SUY NIỆM LỜI CHÚA & HẠNH CÁC THÁNH

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XVII thường niên năm C

Cầu nguyện – mối tương quan thân tình Cha-con với Thiên Chúa, hay nói cách bình dân, đây là một cuộc trò chuyện của mỗi chúng ta, là con, với Thiên Chúa, là Cha của ta.

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN C
St 18,20-32; Col 2,12-14; Lc 11,1-13


CẦU NGUYỆN – MỐI TƯƠNG QUAN THÂN TÌNH CHA CON
“Khi các con cầu nguyện, hãy nói: Lạy Cha,…” (Lc 11,2)


I. CÁC BÀI ĐỌC


1. Bài đọc I – St 18,20-32


Đây là một mẩu đối thoại thật dài diễn ra giữa Đức Chúa (YHWH) và ông Abraham xoay quanh quyết định trừng phạt dân thành Sôđôma và Gômôra. Qua mẩu đối thoại đầy mầu sắc văn chương ‘nhân hình’ này, tác giả sách Sáng thế như muốn trình bày mối tương quan thật gần gũi và thân tình giữa Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa với Abraham, thụ tạo của Ngài. Mối tương quan thân tình này được mô tả thật độc đáo qua cuộc ‘ngả giá’ có một không hai trong lịch sử cứu độ giữa một con người với một Thiên Chúa.

 

Nội dung cuộc ‘ngả giá’ ấy làm nổi bật lên vai trò hết sức quan trọng của những người công chính, vốn có khả năng quyết định đến sự sống còn của cả thành. Từ lời đề nghị ban đầu với ‘năm mươi người công chính’ của Abraham; để đến cuối cùng, Thiên Chúa đã nhượng bộ ông với ‘mười người công chính.’

 

Tác giả sách Sáng thế đã không cho biết Abraham có tìm đủ con số người công chính mà ông đã ‘đặt cược’ với Chúa không, nhưng sau đó lại mô tả ‘một trận mưa diêm sinh và lửa từ trời xuống’ hủy diệt không chỉ hai thành này mà ‘cả vùng, cùng với toàn thể dân cư các thành ấy và cây cỏ trên đất.’ (St 19,25)

 

2. Bài đọc II – 2,12-14


Cái giá phải trả cho tội lỗi là sự hủy diệt, là sự chết như trường hợp của cư dân thành Sôđôma và Gômôra. Còn theo Thánh Phaolô, tội lỗi cũng dẫn con người tới cái chết, nhưng sau khi ‘được chôn táng làm một với Đức Kitô’ nhờ phép rửa tội, chúng ta được sống lại với Người. Và điều kỳ diệu này chỉ xảy ra khi nó được đặt nền trên niềm tin của chúng ta vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đã cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại.

 

Chính nhờ cái chết của Đức Kitô, Thiên Chúa đã ân xá mọi tội lỗi mà vì đó chúng ta đáng bị kết án, Ngài cũng hủy bỏ văn tự bất lợi cho chúng ta khi đóng đinh nó vào thập giá.

 

3. Bài Phúc âm – Lc 11,1-13


Trước lời nài xin của các môn đệ, Chúa Giêsu đã dạy các ông cầu nguyện khi đưa ra một ‘công thức’ như muốn gói ghém trong đó mọi nhu cầu chính đáng nhất cho đời sống của một người môn đệ. Nhưng vượt lên trên mọi nội dung được trình bày trong đó, Chúa Giêsu muốn chỉ ra điều quan trọng nền tảng cho việc cầu nguyện, đó là cần thiết lập mối tương quan giữa mỗi người với Thiên Chúa.

 

Khi nói với Thiên Chúa: ‘Lạy Cha…’ thì ngay lúc ấy, mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa đã được thiết lập. Tự bản chất đây là mối tương quan siêu việt giữa một bên là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và bên kia là con người, thụ tạo của Ngài; nhưng trong thực tế, lời nói ‘Lạy Cha…’ lại tạo nên mối tương quan Cha-con thật thân tình giữa con người với Thiên Chúa. Và khi nào mối tương quan này bị cắt đứt, tất cả những kêu cầu sau đó chỉ mang tính máy móc, sáo rỗng và nặng hình thức vì không còn tâm tình.

 

II. GỢI Ý MỤC VỤ


1. “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,9): nếu đã có một Thiên Chúa thật siêu việt, thật ‘xa vời’ thì cũng có một Thiên Chúa thật thân quen, thật gần gũi, đến độ chúng ta có thể trò chuyện với Ngài ở bất cứ đâu hay bất kỳ lúc nào. Mỗi chúng ta đã có thói quen trò chuyện với Chúa mỗi ngày về mọi nỗi vui buồn trong cuộc sống đức tin của chúng ta chưa?

 

2. Nội dung của kinh Lạy Cha theo thánh Luca gồm năm lời cầu: 1. Danh Cha cả sáng; 2. Nước Cha trị đến; 3. Lương thực của chúng con hằng ngày; 4. Tha nợ chúng con; 5. Chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Hai lời cầu đầu tiên (1 và 2) liên quan đến chính Thiên Chúa, hai lời cầu sau cùng (4 và 5) liên quan đến đời sống đức tin của con người. Lời cầu thứ ba không chỉ nhắm đến những nhu cầu vật chất nhưng muốn gồm tóm tất cả mọi nhu cầu của con người. Mỗi khi cầu nguyện, chúng ta có thường để ý tới những nhu cầu có liên quan tới Thiên Chúa cũng như những nhu cầu đời sống đức tin của ta chưa?

 

3. Cầu nguyện – mối tương quan thân tình Cha-con với Thiên Chúa, hay nói cách bình dân, đây là một cuộc trò chuyện của mỗi chúng ta, là con, với Thiên Chúa, là Cha của ta. Cuộc trò chuyện với Chúa ấy không đơn giản chỉ giới hạn trong một danh sách của những lời cầu xin… nhưng còn là trình bầy những ưu tư, trăn trở, những niềm vui, nỗi buồn, những toan tính cho tương lai… và nhất là cả những giây phút biết tĩnh lặng để lắng nghe Chúa nói.

 

III. LỜI NGUYỆN CHUNG


Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải cầu nguyện kiên trì, vì cầu nguyện là phương thế giúp ta duy trì tương quan thân tình Cha-con với Thiên Chúa. Xác tín vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa là Cha, chúng ta hãy thành tâm dâng lời cầu xin:

 

1. Một môn đệ thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần Hội Thánh luôn ý thức giá trị của việc cầu nguyện, trong khi thực thi sứ mạng làm vinh danh Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay.

 

2. “Xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến.” Chúng ta cùng cầu xin cho lời rao giảng của Hội Thánh được nhiều người đón nhận và thực thi, để Danh Chúa được cả sáng và ý Chúa ngày càng được thể hiện trong mọi môi trường xã hội.

 

3. “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu luôn xác tín và siêng năng chạy đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh với tất cả lòng tin tưởng phó thác, để được Chúa ủi an nâng đỡ cả xác hồn.

 

4. “Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tận tụy thi hành thánh ý Chúa với tâm tình của người con thảo.

 

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha hằng yêu thương chăm sóc chúng con, xin thương nhận những ước nguyện của chúng con dâng lên Chúa, và ban ơn trợ giúp để chúng con biết sống ngày càng xứng đáng hơn với tư cách là con cái Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 

(Nguồn: WGPSG)