SUY NIỆM LỜI CHÚA & HẠNH CÁC THÁNH
Ngày 9 tháng 8: Thánh Têrêsa Bênêdicta Thánh giá, nữ tu
Ngày 9 tháng 8
Thánh Têrêsa Bênêdicta Thánh giá, nữ tu
Thánh Têrêsa Bênêdicta Thánh giá (Édith Stein) sinh ngày 12-10-1891 ở Breslau, Đức Quốc. Chị là người con thứ mười một trong một gia đình Do-Thái sinh sống bằng kỹ nghệ gỗ. Thân phụ chị mất lúc chị được một tuổi rưỡi. Thân mẫu chị lo việc nuôi nấng bảy con còn lại (bốn con đã chết lúc còn nhỏ tuổi).
Từ tiểu học đến trung học, niềm tin Do-Thái Giáo của người mẹ và thái độ tự do của các người chị không làm thỏa mãn khát vọng tâm linh của Édith Stein. Lúc mười ba tuổi, chị viết: “Niềm khao khát chân lý ở nơi con người tôi là lời nguyện duy nhất.”
Chị rời Breslau để theo học đại học ở Gottingen với một giáo sư danh tiếng là Edmund Husserl,cha đẻ của triết thuyết “hiện tượng luận”. Trong số những sinh viên xuất sắc của vị giáo sư đó, ngoài Édith Stein, còn có Hedwig Conrad-Martius là người tiếp cận với những giá trị khách quan và ngay cả niềm tin ở Thiên Chúa hằng sống nữa. Tiến sĩ Max Scheler cũng thường đến Gottingen giảng khóa và đã gây những tác động thâm sâu, nhưng không lay chuyển Édith được.
Việc gặp gỡ những Kitô hữu có niềm xác tín vững chắc như triết gia Adolphe Reinach, đã cho chị cơ hội tiếp cận với đời sống thực hành những giá trị đạo đức. Édith hiểu rằng lòng yêu thương người lân cận đối với một Kitô hữu sống đạo thật rất khác xa với một tình thương hoàn toàn có tính cách nhân bản. Qua những suy tư triết lý, chị nhận thấy triết học không có câu giải đáp.
Đệ Nhất Thế Chiến đã cho Édith cơ hội bỏ ngang việc học để giúp đỡ những người bị thương, trong hơn một năm, ở bệnh viện Mahrisch-Weiskirchen.
Vào năm 1916, Husserl được bổ nhiệm ghế giáo sư ở đại học Fribourg-en-Brisgau và đã mời chị Édith làm trợ tá. Năm 1917, chị đỗ đạt văn bằng tiến sĩ và lúc nầy chị cảm thấy nhu cầu cấp bách truy tầm Thiên Chúa.
Hành Trình Đức Tin
Mùa hè 1921, chị Édith nghỉ hè nơi gia đình bạn thân là Conrad-Martius ở Bavière. Trong khi họ đi vắng, chị rảo mắt qua thư viện gia đình và chính ở đó Chúa Quan Phòng đang chờ đợi chị, theo những gì chị đã viết: “Ngày kia, tình cờ tôi cầm vội một tác phẩm quan trọng, nhan đề là ‘Cuộc Đời Thánh Têrêxa, do chính tác giả viết’. Tôi cầm lên đọc. Lập tức tôi bị thu hút và không ngừng đọc cho hết. Khi tôi gấp sách lại, tôi tự nhủ: đây chính là chân lý.”
Bên ngoài rạng đông bắt đầu ló rạng. Chị Édith đã đọc suốt đêm. Bất chợt, ánh sáng của Chúa chiếu giải trong tâm hồn chị. Sáng mai đó, việc đầu tiên là chị đi xuống thành phố mua một quyển Giáo Lý Công Giáo và một quyển Sách Lễ. Chị bắt đầu nghiền ngẫm cẩn thận và đã lãnh hội rất nhanh. Rồi chị quyết định đi dự Thánh Lễ ở nhà xứ Bergzabern.
