy mãi và bừng lên nơi tâm hồn của những người con hiền, cháu thảo như một lời tri ân đáp trả nồng nhiệt công ơn của các đấng bậc đã sinh thành, dưỡng dục ta.


Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm cho tổ tiên sẽ lan tỏa trong đời bạn, đời tôi để chúng ta luôn sống xứng với truyền thống Đức tin rạng ngời của tiền nhân.


Ước mong nén hương lòng trong ngày đầu năm luôn thơm phức hương thảo hiếu của chúng ta khi chu toàn bổn phận của người con, người cháu với ông bà, cha mẹ.


Ước mong nén hương lòng đầu năm trước người quá cố đang và sẽ thức tỉnh những ai có biểu hiện xem thường chuẩn mực đạo hiếu.


Và nguyện ước cho nén hương lòng đầu năm trước tổ tiên là tất cả tâm thành của ta hướng về Chúa, cảm tạ Ngài đã ban cho ta có được tổ tiên ông bà cha mẹ. Nhờ sống trọn, sống đẹp Đạo Hiếu, chúng ta góp phần tôn vinh Thiên Chúa, tôn vinh Đạo Trời.


4. Tại bang New Jersey bên Hoa kỳ, một bà mẹ 78 tuổi bị đứa con trai kiện vì bà không trả tiền công cho chàng đã sửa chiếc xe vận tải của bà.


Bà đã đệ đơn tố ngược lại con mình, với đề nghị là chàng phải bị đánh đòn vì lúc chàng còn nhỏ, bà đã không áp dụng câu: "Thương con cho roi cho vọt".


Trả lời đơn người con trai kiện mình, bà đã viết: "Nguyên cáo mắc nợ bị cáo 40 năm phục dịch của một người mẹ, một người giữ em, một người giúp việc nhà, một nhà tâm lý để cố vấn khuyên bảo... Tất cả những dịch vụ trên nguyên cáo đã không trả tiền công cho bị cáo".


Bà mẹ viết tiếp: "Như một người mẹ, nếu luật pháp cho phép, tôi sẽ công khai đánh con tôi, những roi vọt cần thiết cho nó mà tôi đã không dành cho nó lúc nó còn bé. Nếu pháp luật không cho phép mẹ đánh con, thì xin tòa hãy cử một nhân viên ngành tư pháp đánh đòn để sửa trị con tôi". (R.D. Warhreit, Ánh sáng hy vọng, tr 226)