TƯ LIỆU & VĂN HÓA

Khi nhà khoa học chia sẻ đức tin

Một trong những cuộc đối thoại quan trọng trong Năm Đức Tin là cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin, đặc biệt trong thời đại ngày nay, thời thống trị của khoa học và kỹ thuật.

Một trong những cuộc đối thoại quan trọng trong Năm Đức Tin là cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin, đặc biệt trong thời đại ngày nay, thời thống trị của khoa học và kỹ thuật. Trong cuộc đối thoại này, những suy tư và kinh nghiệm của các Kitô hữu đang làm công tác khoa học có giá trị đặc biệt, vì nơi họ có sự kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu khoa học và đức tin tôn giáo. Một trong những người đó là sư huynh Guy Consolmagno, S.J., nhà thiên văn đang làm việc tại đài thiên văn Vatican.

Trong bài thuyết trình mới đây tại Mount Street Jesuit Centre ở Luân Đôn, sư huynh Guy Consolmagno vừa chia sẻ hành trình nghiên cứu khoa học của mình, vừa trình bày những suy nghĩ về mối liên hệ giữa khoa học và niềm tin nói chung. Ông cho rằng niềm tin đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học, cách riêng là ngành thiên văn. Cụ thể là bạn phải chấp nhận ba niềm tin căn bản này thì mới có thể làm khoa học được.

Một là phải tin rằng vũ trụ này hiện hữu. Nghe có vẻ buồn cười vì ai chẳng nhìn nhận vũ trụ này có thật. Thế nhưng thực tế là một vài tôn giáo và triết thuyết lại chủ trương “mọi sự chỉ là ảo ảnh”. Nếu vũ trụ này chỉ là ảo ảnh thì còn gì để nghiên cứu khoa học nữa?

Thứ hai là phải tin rằng vũ trụ được điều hành bằng những luật tự nhiên. Làm sao bạn có thể tìm kiếm những luật vật lý trong vũ trụ nếu không tin rằng có những luật ấy? Nhân loại đã trải qua hàng ngàn năm để tìm ra những định luật ấy, rồi từ đó có những phát minh kỹ thuật phục vụ con người. Ngày nay chúng ta đã biết những định luật ấy và coi là chuyện bình thường, thế nhưng những người đầu tiên tìm ra các định luật ấy thì sao? Họ phải tin rằng có những định luật đó thì họ mới cố công tìm kiếm và đã tìm được.

Nếu bạn tin rằng mọi sự xảy ra trong vũ trụ này đều là do ma quỷ và thần thánh, thì còn tìm kiếm những định luật khoa học làm gì! Các Kitô hữu ngày xưa ở Rôma đã bị kết án là vô thần chỉ vì họ không tin vào những thần thánh kiểu ấy (thần sấm, thần sét, hà bá…). Còn Đấng Thiên Chúa mà các Kitô hữu tin là Đấng hiện hữu từ trước khi có vũ trụ. Ngài không phải là một phần của tự nhiên nhưng Ngài siêu-tự nhiên. Tin vào một Thiên Chúa như thế, người Kitô hữu được thúc đẩy tìm kiếm những định luật điều hành vũ trụ để phục vụ con người, đó là cách thế thể hiện vai trò làm chủ vũ trụ mà Thiên Chúa đã trao cho nhân loại.

Điều thứ ba bạn phải tin nếu muốn làm nhà khoa học, đó là tin rằng vũ trụ này tốt lành, như sách Sáng Thế nói. Nếu bạn cho rằng vũ trụ này vô cùng xấu xa thì bạn sẽ xa lánh nó chứ không tìm hiểu nó làm gì. Còn người Kitô hữu tin rằng vũ trụ này tốt lành và được Thiên Chúa yêu thương, nên họ gắn bó với vũ trụ này.

Hóa ra người ta cần có niềm tin mới làm công tác khoa học được. Mà đã thế thì tại sao nhiều người ta cứ cho rằng khoa học đối nghịch với đức tin tôn giáo? Một trong những lý do dẫn đến quan niệm sai lạc này là vì người ta hiểu sai về khoa học, cho rằng khoa học chỉ là những sự kiện. Thật ra, khoa học không chỉ là những sự kiện nhưng là tìm tòi, nghiên cứu, suy tư để nối kết các sự kiện, xem vũ trụ này vận hành ra sao, làm thế nào để vận dụng những hiểu biết đã có mà suy đoán về những cái sẽ tới… Và trong quá trình tìm kiếm ấy, không bao giờ người ta thấy rõ mọi sự mà chỉ là những giả thuyết, và phải lần mò ngày qua ngày. Chẳng khác gì “đêm tăm tối của đức tin”.

Cũng từ đó xuất hiện những câu hỏi nền tảng, chẳng hạn câu hỏi của Leibnitz: “Tại sao đã có một cái gì đó chứ không phải là hư vô?” Tại sao lại có vũ trụ này? Tự nó, vũ trụ không giải thích được. Vậy thì, hoặc là không có cách giải thích, hoặc là phải nhìn nhận rằng có một lý tính giải thích sự hiện hữu của vũ trụ, một lý tính nằm ngoài vũ trụ này, và các tín hữu tin rằng lý tính ấy là Thiên Chúa.

Tuy nhiên Đấng Thiên Chúa mà người Kitô hữu tin không chỉ đơn thuần là Deus ex machina, một ý tưởng trừu tượng và xa lạ, nhưng là một Thiên Chúa cá vị, Đấng mà bạn có thể gặp gỡ, trò chuyện, tâm sự với Ngài, vì Ngài là Tình Yêu.

Sư huynh Guy Consolmagno diễn tả chân lý này bằng một kinh nghiệm thật dễ thương thời thơ ấu. Ông nhớ lại khi còn nhỏ, những hôm trời mưa, không chơi ngoài sân cỏ được, thế là mẹ ông lấy cỗ bài ra và hai mẹ con cùng chơi. Và khi lớn lên, ông hiểu ra rằng điều chính yếu trong những ván bài ấy không phải là thắng thua, nhưng đó là cách thể hiện tình yêu chăm sóc của mẹ dành cho đứa con nhỏ, khi bà dành thời giờ để chơi và trò chuyện với con. Kinh nghiệm ấy cũng giúp ông khám phá tình yêu của Đấng Thiên Chúa ông tin khi làm công tác khoa học: “Khi tôi làm khoa học, Chúa đang chơi bài với tôi… Điều quan trọng không phải là câu trả lời nhưng là những nỗ lực kiếm tìm lời giải đáp… Khoa học là nơi tôi dành thời giờ trò chuyện với Đấng Tạo Hóa. Khi Chúa mời tôi đến gặp gỡ Ngài nơi những sự vật chính Ngài đã làm nên – như thánh Phaolô nói trong thư Rôma, Chúa đang cùng tôi chơi bài. Đó là ván bài mà điều lớn lao nhất là Chúa muốn nói với tôi rằng Ngài yêu tôi. Và vì thế, tôi thật biết ơn khi được làm một nhà thiên văn”.

Tâm tình thật dễ thương và cũng đầy tính khai mở cho những tâm hồn vừa say mê khoa học vừa kiếm tìm ý nghĩa cuộc đời.

 

HTT