Lần đầu tiên, chị đi vào một Thánh Đường Công Giáo. Chị viết: “Đối với tôi không có gì xa lạ, qua những việc học hỏi của tôi. Tôi hiểu hết mọi chi tiết của Lễ Nghi. Sau Thánh Lễ, tôi chờ đợi cho đến khi vị chủ tế đọc kinh nguyện cám ơn xong. Tôi đã theo ngài và xin ngài cho tôi được Rửa Tội.” Vị linh mục bắt đầu duyệt xét. Những câu trả lời của chị Édith hoàn toàn chính xác. Toàn bộ Giáo Lý Công Giáo đều được duyệt qua.
Ngày đầu năm 1922, chị Édith được nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy. Để tỏ lòng biết ơn, chị đã lấy tên thánh là Têrêxa. Chị rước lễ ngay ngày hôm đó và đã trung thành trong việc đi xem lễ rước lễ mỗi ngày. Vào ngày 2 thàng 2 năm đó, chị nhận lãnh Bí Tích Thêm Sức từ tay Đức Giám Mục Giáo Phận Spire.
Sau đó chị gặp lại thân mẫu. Một cuộc hội ngộ phần nào bi đát: Édith qùy gối dưới chân mẹ và thưa: “Mẹ ơi, con đã theo đạo Công Giáo!” Và lần đầu tiên trong đời, chị Édith thấy mẹ nhỏ lệ. Mặc dù sự đau đớn xảy ra giữa họ, nhưng hai con tim của họ gắng liền nhau. Dù đau đớn, bà mẹ của Édith cảm thấy bất lực trong việc chống cự lại mầu nhiệm của Ân Sủng. Phần chị Édith, vì lòng hiếu để, chị vẫn tiếp tục đi giáo đường Do-Thái Giáo. Sự chìm đắm của chị Édith trong khi cầu nguyện đã khiến thân mẫu của chị có lần thốt lên: “Tôi chưa hề thấy ai cầu nguyện như Édith.”
Sau đó, Édith từ bỏ những hoạt động khoa học và sống ẩn dật nơi các nữ tu ở Spire để dạy học cho các thiếu nữ. Trong tám năm, chị nghiền ngẫm suy tư cho một định hướng. Một linh mục Dòng Tên trẻ tuổi là cha Erich Przywara đã khuyến khích chị dịch tác phẩm “De Veritate” (Về Chân Lý) của Thánh Tôma và những thư từ cùng quyển nhật ký của Đức Hồng Y Newman.
Dần dần Édith nhận thấy rằng khoa học cũng có thể hỗ trợ cho việc truy tầm Thiên Chúa. Tuy nhiên chị cũng rất vất vả trong việc hội nhập với thế giới khái niệm của vị Thánh Tiến Sĩ thiên thần nầy. Kết quả của sự cố gằng đó là dịch phẩm “Truy Tầm Chân Lý”. Trong mọi trường hợp, chức vụ giáo sư rất hấp dẫn chị và cuộc sống kết hợp với Thiên Chúa cũng tăng trưởng. Chị đắm chìm trong lời cầu nguyện.
Vào năm 1928, chị tham dự nghi thức phụng vụ Tuần Thánh ở nơi Đan Viện nổi tiếng Beuron. Đức viện phụ là Dom Raphael Walzer và cũng là vị linh hướng của chị, đã nhận xét như sau: “Thật hiếm khi mà tôi gặp được một linh hồn hội tụ những đức tính cao quý như thế. Chị hoàn toàn là một phụ nữ, với một sự nhạy cảm tinh tế và đầy tính mẫu tử. Chị tỏ ra giản dị với những người giản dị, học thức với những người trí thức, ưu tư với những ai trên đường tìm kiếm.”
Ở Breslau, Édith trở nên trung tâm thu hút của một nhóm trí thức trẻ tuổi - phần lớn là người Do-Thái – đang truy tầm Đức Tin Công Giáo. Nhiều người đã trở lại và xin chị Édith làm mẹ đỡ đầu. Chị sung sướng thấy người chị là Rosa nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy.
Ơn gọi chiêm niệm Cát-Minh
Những tai ương bắt đầu đổ xuống trên nước Đức. Năm 1933 tiên báo những cuộc bắt bớ người Do-Thái sẽ xảy tới. Khi đi qua Cologne, chị viết: “Tôi đã ngỏ lời với Chúa là tôi biết trước từ đây Thánh Giá sẽ đè nặng lên dân tộc Do-Thái. Tôi sẵn sàng dấn thân trên hành trình nầy. Khi giờ kinh phụng vụ chấm dứt, tôi được một sự xác quyết bên trong là tôi đã được nhậm lời. Nhưng tôi chưa biết đoạn đường thánh giá của tôi như thế nào.” Chẳng bao lâu chị đã biết rõ: mọi việc giáo dục đều bị cấm chỉ đối với dân tộc không phải A-ri-an. Việc dạy đại học của chị bị chấm dứt. Phải chăng đó là thời điểm chị đáp lại trọn vẹn niềm khát vọng sống đời chiêm niệm?
Ngày 14-10-1933, lúc được 42 tuổi, chị Édith Stein hoàn tất hành trình tuyệt vời dẫn đưa chị từ trường phái Husserl đến Đan Viện Cát-Minh Cologne. Một đoạn đường mới mở ra, đó là hành trình của Nữ Tu Têrêxa Bênêdicta Thánh Giá. Không quen với công việc lao động chân tay, ngược lại chị có năng khiếu về tình bạn thiêng liêng. Chị đã thích ứng không mấy khó khăn với cuộc sống tu kín và cộng đồng.
Vị Bề Trên Giám Tỉnh Cát-Minh đã xin chị, trong những thời giờ rảnh rỗi, nên tiếp tục công việc nghiên cứu triết học. Vì vậy, do đức vâng lời, chị đã cho ra đời quyển sách “Hữu Hạn và Vô Biên”, một tác phẩm giải thích triết học hiện đại đi từ Descartes đến Heidegger.
Trong mùa hè 1936, thân mẫu chị đã qua đời, được 87 tuổi, vào lúc mà chị tái khấn. Bằng trực giác, chị đã la lên: “Mẹ tôi đang ở gần bên tôi.”
Lúc bấy giờ, sự bắt bớ của Đức Quốc Xã lan rộng. Để tránh những việc trả thù đối với Đan Viện Cologne, chị đã lén lút qua biên giới và tới Đan Viện Cát-Minh Echt, ở Limbourg Hòa-Lan. Chị đã biết sáu thứ tiếng, bây giờ chị học thêm tiếng Hòa-Lan. Tại đây, chị đang viết dở dang tác phẩm “Khoa Học Thánh Giá”.
Nữ tu Têrêxa Bênêdicta bị bắt ngày 2-8-1942 cùng với người chị Rosa là người đã theo chị vào tu Đan Viện Cát-Minh. Mọi việc xảy ra thật nhanh chóng: đầu tiên là trại tập trung Westerbrook, rồi bị đưa lên xe lửa để đến một nơi mà chị không biết. Ngày 9-8-1942, đoàn tàu tới Birkenau, gần Auschwitz. Mọi người đến nơi đều bị đưa vào lò hơi ngạt và bị thêu đốt trong ngày.
Hành Trình Lên Núi Cát-Minh
Với Edith Stein, hình ảnh "Đi Lên" mang một ý nghĩa quan trọng. Tác phẩm chính của chị "Hữu Hạn và Vô Biên " là một nỗ lực "vươn lên" tận cùng ý nghĩa của hữu thể. Còn quyển sách cuối cùng đang viết dở dang “Khoa Học Thánh Giá” cho thấy chị đang nghiên cứu về Thánh Gioan Thánh Giá.
