SUY NIỆM LỜI CHÚA & HẠNH CÁC THÁNH
Ngày 27-09: Thánh Vinh Sơn Phaolô, linh mục
Ngày 27-09:
Thánh Vinh Sơn Phaolô
linh mục
(1581 - 1660)
Gia đình Thánh Vinh Sơn Phaolô là những nông dân tại Pouy, gần Dax. Thánh Vinh Sơn Phaolô sinh năm 1581 là con thứ ba trong gia đình sáu người con. Trong những ngày còn thơ ấu, Ngài lo chăn cừu cho cha. Giữa miền đồi lộng gió này, Vinh Sơn đã trải qua nhiều giờ trong ngày để chiêm ngắm cảnh đồng quê và hướng lòng lên cùng Chúa. Thời gian này cũng cho Ngài những kinh nghiệm đầu tiên về số phận của người dân quê. Từ đó, lòng bác ái sớm nẩy nở trong tâm hồn Vinh Sơn. Có lần thu góp được 30 xu, số tiền đáng kể đối với Ngài, nhưng Ngài đã tặng tất cả cho những người cùng khốn. Lần khác trên đường tới nhà máy xay, Ngài âm thầm lấy một số bột bố thí cho người nghèo.
Thấy con mình có lòng bác ái, lại thông minh, ông Gioan Phaolô quyết hy sinh cho Vinh Sơn theo ơn gọi làm giáo sĩ. Vinh Sơn theo học các cha Dòng Phanxicô tại Dax. Nhưng để tiếp tục chương trình đại học của Vinh Sơn, cha Ngài đã phải bán bầy cừu lo cho tương lai của con. Dầu vậy, khi học thần học tại Toulouse, Vinh Sơn cũng vừa lo học vừa lo dạy kèm tư gia kiếm tiền bớt gánh nặng cho gia đình.
Sau khi thụ phong linh mục, trong hai năm trời, Vinh Sơn biến mất. Cho đến ngày nay người ta vẫn không biết rõ trong thời gian này Vinh Sơn ra sao. Người ta kể lại rằng có một góa phụ tại Toulouse đã công đức tất cả tài sản của bà. Trên đường từ Marseille tới Narbonne để nhận gia tài, Ngài đã bị bọn cướp bắt bán cho một ngư phủ. Không quên nghề, Ngài lại bị bán cho một người hồi giáo làm thợ kim hoàn. Sau cùng, Ngài lại bị rơi vào tay một người phản đạo tên là Gautier. Nhờ đời sống thánh thiện, cha đã cải hóa được ông. Chính ông đã đưa cha trở lại đất Pháp. Năm sau, ông theo cha đi Roma và vào hội bác ái để đền tội cho đến ngày qua đời.
Từ đây, cha Vinh Sơn Phaolô bắt đầu thi hành sứ vụ linh mục của Ngài. Ngài được chỉ định làm tuyên úy cho nữ hoàng Marguerrite de Valois. Lúc này, cha Vinh Sơn có dịp quen biết cha Phêrô Berulle, Đấng sáng lập dòng giảng thuyết và sau này làm Hồng y. Dưới ảnh hưởng của cha Phêrô Berulle, cha Vinh Sơn bắt đầu nhiệt tình sống đời hy sinh. Theo lời khuyên của Ngài, cha Vinh Sơn nhận làm tuyên úy cho gia đình Gondi. Hướng dẫn một số một nông dân trong vùng này, Vinh Sơn đã khám phá ra tình trạng phá sản về tôn giáo và luân lý. Chính sự dốt nát và biếng nhác của nhiều giáo sĩ là duyên cớ gây nên tình trạng này. Ngài quyết tâm sửa đổi thực trạng.
