SUY NIỆM LỜI CHÚA & HẠNH CÁC THÁNH

Thiên Chúa là Chúa của mọi người, yêu thương mọi người.

Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

 

Lời Chúa

 

21 Khi ấy, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, 22 thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: "Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!" 23 Nhưng Người không đáp lại một lời.


Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: "Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!" 24 Người đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi." 25 Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!" 26 Người đáp: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con." 27 Bà ấy nói: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống." 28 Bấy giờ Đức Giê-su đáp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy." Từ giờ đó, con gái bà được khỏi bệnh.


"Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!" (Mt 15,22)


 

I. Dẫn vào Thánh lễ


 

Anh chị em thân mến 


Trong khi chúng ta đang tập họp nhau trong nhà thờ này để thờ phượng Chúa, thì có nhiều người khác, tuy cũng là kitô hữu, không có mặt; và còn biết bao anh chị em người lương chưa biết Chúa.


 

Thiên Chúa là Cha của hết mọi người, yêu thương hết mọi người và muốn ban ơn cứu độ cho hết mọi người.


 

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các kitô hữu nguội lạnh trở về với tình thương của Chúa, và cho anh chị em người lương có dịp cảm nếm tình thương của Chúa.


 

II. Gợi ý sám hối


 

  • Chúng ta có thành kiến coi thường những người ngoài tôn giáo của chúng ta.
  • Chúng ta không quan tâm giới thiệu Chúa cho lương dân.
  • Nhiều khi cuộc sống của chúng ta còn thua kém người lương nữa.

 


III. Lời Chúa


 

1. Bài đọc I (Is 56,1.6-7)


 

Phần thứ ba của sách Isaia gồm các chương 56-66, được gọi là Ðệ Tam Isaia. Phần này được viết sau khi dân Israel thoát ách lưu đày Babylon, hồi hương về thánh địa.


 

Ðoạn được trích đọc hôm nay mở đầu phần này. Ðại ý: Thiên Chúa đã đưa dân Ngài hồi hương từ chốn lưu đày. Ngài muốn mở rộng dân này, để không chỉ có người Israel mà có cả lương dân nữa, vì "nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc".


 

2. Ðáp ca (Tv 66)


 

Ðây là một Thánh vịnh tạ ơn. Nhưng lời tạ ơn này đặc biệt do hai điểm:


 

  • Tác giả kêu mời các "dân ngoại" cùng hợp tiếng với mình mà tạ ơn Chúa: "Chư dân hãy ca tụng Ngài"
  • Tác giả cầu xin Chúa tỏ mình ra cho mọi dân tộc trên địa cầu nhìn biết Ngài.

 


3. Tin Mừng (Mt 15,21-28)


 

Câu chuyện xảy ra ở miền Tyrô và Siđon, tức là ngoài lãnh thổ Palestina. Nên nhắc lại là dân Israel nghĩ rằng Thiên Chúa là Chúa của riêng họ, Ngài không ban ơn cho dân ngoại. Người phụ nữ trong chuyện là một người ngoại. Chắc bà cũng chia sẻ quan niệm trên. Vì thế khi đến với Ðức Giêsu, bà rất khiêm tốn, tự nhận mình là "chó con" và chỉ dám xin ăn những vụn bánh thừa từ bàn ăn của con cái trong nhà rớt xuống.


 

Nhưng Ðức Giêsu, sau khi làm ra vẻ lạnh nhạt để thử đức tin của bà, đã phải nhìn nhận bà có đức tin rất mạnh. Và chính vì có đức tin cho nên bà được kể là con cháu của Abraham và do đó đáng được Ðức Giêsu ban ơn.


 

Qua chuyện này, Ðức Giêsu cho thấy: con cháu đích thực của Abraham -mà cũng là dân Thiên Chúa đích thực - không phải là những người cùng huyết thống với Abraham, nhưng là những người có đức tin như Abraham, kẻ được gọi là "Cha của những người tin".