Như được linh cảm về tương lai, Edith Stein đã tận hiến từng phút giây rãnh rỗi cho vị thánh đồng dòng này bởi vì tất cả cuộc đời và học thuyết của vị tiến sĩ Giáo Hội này đều hướng tới hành trình của "Đường Lên Núi Cát Minh", nơi Chúa tỏ mình cho ta gặp gỡ.
Tuy nhiên, chúng ta chớ ngộ nhận. Hình ảnh nấc thang – cái thang hay đỉnh thang thường khiến chúng ta liên tưởng tới công phu điêu luyện, quyết liệt với tất cả nỗ lực của ý chí. Nhưng nỗ lực đó vẫn không phải là yếu tố quyết định! Ngộ nhận này dễ khiến chúng ta biến Thánh Gioan Thánh Giá – nhà thi sĩ huyền nhiệm, khách du ca của Chúa – thành một anh chàng khổ tu sức cùng lực kiệt.
Nói đến Edith Stein, người ta thường ca ngợi đặc tính nhất quán, bất khoan nhượng của chị. Tuy nhiên, không phải lý luận hay ý chí kiên trì đã giúp chị hoàn thành được bản thân nhưng chính là sự nhất quán của một tình yêu đầy xác tín.
Bây giờ ta hãy trở lại với hình ảnh Kinh Thánh: Jacob ngủ và mơ. "Khi mặt trời đi ngủ", tức là trong cảnh đêm đen, Jacob trông thấy các thiên sứ bước lên các nấc thang. Những nấc thang ấy là những cấp độ tăng trưởng trong tiến trình của Jacob. Và những gì Jacob chiêm ngưỡng trong mộng đều đã thành hiện thực.
Đức viện phụ Beuron – tiến sĩ Raphael Walzer – từng làm linh hướng cho chị Edith và cũng là bạn của chị trong nhiều năm trời đã trưng dẫn đoạn Thánh Kinh trên đây khi nói về chị. Theo cái nhìn của ngài, cuộc sống nội tâm của Edith Stein đặc biệt đơn sơ, thâm sâu và trong sáng. Thế giới nội tâm của Edith luôn chuyển động, hệt như cái thang của Jacob, vận hành lên xuống những tư duy, trực giác và ý tưởng, dự định và khát vọng, khác nào những sứ giả lên lên xuống xuống giữa Thiên Chúa và chị.
Cuộc sống bề ngoài cũng phù hợp với thực tế nội tâm của chị Edith. Đời chị là một hành trình đi lên từng bậc. Các giai đoạn đều chuyển tiếp hợp lý, giai đoạn sau phù hợp với giai đoạn trước và chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp ở một nơi chốn mới. Chúng ta hẳn sững sờ khi thấy rằng các quãng đời của chị Edith Stein gắn liền với nhiều nơi chốn: Từ nơi chị cư ngụ và trưởng thành, nơi chị học hành và giảng dạy, nơi chị gặp hạnh phúc và khổ đau - và cuối cùng - con đường dẫn chị trở về NHÀ CHA...
Tin liên quan
- TÌNH YÊU CHÁY BỎNG VÀ THANH TẨY
- CHÚA NHẬT 31 TN - C (Lc 19,1-10): TÌNH THƯƠNG BIẾN ĐỔI
- NỖI SỢ PHẢI RA KHỎI VÙNG AN TOÀN
- CHÚA NHẬT 30 TN (18, 9-14)
- THỨ BẨY SAU CN 29 TN - C (Lc 13,1-9)
- ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II: CON NGƯỜI CỦA CẦU NGUYỆN
- THỨ SÁU SAU CN 29 TN - C (Lc 12,49-53)
- THỨ NĂM, SAU CH 29 TN - C (Lc 12,39-48)
- CẦU NGUYỆN: SỐNG MỘT MỐI TƯƠNG QUAN
- HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN