TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM

Bản học hỏi Thư Mục tử Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh 2014

Ban Truyền Giáo của Tổng Giáo phận đã soạn Bản học hỏi Thư Mục tử Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh 2014 của Đức Tổng Giám mục Phaolô gồm 12 câu hỏi-thưa.

Ban Truyền Giáo

 

WGPSG – Nhân dịp bước vào Năm phụng vụ mới, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã viết Thư Mục tử Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh 2014 gửi Cộng đồng Dân Chúa tại Tổng Giáo phận Sài Gòn (TPHCM).

Nhằm giúp mọi thành phần Dân Chúa trong Tổng Giáo phận hiểu, thực hành và sống Thư Mục tử này, Ban Truyền Giáo của Tổng Giáo phận đã soạn Bản học hỏi Thư Mục tử Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh 2014 của Đức Tổng Giám mục Phaolô gồm 12 câu hỏi-thưa.

Sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả nội dung của Bản học hỏi này.

-----o0o-----

HỌC HỎI THƯ MỤC TỬ


MÙA VỌNG VÀ MÙA GIÁNG SINH 2014
của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc


1. Ở đầu thư mục tử, Đức Tổng Giám Mục đã nhắc đến sự kiện gì nổi bật như là khởi điếm của thư mục tử.

- Sự kiện nổi bật như là khởi điểm của thư mục tử là Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới Khóa Ngoại thường về “Mục vụ gia đình”, đã bế mạc ngày 19 tháng 10 vào ngày lễ tuyên “chân phước” cho Đức Thánh Cha Phaolô VI.

- Qua Thượng Hội Đồng, Đức Thánh Cha muốn lắng nghe các nghị phụ để biết về tình trạng đời sống các gia đình Công giáo trên thế giới. Việc thực hiện Thượng Hội Đồng (triệu tập, đóng góp, lắng nghe…) bắt đầu từ tình thương và ước muốn phục vụ con người như Đức Giêsu (số 1).

2. Sự kiện Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới gợi lên tâm tình gì cho Mùa Vọng?

Trong thư mục tử này, Đức Tổng chia sẻ tâm tình tin tưởng vào Tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, từ đó “tất cả chúng ta đều có ‘niềm hy vọng lớn lao’ : được Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần yêu thương trọn vẹn, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, Tình Yêu ấy vẫn chờ đợi chúng ta” (x. Spe Salvi, số 3).

3. Đức Tổng Giám mục định nghĩa “Mùa Vọng” như thế nào?

- “Mùa Vọng” là mùa chờ đợi” – Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi để gặp gỡ chúng ta trong vinh quang. Thánh Phêrô viết: “Người kiên nhẫn đối với anh em, vì người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải. ” (2 Pr 3,9b). Trong cuộc đời lữ thứ này, chúng ta gặp gỡ Chúa trong đức tin, nhờ lắng nghe Lời Chúa, và cử hành phụng vụ bí tích. (s.3)

4. Chúng ta chờ đợi như thế nào?

- Chúng ta hướng về Thiên Chúa là cội nguồn nhưng không quên các giá trị trần thế mà góp phần biến đổi thế giới, chuẩn bị cho “Trời mới Đất mới” nơi Thiên Chúa ngự trị, cộng tác với Thần khí đổi mới mọi sự, dọn đường cho Ngôi Hai Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta. (s.4)

5. Đức Tổng khuyên chúng ta nên theo gương của ai? 

- Ngài nói hãy noi theo gương Thánh Gioan tiền hô, dọn đường cho Chúa. Hãy canh tân đổi mới chính mình, sám hối để được ơn tha tội. Hãy quan tâm đổi mới cuộc sống gia đình, dù có rất nhiều khó khăn và thách đố! Chuẩn bị cho gia đình đón Chúa, lắng nghe Tin mừng của Chúa! (s.5)

6. Ngài nhấn mạnh điều gì cho năm nay?

- Nỗ lực đưa Niềm vui của Tin mừng vào giáo xứ, đến với mọi thành phần trong giáo xứ, vào các cơ chế và tổ chức của giáo xứ.

- Mỗi người tự canh tân mình trước khi đòi hỏi người khác phải thay đổi; sám hối và tin vào Tin mừng, thì sẽ có Niềm vui của Tin mừng.

- Cha xứ, cha phó, làm gương sáng cho giáo dân trong nỗ lực vươn lên. Hội đồng giáo xứ và các đoàn thể cố gắng đổi mới cách sống, cách suy nghĩ. (s.6).

7. Đức Tổng Giám mục khuyến khích điều gì cho các thành phần dân Chúa?

- Tham dự thánh lễ tích cực và sốt sắng, khắc phục việc đi lễ trễ, mong ước thực sự gặp gỡ và nhận được sự sống từ Chúa.

- Các linh mục lưu tâm chuẩn bị bài giảng ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, có chất lượng nuôi dưỡng đời sống Dân Chúa.

- Linh mục là người chịu trách nhiệm chính và cộng tác chặt chẽ với giáo dân trong việc dạy giáo lý. (s.7).

8. Đức Tổng Giám mục ước mơ gì?

- Các giáo xứ trở thành những cộng đoàn hiệp thông, hiệp thông với Chúa, hiệp nhất với nhau. Mọi người đều có chỗ đứng trong lòng giáo xứ, nhất là những người nghèo, những người trẻ.

- Mọi Kitô hữu trong giáo xứ sẵn sàng đối thoại với mọi người, những người thuộc các tôn giáo khác, cả những người không theo một tín ngưỡng tôn giáo nào ; sẵn sàng trả lẽ về niềm hy vọng trong lòng, trong cuộc sống.

- Tất cả Kitô hữu trở thành những “đấng an ủi”, “đấng bảo trợ”, giống như Chúa Thánh Thần, đối với những người gặp nhiều hoạn nạn khổ đau.

- Chúng ta hướng về anh chị em di dân (s.8)

9. Đức Tổng GM có nhắn nhủ gì với những người sống đời thánh hiến?

- Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn năm 2015 là năm của “đời sống thánh hiến”.

- Những người sống đời thánh hiến đào sâu căn tính và đoàn sủng của mình, để “trải nghiệm không ngừng sự nếm cảm tình bạn và sứ điệp của Đức Kitô” (x. Niềm vui của Tin Mừng, số 264), và chia sẽ Chúa cho người khác. (s.9)

10. Đức Tổng có nhắc nhở gì về phương diện mục vụ?

- Từ Chúa Nhật I Mùa Vọng chúng ta bắt đầu thực hiện chương trình tân Phúc-Âm-hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến.

- Và chúng ta đón mừng Chúa Giáng Sinh, tiếp nối “nền văn hóa gặp gỡ” mà Chúa đã mở ra cho chúng ta, hướng về ngày mọi người gặp gỡ nhau trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa. (s.10)

11. Ngài đề nghị cụ thể điều gì vào Giáng Sinh này?

- Chúng ta đến và chia sẻ với mọi người, đặc biệt là những người nghèo, người bị nhiễm HIV/AIDS ở “trọng điểm”. (s.11)

12. Ngài nhấn mạnh điều gì ở cuối thư? 

- Ngài nhắc chúng ta sống tình yêu thương, bác ái để tạo nên sự hiệp nhất, và niềm vui. Ngài chúc chúng ta “một Mùa Vọng thật sốt sắng, một Lễ Noel thật ấm cúng, một Mùa Giáng Sinh tràn ngập niềm vui và ân sủng!” (s.12)

___________________
Thư Mục Tử Mùa Vọng & Giáng Sinh 2014 của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc gởi toàn thể gia đình giáo phận Tp.HCM ngày 10-11-2014.
Bản học hỏi Mục Tử Mùa Vọng & Giáng Sinh 2014 do Ban Truyền Giáo thực hiện.