SUY NIỆM LỜI CHÚA & HẠNH CÁC THÁNH
Niềm vui Tin Mừng - Chúa nhật III Mùa Vọng năm C
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Chúa nhật III Mùa Vọng thường được gọi là Chúa nhật của niềm vui. Lời kêu gọi "hãy vui lên" được lặp đi lặp lại trong các bài đọc. Đây là niềm vui trong Chúa, niềm vui có Chúa. Cuộc sống sẽ vui tươi hạnh phúc khi chúng ta có Chúa trong cuộc đời của mình. “Niềm vui Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và đời sống tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai tiếp nhận đề xuất cứu rỗi của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn sầu, trống rỗng và cô đơn nội tâm. Với Chúa Kitô, niềm vui luôn luôn trổ sinh như mới”. (x.Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng). Đức Thánh Cha Phanxicô luôn luôn thao thức đối với việc sống và rao giảng Tin Mừng. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 01/02/2015, ngài khích lệ các tín hữu hãy có thói quen hàng ngày đọc và suy niệm Lời Chúa để cho Lời Chúa biến đổi tâm hồn, cuộc sống của mình. Ngài mời gọi mọi người dám ra khỏi mình để đem Tin Mừng đến các vùng ngoại biên. Theo ngài, niềm vui chính là vẻ đẹp của Tin Mừng.
Niềm vui Tin Mừng là niềm vui trong Chúa và có Chúa ở giữa chúng ta.
1. Niềm vui trong Chúa
Chủ đề Phụng vụ Chúa nhật III là ‘niềm vui’. Bài đọc 1 và bài đọc 2, mời gọi dân Chúa hãy vui lên. Vui vì Thiên Chúa sắp đến thực hiện ơn cứu độ. Người đến để tha thứ, để hòa giải, để cứu thoát dân khỏi nô lệ tội lỗi và ma quỉ ( Bài đọc 1).Thánh Phaolô khẳng định niềm vui đó là niềm vui trong Chúa : “Anh em hãy vui luôn trong Chúa”. Niềm vui trong Chúa là niềm vui có được từ nơi Thiên Chúa. Hãy vui và vui luôn mãi trong niềm vui của Chúa. Niềm vui này không chỉ là một tình cảm, nhưng phát sinh những hoa trái cụ thể trong cuộc đời: sống hiền hòa rộng rãi với mọi người, không phải lo lắng gì cả, vì có gì thì cứ trình bày với Chúa, lòng trí luôn được bình an.
Niềm vui là nét tiêu biểu của người Kitô hữu, là mong ước của mọi người. Sống ở đời ai cũng mong mình có được niềm vui sống và nỗ lực đi tìm niềm vui. Người Kitô hữu xác tín rằng, niềm vui đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa. Một khi biết mình đã có Chúa thì mọi âu lo buồn phiền sẽ không còn. Càng khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, càng gia tăng niềm vui sống. Càng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống, niềm vui sống càng sâu sắc bền vững. Niềm vui trong Chúa luôn là một niềm vui gia tăng sức mạnh cho tâm hồn trước những nghịch cảnh, đau khổ của kiếp người. Niềm vui trong Chúa cũng là niềm vui biến đổi đau thương thành hạnh phúc. Niềm vui trong Chúa giúp cho mỗi người có nghị lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh. Đức cha Bùi Tuần viết: “Niềm vui cần nhất và quý nhất là niềm vui có Chúa là Tin Mừng trong lòng mình”.
Là con người, ai cũng mơ ước và đi tìm niềm vui sống. Ngày nay, có nhiều người mải miết tìm kiếm những thú vui xác thịt, thú vui thụ hưởng vật chất. Có những niềm vui mà sau đó người ta cảm thấy trống rỗng buồn phiền và chán nản. Có những niềm vui mà sau đó người ta mệt mỏi và thất vọng. Có những niềm vui mà sau đó người ta lo âu hối hận. Còn người Kitô hữu đi tìm niềm vui trong Chúa. Niềm vui này là dấu hiệu của bình an nội tâm, của sự hài lòng, của tự tín, là dấu hiệu cho thấy rằng người ta đang cảm thấy được an toàn, được đón nhận, được yêu mến. Một người Kitô hữu mà sống bi quan chán chường, thất vọng buông xuôi, ấy là dấu hiệu có điều gì đó không ổn về đức tin.
Niềm vui là dấu hiệu của hạnh phúc. Một tâm trạng an vui thường xuyên và sâu xa, niềm an vui không loại trừ gian nan, thử thách và đau khổ. Người Kitô hữu biết mình được thương yêu, được đón nhận và tha thứ. Họ biết mình đang tiến về đâu. Cái gì có thể làm cho họ sợ hãi? Gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, chết chóc chăng? Hay là ma quỉ, hay những sức mạnh vô hình nào chăng? Hay là tội lỗi của ta chăng? Thánh Phaolô trả lời khẳng khái: Không! Tôi không sợ vì không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô được, trái lại trong tất cả những thử thách ấy, tôi toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến tôi (x.Rm 8,35-38).