 

4. Bài đọc II (Rm 11,13-15.29-32) 


 

Thánh Phaolô nói với những tín hữu Rôma vốn trước kia là lương dân nay đã tin vào Ðức Kitô:


 

  • Tôi là tông đồ dân ngoại
  • Do việc đi rao giảng cho dân ngoại, nếu Phaolô có làm cho đồng bào Do Thái của ông phải phân bì, thì ông cũng chấp nhận, miễn là dân ngoại cũng được cứu độ.

 


IV. Gợi ý giảng

 


1. Tin và yêu

 


Vào tháng 12 năm 1987 một cơn động đất lớn đã xảy ra ở xứ Armênia thuộc Liên Xô cũ giết chết hằng ngàn người. Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có hai mẹ con bà Suzanna. Hai mẹ con may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hủ mứt nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó đứa con 4 tuổi kêu lên: "Mẹ ơi con khát quá". Bà Suzanna không biết tìm đâu ra nước cho con. Nhưng tình mẫu tử đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo: bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng đứa con cho nó mút. Một lúc sau nữa nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa. Cứ như thế cho đến cuối cùng người ta cứu hai mẹ con ra. Sau khi ra ngoài, bà mẹ cho biết rằng: "Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết. Nhưng tôi muốn con tôi sống"

 


Bà mẹ Canaan trong bài Tin Mừng hôm nay cũng giống Bà mẹ Armenia trong chuyện trên. Vì thương đứa con gái bị quỷ ám, bà đã lặn lội đi tìm Ðức Giêsu, nài nỉ van xin Ngài, bị xua đuổi bà vẫn kiên trì, bị Ðức Giêsu nói nặng là "đồ chó", bà vẫn không nản.

 


Những sự kiên trì và khiêm tốn ấy chẳng những chứng tỏ một tình yêu mãnh liệt mà còn chứng tỏ một đức tin không gì lay chuyển nổi. Chính Ðức Giêsu đã đánh giá sự kiên trì của bà là một bằng chứng đức tin: "Này bà, bà có lòng tin mạnh. Bà muốn sao thì được như vậy".

 


Tin và Yêu đi đôi với nhau ban cho người ta một sức mạnh vô địch giúp người ta can đảm, kiên trì và khiêm tốn.

 


2. Ðức tin của một người phụ nữ ngoại

 


Người phụ nữ Canaan, tuy biết rằng những người Do Thái mà bà đang khẩn cầu này nhìn bà cách kinh tởm, vẫn cứ nài nỉ dai dẳng. Các môn đệ, những người rất tôn trọng truyền thống, gợi ý với Thầy mình: Xin Thầy làm phép lạ cho bà ấy đi, để chúng ta được yên.

 


Ðây là cuộc gặp gỡ do Chúa Quan Phòng xếp đặt. Vì lòng kiên trì của người phụ nữ sẽ thắng thái độ thinh lặng "theo luật" của Ðức Giêsu. Nào Người sẽ giữ thái độ khép kín trong bốn bức tường định kiến của dân tộc Người chăng? Nhưng vị tiên tri Nadarét đã phản ứng cách bất ngờ và gây sốc biết bao. Bằng chỉ một lời, Ðức Giêsu đã quét sạch mọi cấm kỵ, mọi luật lệ, mọi quy ước do những con người nhỏ nhen tạo ra, và bắt đầu một cuộc đổi đời mà sẽ trở thành cuộc hiệp thông giữa mọi người.

 


Ðứng trước nhóm biệt phái tức tối và nhóm môn đệ bàng hoàng, Ðức Giêsu đã trân trọng lời của một phụ nữ, trân trọng đức tin của một người ngoại đạo, thái độ ấy chứng tỏ cho mọi người thấy tâm hồn cao thượng và lòng tin tưởng sâu xa của bà. Bà nhận được phép lạ như lòng mong ước, đồng thời nhận được tình bạn của vị tôn sư, điều mà bà không dám nghĩ tới.

 


Giờ đây, người "dơ" trở nên mẫu mực cho người "sạch". Người mà đáng lẽ phải bị ruồng bỏ giờ đây được đón tiếp, người đáng lẽ bị nguyền rủa giờ đây được chúc mừng. Người phụ nữ Canaan bị các môn đệ khinh bỉ, giờ đây được sư phụ của họ tôn vinh. Người khách lạ trở nên người thân thuộc, và "con chó nhỏ" được ngồi vào bàn ăn của Chúa, sát bên Người.

 


Chúng ta cũng có những phụ nữ Canaan, những con chó nhỏ. Tinh thần Ghetto (pháo đài) về giai cấp, địa vị luôn rình rập ta. Tính tự cao tự đại khiến ta nghi kỵ ra mặt, khinh bỉ người khác không giấu diếm, hoặc kiêu căng nghĩ mình là trên hết. Nhưng nhiều khi những "con chó nhỏ" giúp ta nhảy qua rào cản của bè phái để mở ra đón nhận sự phong phú từ người khác, và mở ra đón nhận tình huynh đệ toàn cầu. Ðâu là những "người khách lạ" khi chúng ta tham dự tiệc Thánh Thể? (F. Declos, được trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 262-263)

 


3. Còn hơn là truyền giáo

 


Giáo huấn Chúa nhựt hôm nay có vẻ như mời gọi chúng ta truyền giáo, đem Tin Mừng của Chúa đến những anh em lương dân.

 


Thực ra nó còn hơn là truyền giáo nữa. Vì khi truyền giáo, chúng ta muốn dẫn người khác vào đạo của chúng ta. Ðối với những người nào mà ta thấy không có hy vọng đem vào đạo thì chúng ta "dừng bước".

 


Giáo huấn hôm nay không "dừng bước" trước bất cứ người nào, cho dù họ nhất định không theo đạo Chúa, cho dù họ còn không cảm tình với đạo Chúa. Cho dù họ thế nào đi nữa, ta vẫn xác tín rằng Chúa cũng thương yêu họ như thương yêu chúng ta. Từ niềm xác tín ấy, chúng ta không loại trừ họ, không khinh bỉ họ, không coi họ là "người khác hệ". Trái lại chúng ta tôn trọng: tôn trọng suy nghĩ của họ, tôn trọng chọn lựa của họ. Chúng ta cũng yêu thương: yêu thương họ như Chúa yêu thương họ.

 


4. Chuyện minh họa

 


a/ Tôn giáo nào có Chúa?

 

Ngày nọ, Chúa và tôi đến một hội chợ, không phải hội chợ thương mại, mà là Hội chợ Tôn giáo. Nhưngnhững người tham dự luôn tỏ ra hung bạo và tuyên truyền ầm ĩ.


 

Tại quầy hàng của người Do thái, chúng tôi nhận được những tờ quảng cáo nói rằng Chúa là Ðấng thương xót và dân Do thái là dân được Ngài tuyển chọn. Ngoài những người Do thái, không ai khác được chọn như họ.


 

Tại quầy hàng của người Hồi giáo, chúng tôi học biết rằng Chúa đầy lòng khoan dung và Mohammed là ngôn sứ duy nhất của Ngài. Sự cứu độ đến nhờ việc nghe ngôn sứ duy nhất của Chúa.


 

Tại quầy hàng của người Kitô giáo, chúng tôi khám phá ra Chúa là tình yêu và không có sự cứu độ ở ngoài giáo hội. Hoặc gia nhập giáo hội hoặc phải chịu kết án đời đời.

 


Trên đường trở ra, tôi hỏi Chúa: "Ngài nghĩ gì về những điều nói về Chúa?"

 


Chúa nói: "Ta không tổ chức hội chợ đó. Ta thấy xấu hổ ngay cả khi đến thăm nó".

 


b/ Các tôn giáo

 


Chúa Giêsu nói rằng Ngài chưa bao giờ xem bóng đá. Vì thế, bạn tôi và tôi dẫn Ngài đi xem một trận. Ðó là trận đấu gay cấn giữa những người Tin lành và những người Công giáo.

 


Người Công giáo ghi bàn thắng trước. Chúa Giêsu reo hò và tung mũ lên. Rồi đến người Tin lành ghi bàn thắng, Chúa Giêsu cũng reo hò và tung mũ. Ðiều này gây khó chịu cho anh thanh niên ngồi sau chúng tôi. Anh vỗ nhẹ lên vai Chúa Giêsu và hỏi: "Này anh bạn tốt, anh ủng hộ bên nào?"

 


Lúc này Chúa Giêsu thấy hứng thú vì trận đấu, Ngài trả lời: "Tôi hả? Ồ, Tôi không đứng về bên nào. Tôi chỉ thưởng thức trận đấu".

 


Anh quay sang người bạn bên cạnh, nhếch mép cười: "Hừ, kẻ vô thần".

 


Trên đường trở về, chúng tôi cho Chúa Giêsu biết về tình trạng các tôn giáo trên thế giới ngày nay: "Chúa ạ, thật buồn cười về những người trong các tôn giáo. Dường như họ luôn nghĩ rằng Chúa chỉ đứng về phía họ và chống lại những người khác".

 


Chúa Giêsu đồng ý: "Ðó là lý do tại sao Ta không ủng hộ các tôn giáo. Ta ủng hộ con người. Con người quan trọng hơn tôn giáo. Con người quan trọng hơn ngày Sabát".

 


Một người trong chúng tôi nói với vẻ lo lắng: "Ngài phải thận trọng. Ngài phải biết là đã một lần Ngài bị đóng đinh vì nói như thế".

 


5. Một lời cầu nguyện của dân Ai-len

 

Chúa tốt lành với bạn trong suốt mọi ngày


Chúa nhân ái với bạn trên mọi nẻo đường 


Chúa ban sức mạnh cho bạn lúc thánh giá đè nặng trên vai.


Chúa gửi ánh sáng cho bạn lúc mây mù vây phủ


Chúa ban bình an trong những cơn xung đột


Chúa chúc phúc cho đời bạn chan chứa ơn lành


Chúa gửi niềm vui trong những lúc ưu phiền


Chúa dẫn đường bạn đến tận cửa thiên đường (Brian O' Higgins)


 

V. Lời nguyện cho mọi người 


 

Chủ tế: Anh chị em thân mến 


Thiên Chúa là Chúa của mọi người, mọi dân tộc. Ngài yêu thương tất cả và muốn cứu độ tất cả. Chúng ta cùng dâng lời cầu xin Chúa.


 

1. Hội Thánh là ánh sáng của muôn dân, Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa giúp Hội Thánh biết cách giới thiệu hình ảnh Thiên Chúa yêu thương cho tất cả mọi người trong thế giới hôm nay.


 

2. Trên thế giới, có nhiều nơi đang xảy ra chiến tranh, nhiều nơi nghèo túng khốn khổ. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các nhà lãnh đạo những nơi ấy tìm ra những biện pháp hữu hiệu để tái lập hòa bình và giúp dân mình được no cơm ấm áo.


 

3. Ðất nước chúng ta có nhiều tôn giáo và nhiều người không tôn giáo nào cả. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người đối xử với nhau trong tinh thần tôn trọng và yêu thương.


 

4. Do thành kiến đạo mình là tốt nhất, nhiều kitô hữu có thái độ khinh miệt những người khác không cùng tín ngưỡng, khiến cho hình ảnh của Thiên Chúa và của Hội Thánh trở thành méo mó xấu xa trước mặt người khác. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta sống hòa thuận, tôn trọng và tương thân tương ái với hết mọi người trong phạm vi giáo xứ của mình.


 

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Ðấng cho mặt trời chiếu sáng trên kẻ lành người dữ, cho mặt trời mọc lên trên tất cả mọi người. Xin ban cho chúng con tấm lòng quảng đại bao la của Chúa, để chúng con có thể tôn trọng và yêu thương hết mọi người như Chúa đã yêu thương. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.


 

VI. Trong Thánh Lễ


 

  • Kinh Tiền Tụng: Nên đọc Kinh Tiền tụng Chúa Nhật thường niên III, nói tới ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
  • Trước kinh Lạy Cha: Trong lời kinh Lạy Cha hôm nay, chúng ta đặc biệt cầu xin cho "Nước Cha trị đến" nơi tâm hồn tất cả mọi người và mọi dân tộc trên khắp thế giới.

 

VII. Giải tán


 

Tuần này, khi gặp gỡ những người khác tôn giáo, những người chưa biết Chúa, chúng ta hãy đối xử tôn trọng và yêu thương họ như Chúa yêu thương.


(Nguồn: WGPSG)