Vinh Sơn đã trở nên bạn của người nghèo, và dùng mọi phương tiện khả năng có được để hoạt động, nhằm tái tạo cuộc sống luân lý và tôn giáo của họ. Một trải nghiệm nhỏ khi làm một linh mục quản sở tại Chatillon les Dober cho Ngài thấy rõ vấn đề còn rộng lớn hơn nhiều. Dầu nỗ lực cải tiến họ đạo, Ngài vẫn ưu tư cho công cuộc được bành trướng rộng rãi hơn. Trở lại Paris với sự trợ giúp của bà Gondi, Ngài bắt đầu công cuộc nâng đỡ cảnh khốn cùng bất cứ ở nơi đâu. Ngài tổ chức "hội bác ái" trên khắp đất Pháp, cung cấp áo xống thuốc men cho người nghèo khổ, hết sức trợ giúp những nô lệ bị bắt chèo thuyền từ Paris tới Marseille. Ngài thành lập một hội dòng Lazarits với mục đích truyền đạo cho dân quê và đào tạo giáo sĩ. Từ hội Dòng Bác ái ấy còn mọc lên Hội Nữ tử Bác ái mà y phục của họ toàn thế giới biết đến như là biểu tượng của lòng bác ái nối liền với danh hiệu Vinh Sơn.
Một linh mục nhà quê đã trở nên quan trọng đối với toàn quốc từ căn phòng tại xứ thánh Lazane, Ngài bành trướng ảnh hưởng ra khắp nước Pháp, tới Balan, Ý, Hebrider Madagascar và nhiều nơi khác nữa. Nữ hoàng Anne d'Austria, nhiếp chính cho tới khi vua Luy lên cầm quyền, đã hỏi ý Ngài trong việc đặt giám mục chống lại Mazania, Ngài đã không ảnh hưởng được tới đường lối của vị giám mục này, lại còn bị khổ vì ông khi nội chiến xảy ra.
Ngài quyên góp để hàn gắn những tàn phá do cuộc chiến xảy ra tại Loraine. Ngài lo chuộc các nô lệ tại Bắc Phi. Các nỗ lực trên, cùng với các nhu cầu và việc quản trị hội dòng ngày càng mở rộng, đã giam Ngài tại phòng riêng tại xứ thánh Lazane. Ngày lại ngày bận bịu viết thơ cho các Giám mục lẫn Linh mục nghèo khổ, cho biến cố vị vọng lẫn nhu cầu nghèo khổ trong nước. Các thư tín của Ngài hợp thành một tuyển tập làm say mê người đọc vì trong đó pha trộn những ưu tư cho nước Chúa lẫn đức bác ái ngập tình người.
Các thư tín và các bài giảng thuyết của Vinh Sơn cho thấy Ngài là một trong những nhà phục hưng của Giáo hội Pháp thế kỷ XVI. Những cuộc tĩnh tâm Ngài tổ chức tại St. Lazane cho các tiến chức và những cuộc tĩnh tâm hàng tháng Ngài tổ chức cho các giáo sĩ tại Paris (có cả những khuôn mặt lớn tham dự như De Rotz, Bossuet...) cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của Ngài trong cuộc chấn hưng đạo đức .
Năm 1660, cha Vinh Sơn Phaolô ngã bệnh liệt giường và đau đớn vì bệnh tật nhưng Ngài vẫn vui tươi tin tưởng mà nói rằng: "Chúa còn phải chịu hơn tôi gấp bội."
Đối diện với cái chết Ngài bình tĩnh nói: "18 năm qua, mỗi tối tôi vẫn dọn mình chết."
Ngày 27 tháng 9 năm 1660, cha Vinh Sơn Phaolô từ trần và được Ðức Thánh Cha Clêmentê XII tuyên thánh năm 1737. Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn ngài làm bổn mạng các hội từ thiện Công Giáo.
(Nguồn: WGPSG)
Tin liên quan
- TÌNH YÊU CHÁY BỎNG VÀ THANH TẨY
- CHÚA NHẬT 31 TN - C (Lc 19,1-10): TÌNH THƯƠNG BIẾN ĐỔI
- NỖI SỢ PHẢI RA KHỎI VÙNG AN TOÀN
- CHÚA NHẬT 30 TN (18, 9-14)
- THỨ BẨY SAU CN 29 TN - C (Lc 13,1-9)
- ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II: CON NGƯỜI CỦA CẦU NGUYỆN
- THỨ SÁU SAU CN 29 TN - C (Lc 12,49-53)
- THỨ NĂM, SAU CH 29 TN - C (Lc 12,39-48)
- CẦU NGUYỆN: SỐNG MỘT MỐI TƯƠNG QUAN
- HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN