SUY NIỆM LỜI CHÚA & HẠNH CÁC THÁNH

Nếu được cả thế giới

Nếu được cả thế giới (31.8.2014 – Chúa nhật 22 Thường niên, Năm A)
Lời Chúa: Mt 16, 21-27
 
Từ lúc đó, Ðức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Ðức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xatan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
 
Rồi Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”
 
Suy niệm:
 
Ðức Giêsu đã gặp nhiều cám dỗ trong đời.
 
Cám dỗ bởi ma quỷ trong sa mạc.
 
Cám dỗ bởi đám đông đòi xem phép lạ từ trời.
 
Cám dỗ bởi nhiều người thách xuống khỏi thập giá.
 
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy
 
Ðức Giêsu bị cám dỗ bởi chính Phêrô,
 
người mà Ngài đã đặt làm nền tảng cho Hội Thánh.
 
Cơn cám dỗ này nguy hiểm biết bao,
 
vì đến từ tình thương của một người môn đệ.
 
Phêrô không thể nào chấp nhận được
 
chuyện Ðấng Mêsia phải chịu khổ đau và chịu chết.
 
Ðức Giêsu đã mạnh mẽ chống lại cơn cám dỗ này.
 
Ngài nói với ông như nói với Xatan trước đây:
 
“Xatan, lui lại đàng sau Thầy!”
 
Phêrô đã đi trước Thầy.
 
Ông quên mất vị trí đi sau của người môn đệ.
 
Ông không ngờ mình trở nên viên đá làm Thầy suýt vấp.
 
Lối nghĩ của Phêrô rất tự nhiên, rất “người”,
 
nhưng đó không phải là lối nghĩ của Thiên Chúa.
 
Dần dần ông mới chấp nhận số phận bi đát của Thầy
 
và dám mất tất cả vì Thầy.
 
Sống ở đời ai cũng tranh phần được, và sợ mất.
 
Vấn đề là phải xác định xem
 
đâu là cái được thực sự, lâu bền, trọn vẹn,
 
đâu là cái được quan trọng nhất, cần thiết nhất.
 
Kitô hữu là người say mê cái được vĩnh cửu,
 
vì thế họ chấp nhận những mất mát tạm thời:
 
mất công, mất của, mất thì giờ,
 
mất uy tín, mất tương lai và mất cả mạng nữa.
 
Họ tin rằng cuối cùng chẳng có gì mất cả.
 
Mọi sự họ mất vì Thầy Giêsu, họ đều được lại.
 
Mất tạm thời để giữ được mãi mãi.
 
Từ bỏ chính mình là để tìm lại
 
cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn.
 
Các vị tử đạo là những người say mê sự sống,
 
đến nỗi dám chấp nhận cái chết.
 
Các ngài coi trọng sự sống vĩnh cửu của mình
 
hơn cả thế giới phú quý vinh hoa.
 
Lắm người tưởng mình được, hoá ra lại mất
 
Lắm người vui lòng mất, hoá ra lại được.
 
Chúng ta cần suy nghĩ sâu về cái được, cái mất,
 
để không phải hối hận sau này.
 
Ðức Giêsu đã mất tất cả và đã được lại tất cả.
 
Ðó là lý do khiến chúng ta dám từ bỏ, hy sinh,
 
dám vượt lên trên lối sống thực dụng, ích kỷ.
 
Không cần đợi sau cái chết, ta mới thấy mình được.
 
Bình an, niềm vui, triển nở trong tự do và yêu thương
 
là những cái được ta có ngay từ đời này.
 
 
Cầu nguyện:
 

Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại,
 
xin dạy chúng con biết chiến đấu
 
trong cuộc chiến mỗi ngày
 
để được sống dồi dào hơn.
 

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
 
nhận lấy những thất bại trong cuộc đời
 
cũng như mọi đau khổ của thập giá,
 
xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách
 
chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,
 
thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến
 
và trở nên giống Chúa hơn.
 

Xin dạy chúng con biết rằng
 
chúng con không thể nên hoàn thiện
 
nếu như không biết từ bỏ chính mình
 
và những ước muốn ích kỷ.
 

Ước chi từ nay,
 
không gì có thể làm cho chúng con
 
khổ đau và khóc lóc
 
chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa phục sinh.
 

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha,
 
là hy vọng hạnh phúc bất diệt,
 
là ngọn lửa tình yêu nồng nàn;
 
xin lấy niềm vui của Người
 
mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ
 
và trở thành mối dây yêu thương,
 
bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.
 
(Chân phước Têrêxa Calcutta)
 
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