TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM
Bài giảng lễ bế mạc Hội nghị HĐGMVN 2.2018: Đường thánh giá mở ra đường hy vọng
Gm. Giuse Võ Đức Minh giảng lễ
Đón nhận đức tin Công giáo, các ngài trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, đi vào con đường của mầu nhiệm Thánh Giá
Trải dài bề dày lịch sử trên 400 năm, Tin mừng của Chúa đã được loan báo trên Quê hương Việt Nam yêu quý. Thánh giá cứu độ của Chúa trở nên dấu chỉ hữu hình cho các tín hữu tại các vùng đất Bắc-Trung-Nam của Tổ quốc Việt Nam. Theo sử liệu, trên 130.000 tín hữu của Chúa là các Bậc Tổ tiên, Cha Ông của chúng ta đã hy sinh vì chính đạo. Trong số đó, 117 vị đã được Hội Thánh tuyên phong là Hiển thánh và một vị là Á thánh. Làm sao chúng ta quên được ngày diễm phúc của Giáo hội Việt Nam, ngày 19 tháng 6 năm 1988, ba mươi năm về trước, khi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Roma, đã tôn vinh các Ngài lên đài vinh quang trong hàng ngũ các thánh. Hôm đó, trong bài giảng lễ, Đức Thánh Giáo Hoàng đã ban lời nhắn nhủ: “Hỡi các Kitô hữu Việt Nam, chúng tôi có thể nói rằng máu các Thánh Tử đạo là cho anh chị em, là nguồn ân sủng để tăng trưởng đức tin. Nơi anh chị em, đức tin của Cha Ông chúng ta tiếp tục được thông truyền cho những thế hệ mới. Đức tin này là nền tảng giúp cho anh chị em, vừa trung thành với Quê hương Việt Nam, vừa tiếp tục là những môn đệ đích thực của Đức Kitô”.
Và kể từ ngày lịch sử đó, tại các Nhà thờ, Nhà nguyện và trong tâm hồn của mọi tín hữu Công giáo Việt Nam, đã vang lên lời kinh thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với các Bậc Tổ tiên Tử đạo, đồng thời hàm chứa ý nguyện cầu cho Tổ quốc Dân tộc của mình được “Quốc thái Dân an, Thái bình thịnh vượng”; vì máu các Thánh Tử đạo đổ ra, không phải chỉ để trổ sinh các tín hữu của Chúa, mà còn liên lỉ khẩn cầu cùng Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, khấng ban muôn phúc lộc trên Quê hương Dân tộc yêu quý của mình.
Hôm nay, các giám mục là những đấng kế vị các Thánh Tông đồ, môn đệ của Chúa, nhân cuộc hội nghị thường niên, cùng với mọi thành phần Dân Chúa, quy tụ nơi linh địa Ba Giồng, thuộc Giáo phận Mỹ Tho, để làm cuộc hành hương trong Năm Thánh nhằm tôn vinh, tưởng niệm và tri ân các Thánh Tử đạo Việt Nam. Linh địa Ba Giồng này còn ghi dấu ấn của sự hiện diện Thánh giá Chúa ngay từ những năm 1663 – 1664; đồng thời cũng là phần đất thấm đẩm máu đào của 27 chứng nhân đức tin, cùng với vị chủ chăn đáng kính là Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu, Cha sở Ba Giồng và Thánh Philipphê Phan Văn Minh, người đã được Đức cha Taberd đón nhận vào hàng ngủ chủng sinh, hướng tới chức thánh linh mục, ngay tại phần đất Ba Giồng nầy. Vì thế, trong cuộc hành hương Năm Thánh, linh địa Ba Giồng ngày hôm nay trở nên như tiêu biểu cho các Trung tâm hành hương kính các Thánh Tử đạo Việt Nam trong cả Nước. Chúng ta hãy tưởng nhớ lại cuộc hành trình của các thế hệ tổ tiên tiền bối đón nhận đức tin Công giáo, trở nên môn đệ của Chúa, hiên ngang đi vào con đường của mầu nhiệm thánh giá: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thánh giá mình mà theo” (Mc. 8, 34), để trở nên: “Chính các con là ánh sáng cho trần gian” (Mt. 5,14). Vì thế, Thánh giá là dấu chỉ người môn đệ của Chúa Giêsu và đường thánh giá chính là con đường Chúa đã mở ra cho người môn đệ.
Tin tưởng và trung thành với con đường thánh giá, các ngài trở nên môn đệ đồng hình đồng dạng với Thầy của mình
Trước tiên, tử đạo có nghĩa là làm chứng, làm chứng bằng cách chấp nhận chết hoặc đổ máu mình ra để khẳng định niềm tin vào Thiên Chúa, tiếp nối hành động của chính Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Cái chết để làm chứng triệt để như thế đuợc đồng hoá với “của lễ toàn thiêu” như Sách Khôn ngoan trong bài đọc 1 nói với chúng ta (x. Kn 3, 6). Theo tác giả Thư Do Thái, khi Đức Kitô đổ máu mình ra trên Thánh Giá, là lúc Người “tự hiến tế làm lễ vật vô tì tích cho Thiên Chúa, nhờ Thần Khí vĩnh cửu thúc đẩy” (Dt 9, 14). Vậy thì, hành động của các Thánh Tử Đạo chấp nhận chết vì đức tin cũng được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần và nhờ đó các ngài trở thành “của lễ toàn thiêu” và “của lễ thiêng liêng” (x. Rm 12, 2; 1 Pr 2, 5) được Thiên Chúa ưng nhận.
Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, Linh mục, cầu nguyện trước khi bị hành hình cùng một lúc với hai Thầy Kẻ Giảng như sau: “Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa là Chúa Cả trời đất, chúng con xin dâng mạng sống cho Ngài”. Vâng, hành động của các Thánh Tử Đạo tế hiến mạng sống mình làm của lễ toàn thiêu và của lễ thiêng liêng, được tô điểm thêm bởi Hy tế ngợi khen (x. Dt 13, 15; Hs 14, 3…). Cái chết lành thánh của các ngài, cũng giống như cái chết cứu độ của Chúa Giêsu, diễn ra trong tâm tình cầu nguyện sâu lắng.
Thánh Carolô Cornay Tân, một linh mục thừa sai Pháp, trả lời vị quan toà thẩm vấn mình rằng: “Chúng tôi chỉ chuyên lo giảng đạo, khuyên người ta ăn ngay ở lành, dạy con cái thờ cha kính mẹ, kêu gọi thần dân vâng phục vua quan, tôi đâu có thể đi ngược lại giáo huấn của mình mà chống nhà vua được?”.
Câu nói sau đây của Thánh linh mục Phaolô Lê Bảo Tịnh thật hết sức ý nghĩa: “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tuỳ ý, nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được”.
Dấu chỉ đích thực của người môn đệ xác tín con đường thánh giá là lòng bác ái không bờ bến đối với mọi người, kể cả những người giết hại mình. Về điểm này, chính Chúa Giêsu đã nêu gương một cách cụ thể: không những Người dạy các môn đệ phải “yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” (x. Mt 5, 44), mà chính Người, khi bị treo trên Thánh Giá, đã cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết hại Người (x. Lc 23, 34). Thánh Emmanuen Lê Văn Phụng, trùm trưởng của họ đạo Đầu Nước, Cù Lao giêng, đã nói lời trăng trối với con trai của mình tại pháp trường: “Con ơi, hãy tha thứ, đừng tìm báo thù kẻ tố cáo cha nhé”. Có thể nói: tất cả các Thánh Tử Đạo Việt Nam khi bị thẩm vấn, cầm tù và hành quyết, không hề nói một lời trách móc, mỉa mai hay nguyền rủa những kẻ làm hại mình. Càng suy gẫm về những lời đối đáp của các ngài với vua quan bách hại các ngài, hay những lời các ngài tâm sự với người thân của mình, chúng ta mới thấy được điều kỳ diệu của Đạo Tình Thương: Tình thương mạnh hơn sự chết; Tình thương chiến thắng hận thù.
Như năm xưa, trên đường thánh giá, Mẹ Maria đã đồng hành với Chúa và đứng vững bên thánh giá của Chúa; các Thánh Tử đạo Việt Nam cũng luôn có Mẹ trong trái tim và hơi thở của mình. Thánh linh mục Phêrô Võ Đăng Khoa đã tha thiết nói lời sau cùng: “Như xưa, Mẹ đã dâng Con yêu quý trong đền thờ; nay cũng xin hiến dâng chúng con trong cuộc tử đạo hồng phúc”. Hai Thánh linh mục Gia và Liêm từ trại tù ra pháp trường, đã hát vang lời kinh Salve Regina: “Lạy Nữ vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy… Xin cho chúng con được thấy Đức Giêsu, Con lòng Mẹ gồm phước lạ”.
Quả đúng như lời Thánh Tông đồ Phaolô đã viết: “Các ngài mang trong thân xác của mình cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu”.
Thánh nữ Inê Lê Thị Thành khi bị đòn vọt, tra tấn, máu đào thấm cả tà áo, đã tâm sự với người con đến thăm: “Con đừng khóc nữa, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc? … Con hãy về chuyển lời mẹ đến với anh chị em con, nhớ coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối nguyện kinh, dâng lễ, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá đến cùng. Không bao lâu nữa, mẹ con chúng ta sẽ đoàn tụ trên nước thiên đàng”.
Thánh linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu, cha sở Ba Giồng năm xưa có câu nói tuyệt vời: “Đạo thánh đã thấm nhập vào xương tủy tôi rồi, tôi làm sao bỏ được. Vả lại, một người giáo hữu bình thường, một thầy giảng còn không có quyền bỏ Đạo, huống chi, tôi đây là đạo trưởng”.
Thật vậy, theo gương Chúa Giêsu, các ngài chấp nhận trở nên của lễ toàn thiêu như mầu nhiệm hạt lúa miến mục nát đi trong lòng đất. Hạt lúa miến được hiểu là biểu tượng của chính Chúa Kitô; từ đó ý nghĩa toả lan sang các Kitô hữu, đặc biệt các Kitô hữu chết vì đạo đã được Giáo Hội tôn phong Hiển Thánh hoặc Chân Phước để nêu gương cho mọi thành phần Dân Chúa đang tiếp tục cuộc hành trình đức tin trên con đường thánh giá ở giữa dòng đời.
“Nếu hạt lúa miến không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình”. Câu này chứa đựng một chân lý thật sâu sắc, đó là: ý nghĩa và giá trị của hạt lúa miến hệ tại cuộc hiện hữu của nó cho kẻ khác, để phục vụ kẻ khác. Nếu không như thế, nó sẽ “trơ trọi một mình’’. “Trơ trọi một mình” là đặc điểm của cuộc hiện hữu vị kỷ, ích kỷ, và vì thế không có ích cho kẻ khác. Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng: hạt lúa miến chỉ đạt được phẩm giá cao quý của nó, khi chấp nhận từ bỏ chính mình, để phục vụ sự sống và sự tăng trưởng của mọi người.“Nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt”: Chắc hẳn trong đoạn Phúc Âm này, Chúa Giêsu nghĩ tới kinh nghiệm trồng trọt của nhà nông: hạt-lúa-giống gieo vào lòng đất phải mục nát, phải thối rữa, phải chết đi, để nẩy thành cái mầm, rồi lớn lên thành cây lúa chính, từ đó nẩy sinh thêm nhiều cây lúa phụ, tất cả cùng mang nhiều bông hạt. Chỉ mộthạt lúa chết đi, mà sinh ra hằng trăm hạt lúa mới. Đó là sự gia tăng về số lượng. Đến lượt những hạt lúa mới phát sinh từ cái chết của hạt-lúa-giống, cũng chấp nhận bị nghiền nát, để trở thành tinh bột, hoà mình với nước, với men, nhờ đó dậy men lên, rồi trải qua thử thách của lửa, để trở thành tấm bánh thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng cho con người. Đó là sự gia tăng về chất lượng. Đối với hạt lúa miến, một cách nào đó, chết đi là tự hạ, tự huỷ ra không; còn gia tăng số luợng và chất lượng là siêu thăng bản chất của hiện hữu. Vì thế, cái chết của hạt lúa miến được Chúa Giêsu chọn làm biểu tượng cho sự tự hạ, tự huỷ của Người như bước chuẩn bị cần thiết cho việc Thiên Chúa siêu thăng và tôn vinh Người qua mầu nhiệm Phục Sinh. Như vậy, Tự hạ và Siêu thăng qua sự Chết và sự Phục sinh, đó là như một quy luật định mệnh của Hạt Lúa Miến.
Đường thánh giá mở ra đường hy vọng
“Máu các Vị Tử Đạo là hạt giống từ đó nẩy sinh nhiều tín hữu Kitô”.
Câu nói lừng danh này của Tertulianô có giá trị trước tiên đối với dòng Máu của Chúa Giêsu, Đấng, vì yêu thương, đã đổ ra trên Thánh Giá để khơi nguồn ân sủng của Thiên Chúa cho mọi người. Máu các Kitô hữu Tử đạo cũng có được khả năng sinh sản thiêng liêng ấy, là vì các ngài đã được nuôi dưỡng bằng Máu-Thánh-Thể của Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Lời kinh mà cả Giáo hội chúng ta đọc mỗi ngày để tưởng niệm, tôn kính và tri ân các bậc Tổ tiên Tử đạo Việt Nam phải trở nên ánh sáng soi dẫn cho cuộc hành trình đức tin của chúng ta là hậu duệ, là con cháu của các ngài; để không những chúng ta trung thành với con đường thánh giá, mà còn thêm xác tín đường thánh giá mở ra đường hy vọng, cho Giáo hội Việt Nam, cho đồng bào Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.
... Xưa Chúa ban cho các Ngài được vững tin vào lời chúa, và đầy sức mạnh của Thánh Thần, nên các ngài đã kiên tâm chịu gian lao đau khổ, quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường Thập Giá và hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Các ngài đã chấp nhận nên hạt lúa gieo vào lòng đất, để Hội Thánh Việt Nam thu lươm được một mùa lúa dồi dào.
... Các Ngài đã yêu mến quê hương, xin cầu cho Đất Nước được an vui hạnh phúc, và góp phần xây dựng một thế giới hoà bình.
… Các Ngài đã cam lòng chịu chết mà không oán hận, xin cầu cho đồng bào mọi giới biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
… Các Ngài đã hy sinh tất cả vì đức tin, xin cầu cho mọi Kitô hữu biết sống và chia sẻ niềm tin của mình.
… Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu được noi gương các ngài, biết đem lòng bác ái dấn thân phục vụ, để một ngày kia trên thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các Ngài, ca tụng tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen.
(Nguồn: HĐGMVN)
Tin liên quan
- BỔ NHIỆM GIÁM MỤC PHỤ TÁ TGP SÀI GÒN
- BỔ NHIỆM GIÁO MỤC THÁI BÌNH
- Công bố Logo Năm Mục vụ Giới trẻ 2021
- Hội đồng Giám mục Việt Nam cứu trợ lũ lụt tại Miền Trung ngày 21.10.2020
- HĐGMVN: Thư tri ân Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ - nguyên đặc trách Hội Thừa Sai Việt Nam
- Lòng Chúa thương xót - hành trình chữa lành nội tâm
- Giáo hội đồng hành với người trẻ
- Thánh lễ tạ ơn kỷ niệm 11 năm giám mục của Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
- Hàng Giáo Phẩm Việt Nam và những chuyển biến lớn trong tương lai gần
- Danh sách Giáo phận Việt Nam đã có thông báo dâng lễ trở lại