2. Niềm vui hoán cải
Để có được niềm vui trong Chúa, điều căn bản là phải tin tưởng gắn bó cuộc đời với Chúa, phải thực lòng yêu mến Người. Chính niềm tin và tình yêu dành cho Thiên Chúa thúc đẩy con người hoán cải khi lầm lỗi.
Bài Tin Mừng hôm nay kể câu chuyện hoán cải tuyệt vời. Sau khi nghe lời kêu gọi sám hối của Gioan Tẩy Giả, nhiều người tỏ vẻ phục thiện, sẵn sàng cải đổi nếp sống sai lạc của mình. Phải làm gì để hoán cải. Phải làm gì để có hạnh phúc, có niềm vui ?
Nhiều người đến xin Gioan những lời khuyên thiết thực: "Chúng tôi phải làm gì đây?". Tùy từng người mà Gioan khuyên bảo:
- Đối với dân chúng: “Ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn cũng hãy làm như vậy”.
- Đối với người thu thuế: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”.
- Đối với các quân nhân: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.
Gioan không có ý khuyên người ta phải bỏ việc đang làm nhưng ngài dạy họ phải làm việc thật tốt đúng với bổn phận đã được lãnh nhận, không những họ phải trở thành người biết yêu thương mà còn phải trở nên những người đáng mến và dễ thương.Câu trả lời của Gioan cho mỗi hạng người có một hành động khác nhau, nhưng tựu trung đều nhắm tới việc hoán cải. Ơn hoán cải hướng đến đời sống bác ái, công bằng với người khác. Ơn hoán cải mang lại niềm vui biết trao ban.
Có một cuộc đối thoại độc đáo giữa một người Tân tòng và một người chưa có niềm tin như sau:
- Anh đã theo đạo Công giáo rồi sao?
- Vâng, nói đúng hơn là tôi theo Đức Kitô.
- Vậy xin hỏi anh, Ông Giêsu sinh ra ở quốc gia nào?- Rất tiếc là tôi quên mất chi tiết này.
- Thế khi chết ông ta được bao nhiêu tuổi?
- Tôi cũng nhớ không rõ nên chẳng dám nói.
- Vậy ông ta đã thuyết giảng bao nhiêu bài?-
Tôi không biết.
- Quả thật anh biết quá ít, quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã theo đạo.
Anh nói đúng một phần. Tôi rất hổ thẹn vì mình đã biết quá ít về Đức Kitô. Thế nhưng điều mà tôi biết rất rõ là thế này: Ba năm trước tôi là một người nghiện rượu sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ, gia đình tôi xuống dốc trầm trọng, bao nhiêu của cải tôi đều nướng vào các cuộc men say tuý luý. Mỗi tối, khi trở về nhà, vợ con tôi đều tức giận, buồn tủi và xấu hổ.Thế mà bây giờ tôi đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc. Vợ tôi, các con tôi ngóng trông và vui mừng đón đợi tôi sau khi tôi đi làm về. Những điều này, không ai khác hơn chính là Đức Kitô đã làm cho tôi và đó là tất cả những gì tôi biết về Người.
Niềm vui Thiên Chúa ban chỉ dành cho những ai đón nhận được ơn đổi đời. Từ một người hẹp hòi ích kỷ trở thành người quảng đại dấn thân, biết sống bác ái yêu thương mọi người. Từ một người lạm dụng quyền hành hà hiếp bạo lực trở nên người dễ mến đáng yêu, được mọi người kính trọng. Từ người cơ hội, tham lam thủ đoạn chiếm đoạt của cải người khác khiến họ phải oán giận nguyền rủa trở thành người biết sống công bằng. Ơn hoán cải và niềm vui được biến đổi sẽ là khởi đầu để người ta đón nhận ơn cứu độ.
3. Niềm vui Tin Mừng.
"Tin Mừng có nghĩa là tin mang đến niềm vui.Tin Mừng luôn là một lời mời gọi con người sống vui tươi. Tin Mừng là một lời xác nhận cao cả cho giá trị của thế giới và giá trị của con người. Bởi vì Tin Mừng là chính sự mạc khải sự thật về Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn mạch nguyên thủy của niềm vui và hy vọng cho con người” (x.Bước qua ngưỡng cửa hy vọng). Tin vào Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta luôn có niềm vui và hạnh phúc.
Niềm vui Tin Mừng đến từ nội tâm. Mỗi ngày, người tín hữu tìm được niềm vui khi đến Nhà thờ, khi đi tham dự thánh lễ: “Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: ta hãy đi đến nhà Đức Chúa” (Tv 122,1).
Niềm vui Tin Mừng vì được sống trong lòng Giáo Hội. Giáo Hội như người mẹ, ôm ấp và chở che mọi người, đón nhận và đỡ nâng tất cả : “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống sum vầy bên nhau” (Tv 133,1).
Niềm vui Tin Mừng nhờ sống phó thác vào Chúa. Còn gì phải lo lắng nếu chúng ta có Chúa dẫn đường? Còn gì phải sợ hãi nếu chúng ta có Chúa là Đấng che chở? Niềm phó thác nơi Chúa sẽ giúp chúng ta tự tin hơn trong cuộc sống “Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào. Lời Chúa trở thành hoan lạc cho con, thành niềm vui của lòng con, vì con được mang danh Ngài” (Gr 15, 16).
Niềm vui Tin Mừng đối với người tín hữu là sự bình an của một trẻ thơ trong vòng tay mẹ: “Như trẻ thơ nếp mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2).
Niềm vui Tin Mừng là được sống kết hợp mật thiết với Đức Kitô. Thánh Phaolô nhấn mạnh đến cách sống hiền hòa rộng rãi, yêu thương và sẵn sàng tha thứ. Để thực hiện được điều này, ngài tha thiết mời gọi phải khiêm nhường cầu khẩn và tạ ơn. Có như thế, bình an của Thiên Chúa mới giữ cho lòng trí của chúng ta được kết hợp với Đức Giêsu Kitô được.
Niềm vui Tin Mừng là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11, 25-26 ; Lc 10, 21).
Niềm vui Tin Mừng còn là chia sẽ trao ban.Niềm vui được nhân lên khi chia sẽ. Đi từ trái tim đến trái tim, hoa trái của bác ái thật là dịu ngọt đối với cả người cho lẫn người nhận. Hoa trái dịu ngọt chính là hạnh phúc.Hạnh phúc là niềm vui. Khi người ta vui thì hạnh phúc. Khi người ta hạnh phúc thì người ta vui. Rất đơn sơ, thật dễ hiểu. Hạnh phúc là niềm vui của mỗi người và mọi người trong gia đình chung sống với nhau. Những niềm vui làm thành cuộc đời. Niềm vui làm cho mỗi tâm hồn trở nên ấm cúng.
Niềm vui chỉ thực sự có khi có tình yêu. Khi không có tình yêu thì không có niềm vui thực sự. Và đặc biệt khi được tình yêu của Thiên Chúa tiếp sức, con người ta lúc nào cũng có thể rạng rỡ tươi cười, mặc dù có khó khăn mặc dù có đau khổ, gương mặt luôn biểu lộ hạnh phúc bởi vì lúc nào trái tim cũng dào dạt yêu thương.
Niềm vui Tin Mừng không phải là niềm vui của những thành công, của những thanh thế, của những hoạt động. Càng không phải là niềm vui do có nhiều phương tiện vật chất và được nâng đỡ của xã hội. Niềm vui Tin Mừng là có trong lòng mình chính Chúa Giêsu khiêm nhường tự hạ và yêu thương để cứu chuộc loài người. Niềm vui Tin Mừng ấy là động lực chính khiến chúng ta can đảm làm chứng cho Chúa qua chính con người và cuộc sống của chúng ta. Con người chúng ta sẽ là con người hiền lành khiêm nhường đầy yêu thương tự hạ. Cuộc sống của chúng ta sẽ là cuộc sống hy sinh, phấn đấu, để được phục vụ như Chúa Hài nhi Giêsu và như Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá.
Lễ Giáng Sinh, lễ tình yêu nhập thể đang đến gần. Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui được thức tỉnh, sám hối và hoán cải để canh tân đời sống. Đó là niềm vui trong nội tâm và diễn tả qua đời sống luôn chu toàn bổn phận hằng ngày của mình, yêu thương phục vụ mọi người.
Tin liên quan
- TÌNH YÊU CHÁY BỎNG VÀ THANH TẨY
- CHÚA NHẬT 31 TN - C (Lc 19,1-10): TÌNH THƯƠNG BIẾN ĐỔI
- NỖI SỢ PHẢI RA KHỎI VÙNG AN TOÀN
- CHÚA NHẬT 30 TN (18, 9-14)
- THỨ BẨY SAU CN 29 TN - C (Lc 13,1-9)
- ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II: CON NGƯỜI CỦA CẦU NGUYỆN
- THỨ SÁU SAU CN 29 TN - C (Lc 12,49-53)
- THỨ NĂM, SAU CH 29 TN - C (Lc 12,39-48)
- CẦU NGUYỆN: SỐNG MỘT MỐI TƯƠNG QUAN
- HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN