SUY NIỆM LỜI CHÚA & HẠNH CÁC THÁNH
Ngày 25-07, Thánh Giacôbê, tông đồ
A- Phân tích (Hạt giống…)
Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại một chuyện không hay lắm về Thánh Giacôbê.
- Ngay sau khi Chúa Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc chịu nạn sắp tới của Ngài thì hai anh em nhờ mẹ đến xin cho mình hai địa vị ưu tiên trong Nước mà họ tưởng Ngài sắp thành lập: "Ngồi bên hữu và ngồi bên tả" không phải chỉ là những chỗ danh dự mà là thực sự thông chia quyền cai trị.
- Trước khi trả lời, Chúa Giêsu đưa ra một nhận xét: "Các ngươi không biết các ngươi xin gì". Đúng vậy, 3 mẹ con này tưởng "Nước" của Chúa Giêsu cũng giống như mọi thứ nước ở trần gian, trong đó có địa vị và quyền lợi. Họ muốn những chỗ ngồi hai bên tả và hữu của Chúa Giêsu nghĩa là muốn hai địa vị ưu tiên trong nước đó.
- Rồi Chúa Giêsu hỏi lại: "Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống không?"
"Chén": Biểu tượng của đau khổ. (x. Tv 75,9 ; Is 51,17-22). Chính Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu đã thốt lên "Xin cho con khỏi uống chén này" (Mc 14,36). Chúa Giêsu hỏi hai ông có thể chịu những đau khổ và sự chết của Ngài không. Hai ông đáp bừa là có thể. Ngài hứa sẽ cho hai ông thông chia những điều đó. Thực tế sau này Giacôbê đã chịu tử vì đạo vào khoảng năm 44 (Cv 12,1-2); còn Gioan theo Thánh Truyền, thì chịu bắt bớ rất đau khổ.
- Khi ấy Chúa Giêsu gọi tất cả lại để giáo dục. Trong phần giáo dục, trước tiên Ngài nói tới cách cư xử của các thủ lãnh thế gian (cụ thể là các quan chức của đế quốc Rôma). Họ hay lộng quyền và độc tài. Phần các môn đệ Chúa Giêsu, những lãnh tụ tương lai của Giáo Hội, thì phải cư xử khác hẳn. Ngài dùng một từ rất đặc biệt là "đầy tớ": đây là hạng người thấp hèn nhất trong xã hội. Những lãnh tụ Giáo Hội phải sẵn sàng phục vụ người ta trong vị thế hèn hạ nhất.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Người ta thường nghĩ đến "được" hơn là "mất". Khi làm một việc gì, người ta tính trước xem việc làm này sẽ cho họ "được" gì; hễ thấy việc gì có thể khiến họ "mất" thì lập tức họ sẽ từ chối và tránh né. Lối suy nghĩ đầy tính toán đó cũng từng ảnh hưởng đến việc người ta đi theo Chúa: theo đạo để "được" sống bình an, sung túc; đi tu để "được" thảnh thơi và người đời coi trọng. Giacôbê và Gioan cũng nằm trong lối suy nghĩ đầy tính toán đó.
Nhưng Chúa Giêsu dạy một lối sống ngược hẳn: ai muốn theo Ngài thì phải dám mất rồi mới có thể "được" lại sau.
2. "Các ngươi không biết điều các ngươi xin" : Nhiều khi tôi cũng không biết tôi xin Chúa điều gì. Tôi chỉ xin những điều rất phụ và là những điều chẳng những không có lợi mà còn có hại cho sự sống đích thực của tôi. Còn những điều quan trọng hơn nhiều và rất cần thiết cho cuộc hành trình đi theo Chúa thì tôi không hề xin.
3. "Các ngươi sẽ uống chén của Ta" : Lời này Chúa Giêsu không chỉ nói với 2 anh em Giacôbê và Gioan mà nói chung cho 12 môn đệ, và còn nói với tôi nữa. Thế nào chẳng sớm thì muộn tôi cũng sẽ "được" uống "chén" của Chúa. Tôi có chuẩn bị mình sẵn sàng cho lúc đó chưa?
4. "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người." (Mt 20,28)
Ngay trong ngày lễ kính thánh Giacôbê tông đồ mà Hội Thánh lại chọn đoạn Phúc Âm thuật lại chuyện 3 mẹ con nhà ông Giêbêđê đến gặp và xin Chúa cho được ngồi bên hữu và bên tả Ngài trong Nước Trời thì quả là tội nghiệp cho ông Giacôbê. Nhưng thiết tưởng, Chúa không chỉ nói riêng cho 2 anh em Giacôbê mà còn cho 10 môn đệ kia đang tức tối với 2 anh em Giacôbê, và cho cả tôi lẫn bạn, những kẻ thích ăn trên ngồi trước, thích chỉ tay 5 ngón, thích quyền cao chức trọng để dùng uy quyền mà sai khiến, để lấy quyền mà thống trị. Nói chung là thích được phục vụ hơn phục vụ.
Lạy Chúa, xin hãy dạy cho con biết: chính khi hiến thân là khi được lãnh nhận, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.
5. Tại văn phòng của một Cố vấn Tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ vừa giàu, giãi bày tâm sự: "Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều có cả. Tôi có đủ mọi sự nhưng trong lòng trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên".
Nhà Cố vấn Tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể chuyện đời cô. Cô này kể:
"Chồng tôi đã chết, cách nay 3 tháng con tôi cũng chết vì xe đụng. Tôi cảm thấy mất tất cả, tôi không ngủ được, tôi không muốn ăn uống, tôi không bao giờ cười. Một hôm tôi đi làm về hơi khuya. Có một chú mèo con cứ đi theo sau tôi. Trời lạnh. Tôi thấy tội nghiệp nó, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa. Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên tôi cười. Rồi tôi nghĩ: nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là hôm sau tôi nướng vài ổ bánh đem cho bà cụ hàng xóm đang bênh. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp được vui vẻ. Và quả thực tôi đã thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là ta sẽ không hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình; ngược lại ta sẽ hạnh phúc thật khi ta làm cho người khác hạnh phúc."
Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì đồng tiền có thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô thư ký nọ.
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Tin liên quan
- TÌNH YÊU CHÁY BỎNG VÀ THANH TẨY
- CHÚA NHẬT 31 TN - C (Lc 19,1-10): TÌNH THƯƠNG BIẾN ĐỔI
- NỖI SỢ PHẢI RA KHỎI VÙNG AN TOÀN
- CHÚA NHẬT 30 TN (18, 9-14)
- THỨ BẨY SAU CN 29 TN - C (Lc 13,1-9)
- ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II: CON NGƯỜI CỦA CẦU NGUYỆN
- THỨ SÁU SAU CN 29 TN - C (Lc 12,49-53)
- THỨ NĂM, SAU CH 29 TN - C (Lc 12,39-48)
- CẦU NGUYỆN: SỐNG MỘT MỐI TƯƠNG QUAN
- HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN