TƯ LIỆU & VĂN HÓA
Dạy Giáo lý theo định hướng Truyền giáo
ĐGM Giuse Nguyễn Năng
WGPSG -- Đề tài được Ủy ban Loan báo Tin Mừng đề nghị là: “Ad gentes" trong việc dạy giáo lý và phổ biến Kinh Thánh”. Tiêu đề này đặt ra ba vấn đề:
1. Trong việc dạy giáo lý và Kinh Thánh, cần trình bày về sứ mệnh truyền giáo “ad gentes” của Hội Thánh. Các thủ bản giáo lý cần bổ sung phần về truyền giáo nếu chưa có.
2. Truyền giáo không những là một bộ môn chuyên biệt với những vấn đề liên quan tới truyền giáo, mà còn là một định hướng, một “tinh thần”, thẩm thấu vào mọi phần của giáo lý và Kinh Thánh. Cần làm sáng tỏ ý nghĩa truyền giáo tiềm ẩn trong các chân lý đức tin. Đây là định hướng truyền giáo tiềm ẩn trong nội dung giáo lý. Xin nhờ các chuyên viên giáo lý biên soạn giúp.
3. Truyền giáo cũng phải là một định hướng trong chính việc dạy giáo lý. Mục tiêu của Đại hội này là khơi dậy tinh thần truyền giáo nơi các thành phần Dân Chúa. Vì thế, xin giới hạn đề tài vào điểm thứ ba này: “Dạy giáo lý theo định hướng truyền giáo”*. Một cách cụ thể, vấn đề được đặt ra cho hoạt động huấn giáo không phải chỉ là giảng dạy về sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh, nhưng sâu xa hơn và khó hơn, thiết tưởng đó là: dạy giáo lý thế nào để sau khi học, người thụ huấn trở thành người loan báo Tin Mừng cho muôn dân, đặc biệt dạy giáo lý cho người dự tòng thế nào để chính họ sau khi đã trở thành môn đệ Đức Kitô cũng sẽ hân hoan loan báo Tin Mừng cho những ai họ gặp gỡ.
Xin nêu lên ít câu hỏi gợi ý, để từ đó thử tìm một phương pháp thích hợp.
- Một Việt kiều khi được đãi món gỏi cá nhệch, ông tỏ ý không muốn ăn cá sống và các thứ lá. Nhưng khi được chủ nhà thuyết phục, và nhất là vì nhìn thấy chủ nhà ăn một cách rất thú vị, nên từ chỗ không muốn ăn, ông đã thử và quả thực là thấy ngon. Trong suốt bữa ăn, ông chỉ ăn món gỏi ấy và còn gói cho vợ, bà vợ tin chồng nên cũng ăn và thấy thú vị. Có thể kết luận điều gì từ việc ăn gỏi cá để áp dụng cho việc dạy giáo lý ?
- Có gì khác nhau giữa một phát ngôn viên tường thuật một tai nạn xe và một người đi trên chiếc xe gặp nạn?
- Thử làm một cuộc kiểm tra thực tế: các dự tòng có hiểu và cảm thấy thích thú về những điều họ học từ các lớp giáo lý ? Các sách giáo lý dự tòng như hiện có và phương pháp dạy truyền thống có đủ sức làm cho một dự tòng trở thành người loan báo Tin Mừng không?
Ngay cả đối với các tín hữu đã rửa tội, sau giờ học giáo lý, họ ra về mang tâm trạng vui tươi hạnh phúc, thanh thản phấn khởi, và muốn giữ mãi niềm phấn khích này để chia sẻ với người khác, hay ngược lại, họ cảm thấy sung sướng vì đã thoát được một giờ tù túng ngột ngạt và muốn quên ngay những gì vừa nghe?
Canh tân mục vụ theo định hướng truyền giáo
Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo (TG 2). Sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo mà Hội Thánh nhận từ nơi Đức Kitô chính là nối tiếp sứ mạng duy nhất mà Đức Kitô đã nhận từ nơi Chúa Cha: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21). “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ…” (Mt 28,19-20). Loan báo Tin Mừng không phải chỉ là một trong nhiều sứ mạng, cũng không chỉ là sứ mạng ưu tiên trên các sứ mạng khác, nhưng đó là sứ mạng duy nhất.
Tuy nhiên, không phải lúc nào các thành phần Dân Chúa cũng nhớ và thực hành lệnh truyền của Đức Kitô. Các Đức Thánh Cha gần đây, đặc biệt ĐTC Phanxicô, mong muốn Hội Thánh thực hiện cuộc canh tân toàn diện các hoạt động mục vụ theo định hướng truyền giáo: “Tôi ước mơ một chọn lựa truyền giáo, nghĩa là một nỗ lực truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh” (NVTM 27).
Theo định hướng ấy, việc dạy giáo lý cũng cần được thực hiện thế nào để nhắm đến mục tiêu loan báo Tin Mừng cho muôn dân (ad gentes).
Phương pháp kể chuyện
Trước hết, cần áp dụng phương pháp kể chuyện vào việc dạy giáo lý.
Huấn giáo không phải là một lớp học trình bày một số kiến thức liên quan đến đức tin Kitô giáo, nhưng nhằm một mục tiêu xa hơn. Đành rằng trong việc dạy giáo lý có dạy một số chân lý là nội dung đức tin, nhưng các chân lý ấy không được dừng lại nơi trí khôn, nhưng phải dẫn đến trái tim và hành động. Huấn giáo phải đưa con người đến chỗ yêu mến Chúa, gắn bó với Chúa và sống như Chúa dạy, để sau đó chia sẻ niềm vui Tin Mừng cho người khác. Xem ra việc dạy giáo lý của chúng ta mới chỉ dừng lại trong một “lớp” giáo lý. Cần ra khỏi khuôn khổ của một lớp học như trong trường phổ thông.
Nhiều khi việc dạy giáo lý của chúng ta đã nhồi nhét quá nhiều kiến thức với những ngôn ngữ thật trừu tượng. Giáo lý cho thiếu nhi nhiều khi chỉ là sự rút ngắn của sách “Giáo lý của Hội Thánh Công giáo”, một bản văn được viết cho cả giám mục và thần học gia ! Phải thành thật tự hỏi xem các dự tòng có hiểu và cảm nhận được gì từ sách giáo lý dự tòng như hiện có ? Dạy thật nhiều lý thuyết nhưng lại không hiệu quả, vì mới dừng lại ở bình diện trí khôn, chưa chuyển sang cái “tâm” và cái “hành”. Không khơi dậy được sự cảm nhận từ trong cõi lòng và không dẫn đến hành động, thì làm sao có thể nói đến việc chia sẻ niềm hạnh phúc của người môn đệ cho người chưa biết Chúa?
Người thời nay không thích suy tư trừu tượng, lý luận dài dòng. Phương pháp diễn dịch hệ thống xem ra khó lôi cuốn được họ. Người ta thích những gì cụ thể, sống động, những gì gây ấn tượng và cảm xúc nơi bản thân. Đặc biệt con người Việt Nam nói riêng cũng như người châu Á nói chung thích hình thức kể chuyện. Liên Hội Đồng Giám Mục châu Á (FABC) đã nhiều lần giới thiệu phương pháp này, và tông huấn “Giáo Hội tại châu Á” đã kêu gọi: “Việc loan báo Đức Giêsu Kitô có thể đạt hiệu quả nhất với phương pháp kể lại cuộc đời Ngài, như các sách Tin Mừng đã làm… Thượng Hội Đồng còn nhắc nhở việc giảng dạy giáo lý tiếp theo sau đó nên theo phương pháp sư phạm gợi ý, nghĩa là vận dụng các câu chuyện, dụ ngôn và biểu tượng, là những điều hết sức đặc thù trong phương pháp giảng dạy của người châu Á.” (s. 20)
Một vài nhận xét về việc kể chuyện
Có những câu chuyện hay và những câu chuyện dở. Có nhiều yếu tố trong việc kể chuyện:
1. Trước hết, câu chuyện tự nó phải là hấp dẫn. Các mắt xích trong câu chuyện ăn khớp nhau và dẫn đến một kết thúc có hậu. Phong cách kể chuyện cũng là quan trọng. Có thể chuyện không hay, nhưng người kể có cách làm cho hấp dẫn.
2. Tuy nhiên người ta thích nghe một câu chuyện đáng tin, khả tín, xác thực, hơn là chuyện tưởng tượng. Nền tảng mạnh mẽ nhất của sự thật là kinh nghiệm trực tiếp của người thuật chuyện. Một người tường thuật kể lại kinh nghiệm của một ai đó. Có thể người tường thuật là người đáng tin, nhưng chuyện kể của họ không thể sánh được với câu chuyện của một người thật sự ở đó khi sự kiện xảy ra, bởi vì biến cố đó là một phần của con người ấy, hoặc chính con người ấy là thành phần của biến cố. Những câu chuyện hay nhất là những câu chuyện kể về chính mình, về kinh nghiệm của bản thân.
3. Khi trải qua một chuyện buồn vui đáng nhớ, người ta nôn nóng tìm một người để kể. Câu chuyện cần một người để nghe, cần một người để chia sẻ.
4. Câu chuyện không chỉ là nói về tôi. Nó cũng hướng về người khác, về gia đình và bạn bè của tôi, về hoàn cảnh xã hội, văn hoá, kinh tế, về “thời thế”. Chuyện của mình trở thành chuyện chúng mình.
5. Qua chuyện kể, ta nhận ra được sự thay đổi của chính bản thân: những gì tôi là hôm nay không giống như những gì tôi là trước đó. Chúng ta đã thay đổi và sẽ còn thay đổi nữa. Qua câu chuyện về đời tôi, người khác nhận ra và hiểu được những xác tín thiêng liêng và các chọn lựa luân lý của tôi. Không kể chuyện đời mình, người khác không hiểu tại sao tôi lại sống như thế này.
6. Chuyện kể khi được đón nhận có thể biến đổi người lắng nghe. Câu chuyện của một người có thể đánh thức người nghe nhớ lại những kinh nghiệm tương tự, mở ra những ý nghĩa mới, tạo ra sự kinh ngạc và lay động khỏi sự ngủ mê. Câu chuyện của người kể đan kết với câu chuyện của người nghe làm nảy sinh ra những câu chuyện mới. Thông thường một người biết lắng nghe cũng sẽ trở thành một người kể chuyện hay: người ấy có kinh nghiệm kết nối chuyện kể vào chuyện của mình, nên cũng biết cách chia sẻ chuyện của mình để nối kết vào chuyện của người khác nữa.
Có thể áp dụng phương pháp kể chuyện vào huấn giáo để mỗi người học giáo lý đều có khả năng và nhiệt tình loan báo Tin Mừng. Đây chỉ là những phác thảo gợi ý, có thể áp dụng cho việc dạy giáo lý nói chung, và đặc biệt là giáo lý cho người dự tòng.
1) Người kể: kể chuyện của chính mình
Khi đã có kinh nghiệm được một bác sĩ giỏi chữa cho khỏi một cơn bệnh hiểm nghèo, thì không cần ai yêu cầu, chính ta nôn nóng tìm người để kể, kể cho càng nhiều người càng tốt, kể say sưa hào hứng. Có khi người ta không muốn nghe mà vẫn kể. Một học sinh tìm được thầy giáo giỏi, hoặc một công nhân tìm được việc làm trong một công ty tốt, sẽ tìm mọi cách kể chuyện như thế. Kể chuyện về bác sĩ, về thầy giáo, về công ty, nhưng lại là kể chuyện của mình, với ngầm ý giới thiệu để nếu họ cũng ở trong tình trạng như ta, họ hãy tìm đến những người ấy. Người kể chuyện là người đã có kinh nghiệm, xác tín và đầy tràn niềm vui hạnh phúc, nên cũng là người kể chuyện hấp dẫn nhất.
Người loan báo Tin Mừng phải là người kể chuyện đầy xác tín, niềm vui phấn khởi, đầy lửa Thánh Thần. Chính Thánh Thần ban cho ta “tinh thần” truyền giáo, nghĩa là một sự thúc đẩy từ bên trong đem lại nhiệt huyết, vui tươi, quảng đại, can đảm, tràn đầy yêu thương, có sức làm lây lan (x. NVTM 261). Rất nhiều khi người ta không muốn nghe không phải vì chuyện kể cho bằng do người kể chuyện không có lửa; mà không có lửa vì họ chỉ là người tường thuật chứ họ không kể chuyện của chính mình.
Lửa nhiệt tình loan báo Tin Mừng phát xuất từ kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Đức Kitô. Giáo lý viên là người cảm nghiệm được niềm vui của Tin Mừng, niềm vui vì được Chúa yêu thương, nên được thôi thúc từ bên trong để thông truyền niềm vui của đời sống Kitô hữu cho người khác. Giáo lý viên không phải là người “làm” công tác dạy giáo lý tựa như một giáo viên dạy kiến thức về đạo, trái lại, họ “là” giáo lý viên, nghĩa là giáo lý mà họ thông truyền không phải chỉ là kiến thức đã thuộc, mà là đức tin của họ, là chính Đức Kitô đã thấm nhuần và biến đổi cuộc đời họ. Nói cách khác, giáo lý viên là người đầy tràn Đức Kitô, và niềm vui này tự lan tỏa.
Để thông truyền đức tin Kitô giáo, chính giáo lý viên phải là người đầy xác tín về Phúc Âm mà mình loan báo. Giáo lý viên không thể giống như người rao bán một sản phẩm mà chính mình cũng không tin và không dùng. “Một người không có xác tín, không phấn khởi, không chắc chắn và không yêu, người ấy chẳng thuyết phục được ai.” (NVTM 266)
Niềm xác tín này không hề mang tính lý thuyết và dừng lại trên bình diện tri thức. Nó phải thấm nhập vào trong tâm tình và cảm xúc, trong lối sống của giáo lý viên. Nói cách khác, đó chính là đời sống của một chứng nhân. Con người trong thế giới hôm nay không tin vào lý thuyết, cũng không muốn bị thuyết phục bởi lý lẽ, nhưng cảm xúc lại dễ bị đánh động. “Con người hôm nay tin tưởng các chứng nhân hơn là thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là bài vở, tin vào cuộc sống và hành động hơn là lý thuyết”. Điều này lại càng đúng khi nhớ lại rằng dạy giáo lý không chỉ là thông truyền đầy đủ kiến thức về đức tin một cách hệ thống, mà còn là dẫn đưa người khác vào sự hiệp thông với Đức Kitô và đi theo lối sống mới Ngài. Khi Tin Mừng đã trở thành sự sống của mình, giáo lý viên “dạy” giáo lý với niềm vui tươi phấn khởi và niềm vui này lây lan.
2) Chuyện kể: Chuyện Đức Giêsu
Có lẽ không cần chứng minh rằng câu chuyện Giêsu là câu chuyện hấp dẫn lôi cuốn. Những người lần đầu tiên đọc Tin Mừng đều nói lên cảm nhận như thế, dù có thể không tin và không muốn theo Chúa. Chuyện Giêsu là câu chuyện hay: tự câu chuyện đã hay rồi, và hay hơn nữa khi được viết dưới ơn linh ứng của Chúa Thánh Thần, và lại càng hay hơn nữa khi ơn Chúa tác động trong chính lúc người ta nghe hoặc đọc.
Câu chuyện hay nhưng có thể người kể chuyện lại làm cho nó trở thành buồn tẻ mất hấp dẫn. Phải thành thật nhận rằng các sách giáo lý hiện có chưa làm tỏa ra “hương thơm của Tin Mừng”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh giác: “Đôi khi ta mất dân vì dân không hiểu ta nói gì, vì ta quên khuấy cả ngôn ngữ đơn giản để đưa vào chủ nghĩa duy trí, một chủ nghĩa hoàn toàn xa lạ đối với dân” (Diễn văn của ĐTC Phanxicô nói với các giám mục Brazil ngày 28-7-2013). Thay vì loan báo một tin vui phát xuất từ ân sủng và tình thương của Thiên Chúa, giáo lý viên thường tạo nên một tin buồn vì quá nhấn mạnh đến gánh nặng của những bổn phận chi ly.
a. Một câu chuyện hài hòa
Chuyện kể dù có nhiều tình tiết, nhưng tất cả đều ăn khớp với nhau và diễn tiến xoay quanh một trọng tâm. Tất cả đều được tập trung vào điểm chính yếu.
Sứ điệp mà Hội Thánh rao giảng là một sứ điệp đơn giản. Tất cả các chân lý đức tin tuy nhiều nhưng có một sự hài hòa và một thứ tự ưu tiên xoay quanh trọng tâm thiết yếu của Tin Mừng. “Sứ điệp phải tập trung vào những gì cốt yếu, những gì đẹp nhất, lớn nhất, lôi cuốn nhất và đồng thời cần thiết nhất. Chúng ta làm cho sứ điệp trở thành đơn giản, nhưng đồng thời không làm mất sự thâm sâu và chân lý của nó, nhờ đó nó càng trở nên mạnh mẽ và có sức thuyết phục” (NVTM 35). “Trong cái cốt lõi cơ bản này, cái toả sáng chính là vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Kitô đã chết và sống lại từ cõi chết” (NVTM 36).
Một trong những nhược điểm của các giáo lý viên là cố nhồi nhét cho các học viên thật nhiều kiến thức, biến Tin Mừng thành một bài giáo khoa với đủ thứ bổn phận, những việc phải làm, phải hy sinh chịu đựng. Phải làm cho Tin Mừng chiếu tỏa vẻ đẹp và niềm vui chứ không là gánh nặng. Đời sống Kitô hữu phải đầy tràn niềm vui vì được Chúa yêu thương và cứu độ, được gặp Chúa là Đấng đã chết và sống lại vì mình. Đó mới là điều thiết yếu.
“Nếu trong năm phụng vụ, một cha xứ giảng về đức tiết độ mười lần nhưng chỉ nói về bác ái hay công bình hai hay ba lần, như thế là mất cân đối, nhất là vì nó cho thấy có sự sao lãng các nhân đức lẽ ra phải được nhắc đến nhiều nhất trong bài giảng và giáo lý. Cũng có sự mất cân đối như thế khi ta nói về lề luật nhiều hơn là về ân sủng, về Hội Thánh nhiều hơn là về Đức Kitô, về Giáo hoàng nhiều hơn là về Lời Chúa.” (NVTM 38)
“Luân lý Kitô giáo không phải là một dạng của chủ nghĩa khắc kỷ, hay thái độ từ bỏ mình, cũng không phải một thứ triết học thực hành, hay một danh mục các tội lỗi. Trên hết, Tin Mừng mời gọi chúng ta đáp lại vị Thiên Chúa của tình thương, Đấng cứu độ chúng ta, nhìn thấy Chúa nơi tha nhân và ra khỏi bản thân mình để tìm lợi ích cho tha nhân. Trong mọi hoàn cảnh, ta không được phép làm lu mờ lời mời gọi này ! Tất cả các nhân đức là để giúp ta đáp lại tình thương này. Nếu lời mời gọi này không chiếu toả một cách sinh động và hấp dẫn, toà nhà giáo huấn luân lý của Hội Thánh có nguy cơ trở thành một căn nhà bằng giấy, và đây là mối nguy lớn nhất của chúng ta. Trong trường hợp này, điều chúng ta giảng không phải là Tin Mừng, mà là một số điểm về giáo điều hay luân lý dựa trên một số chọn lựa ý thức hệ đặc thù. Sứ điệp sẽ có nguy cơ mất đi sự tươi trẻ và sẽ không còn là «hương thơm của Tin Mừng».” (NVTM 39)
b. Chuyện của cộng đoàn
Kể câu chuyện Giêsu là kể chuyện của mình. Mà chuyện của mình cũng là chuyện của cộng đoàn. Chuyện kể của tôi cũng cho thấy các tín điều và luân lý ấy đã làm nên cộng đoàn những người tin thế nào, tức là làm nên lịch sử Hội Thánh thế nào.
Cùng với việc kể chuyện cuộc đời Đức Giêsu, giới thiệu đời sống các thánh và những mẫu gương thánh thiện của các Kitô hữu khắp nơi là một cách tác động rất hiệu quả trên đời sống đức tin. Đó là một cách diễn giải cụ thể chân lý đức tin. Những gương sáng có khả năng giáo dục đức tin hiệu quả hơn lời nói rất nhiều. Hơn nữa, hằng ngày con người trong thế giới hôm nay phải chứng kiến quá nhiều sự dữ, bất công và hận thù, dễ đi đến hoài nghi và bi quan, không còn muốn tin vào bất cứ lý thuyết nào. Chính những mẫu gương thánh thiện sẽ có sức thuyết phục mạnh mẽ và giúp họ củng cố lòng tin và niềm hy vọng.
c. Ngôn ngữ kể chuyện
Khi kể chuyện cần có một ngôn ngữ riêng, một cách diễn đạt đặc thù. Không ai kể chuyện mà lại dùng ngôn ngữ triết học trừu tượng. Dạy giáo lý theo định hướng truyền giáo cần dùng ngôn ngữ kể chuyện.
Ngôn ngữ hữu thể luận trừu tượng và lôgic chặt chẽ ít tác động trên các tâm hồn bằng những gợi ý, những hình ảnh và kinh nghiệm thực tế của cuộc sống hằng ngày. Những người dạy giáo lý, nhất là các mục tử được đào tạo theo tư duy kinh viện, đã quen với lối suy tư và diễn đạt bằng những khái niệm hữu thể luận, sẽ thấy rằng những hình ảnh và những kinh nghiệm không thể diễn đạt đầy đủ nội dung đức tin. Tuy nhiên nếu cứ dừng lại ở bình diện suy tư trừu tượng, con người thời nay không thể hiểu và cũng không muốn lắng nghe sứ điệp của Tin Mừng, vì con người được tác động trên bình diện cảm xúc nhiều hơn trên bình diện suy tư.
Ngay cả trong thần học tín lý khi nói về mầu nhiệm Ba Ngôi, các nhà thần học nhận ra rằng nếu chỉ dừng lại ở những ý niệm hữu thể trừu tượng, sẽ làm cho mầu nhiệm trung tâm của Kitô giáo trở nên khô cằn thiếu sức sống và có nguy cơ ngày càng rời xa Tin Mừng. Do đó, ngày nay khi trình bày mầu nhiệm Ba Ngôi, các tác giả luôn diễn tả dưới khía cạnh lịch sử cứu độ: Ba Ngôi trong tương quan cụ thể với con người. Cần phải giữ cho sứ điệp Tin Mừng luôn đơn giản.
Lẽ dĩ nhiên, ngôn ngữ hữu thể luận là điều phải có, vì nó diễn tả mầu nhiệm cách chính xác và sâu xa; nhưng để được lắng nghe và được hiểu, thay vì lý luận cao siêu, tốt hơn nên trình bày sứ điệp Tin Mừng một cách “thẩm mỹ” để nó tỏa chiếu sức hấp dẫn lôi cuốn người khác.
Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, đức tin bước vào Hội Thánh qua trái tim người nghèo, chứ không qua đầu óc người trí thức. “Có lẽ ta đã giản lược cách nói năng của ta về mầu nhiệm vào các giải thích duy lý, nhưng đối với người tầm thường, mầu nhiệm bước vào họ qua ngả trái tim.” Theo Đức Thánh Cha, vai trò truyền giáo của Hội Thánh không phải để thắng một luận điểm mà là để cung hiến một điều gì đẹp đẽ. Ngài nói: “Chỉ có vẻ đẹp của Thiên Chúa mới lôi cuốn người ta. Phương thức của Thiên Chúa là phương thức lôi kéo, quyến rũ ... Thiên Chúa làm sống lại trong ta ước muốn mời gọi người lân cận, ngõ hầu làm họ nhận ra vẻ đẹp của Ngài. Truyền giáo đã phát sinh từ chính sự quyến rũ thần linh đó, một quyến rũ phát sinh từ gặp gỡ” (Diễn văn của ĐTC Phanxicô nói với các giám mục Brazil ngày 28-7-2013).
Khi truyền đạt chân lý Tin Mừng, “phải có một ý tưởng, một tâm tình, một hình ảnh” (NVTM 157). Các chân lý đức tin cần được diễn giải cách sống động để nói lên ý nghĩa hiện sinh, tức là làm sao cho người nghe cảm thấy gần gũi và liên hệ thiết thực đối với cuộc sống của chính mình. Cần tìm ra nhiều hình ảnh, các ví dụ và áp dụng cụ thể, ngay trong thiên nhiên và đời thường, để người nghe cảm thấy “thú vị”. Một câu chuyện thích thú là câu chuyện người ta cảm thấy gần gũi với cuộc sống của mình.
3) Người nghe chuyện
Người kể chuyện đức tin cố gắng làm hết sức để thông truyền sứ điệp Tin Mừng, còn kết quả thế nào thì hoàn toàn là việc của Chúa Thánh Thần và của người nghe. Khi loan báo Tin Mừng cho người chưa biết Chúa, ta mong ước họ đón nhận Chúa Giêsu vào cuộc đời, nhưng chuyện kể Giêsu có chạm đến trái tim người nghe hay không, đó là huyền nhiệm của ân sủng và tự do. Người kể chuyện chỉ biết cầu nguyện, đồng hành và sống đời chứng nhân.
Tuy nhiên, nếu giáo lý viên biết cách kể chuyện đức tin như đã nói trên -một đức tin “khách quan” đã trở thành kinh nghiệm sống của mình, họ sẽ có thể đánh thức những kinh nghiệm tương tự nơi người nghe. Khi kể chuyện đức tin như một chứng nhân sống động đáng tin, các tín điều cũng như các nguyên tắc luân lý đã được nhập thể vào trong đời sống của bản thân. Đó là những kinh nghiệm sống của một cuộc đời hạnh phúc nay được chia sẻ cho tha nhân. Tín điều và luân lý không còn là những chân lý khô khan trừu tượng, cũng không là một hệ thống giáo điều mang tính áp đặt, bởi vì chúng tạo nên ý nghĩa của cuộc đời tôi, làm nên giá trị của đời tôi, xác định hướng đi và chọn lựa của cuộc sống tôi. “Tôi biết tôi tin vào ai”. Tôi biết tại sao tôi tin tôi giữ, điều tôi tin tôi giữ ảnh hưởng thế nào trên cuộc đời của tôi. Qua việc kể chuyện đức tin, tôi cho thấy chúng đã thành hình và ảnh hưởng trên nhân cách, trên lối sống cá nhân và gia đình tôi thế nào.
Một chuyện kể như thế có sức tác động để người nghe liên kết những kinh nghiệm của tôi vào cuộc đời họ. Câu chuyện của người kể đan kết với câu chuyện của người nghe làm nảy sinh những câu chuyện mới. Do đó người biết lắng nghe cũng sẽ là người kể chuyện hay. Một khi đã đón nhận câu chuyện Giêsu, mỗi tín hữu cũng sẽ trở thành người kể chuyện Giêsu cho người khác, mỗi học viên giáo lý đều là nhà truyền giáo, mỗi tân tòng đều có nhiệt tình hứng khởi và khả năng kể chuyện Giêsu của đời mình cho người khác.
Mục tiêu của việc dạy giáo lý theo định hướng truyền giáo là như thế. Đó là điều đáng ao ước, xem ra quá lý tưởng và đầy cao vọng, nhưng Phúc Âm cho thấy điều ấy không hề là ảo tưởng, mà là điều phải đạt được trong hoạt động loan báo Tin Mừng. Cũng như Anrê đã kể chuyện Giêsu cho Phêrô, Philipphê kể cho Nathanael, chị phụ nữ Samaria kể chuyện gặp gỡ Đức Giêsu cho mọi người trong thành…, các môn đệ của Đức Giêsu hôm nay cũng phải có khả năng kể chuyện đức tin như thế. Một người được Phúc-Âm-hóa thực sự cũng sẽ là người có khả năng Phúc-Âm-hóa. Mỗi Kitô hữu phải là một “môn đệ thừa sai”.
(*Bài thuyết trình tại Đại hội Loan Báo Tin Mừng lần III)
Tin liên quan
- SỐNG VUI KHỎE VỚI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
- Linh mục và việc Tân Phúc âm hóa
- Y khoa giải thích tại sao máu và nước chảy ra từ trái tim Chúa Giêsu
- Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu 2020
- ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19
- Tượng Chúa Giêsu được tạo ra theo dữ liệu từ khăn liệm thành Turino
- Thiên Chúa tạo nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa (phần I)
- Thư và lời kinh của Đức Thánh cha Phanxicô gửi các tín hữu dịp tháng 5 năm 2020
- Khảo sát và tháo mái ngói âm dương
- Học hỏi Sứ điệp Truyền thông "Cuộc sống trở thành câu chuyện"