TƯ LIỆU & VĂN HÓA

Khoa học & Tôn giáo trong quan hệ với Con Người

Tôi không có ý trình bày nhận thức của mình nhằm rao giảng chân lý, tôi chỉ muốn gợi ý cho những suy ngẫm riêng của người nghe (có thể khác biệt với nhận thức của tôi) về một chủ đề quan trọng đối với con người đương đại.

Gs. Nguyễn Văn Trọng

 

Trong buổi nói chuyện này tôi muốn chia sẻ một số nhận thức về KHOA HỌC & TÔN GIÁO thu nhận được từ trải nghiệm cá nhân với tư cách là một người nghiên cứu vật lý và một cá nhân sống trong xã hội. Tôi không có ý trình bày nhận thức của mình nhằm rao giảng chân lý, tôi chỉ muốn gợi ý cho những suy ngẫm riêng của người nghe (có thể khác biệt với nhận thức của tôi) về một chủ đề quan trọng đối với con người đương đại.

 

Khoa học vốn là một thứ gì đó chưa từng có trong văn hóa truyền thống của người Việt, nó được du nhập vào nước ta từ phương Tây theo các tàu buôn và pháo hạm. Các nho sĩ thời Tự Đức đã xem nó là "dâm xảo" vì trong nó không có khái niệm âm dương ngũ hành. Đến nay thì hình như người Việt lại rơi vào cực đoan ngược lại: sùng bái khoa học đến mức cho rằng nó có sức mạnh vạn năng, có khả năng sớm muộn gì cũng sẽ giải đáp được mọi câu hỏi nhân sinh để đem lại thiên đường cho nhân loại trên trái đất này. Thuật ngữ khoa học được dùng tùy tiện để chỉ bất cứ điều gì đáng tin tưởng, bất cứ công việc gì có kỹ năng chuyên môn, bất cứ hiện tượng gì quan sát thấy. Một mặt người ta đồng nghĩa khoa học với chân lý (một khi được gọi là khoa học rồi thì mãi mãi đúng), mặt khác người ta lại không coi trọng giá trị nhận thức của khoa học mà chỉ coi trọng giá trị lợi dụng nó cho các mục đích thực dụng. Từ đó mới có cái nhìn các nhà khoa học như một thứ nhân lực kinh tế được phân loại một cách hình thức là lao động trí óc. Sự thực lịch sử cho thấy khoa học xuất hiện trước tiên ở phương Tây như một loại hình hoạt động văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của con người. Cộng đồng những người thực hành nghiên cứu khoa học đã hình thành trong lịch sử chính vì cùng chung mục đích ấy, họ chia sẻ với nhau những giá trị văn hóa và những quy tắc nghề nghiệp nhất định. Các thành công của khoa học làm xuất hiện nền kinh tế công nghiệp chỉ là hệ quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng không phải là cứu cánh của khoa học.

 

Nhiều người Việt coi khoa học và tôn giáo là những thứ chống đối nhau và loại trừ nhau. Họ tưởng rằng các nhà khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên, nhất thiết phải là những người vô thần. Những khám phá của các nhà khoa học về các quy luật của tự nhiên khiến cho người ta không còn tin được vào những chuyện kể về các điều thần kỳ chứa đựng trong các học thuyết tôn giáo được rao giảng bởi các giáo hội. Sự thật là những nhà khoa học lớn như Kepler, Newton, Leibniz… đều là những người sùng đạo. Ngày nay các nhà khoa học là tập hợp những người rất khác biệt nhau về thái độ đối với tôn giáo, bao gồm từ những người sùng đạo cho đến những người vô thần. Điều này chứng tỏ rằng niềm tin khác nhau về tôn giáo của các nhà khoa học không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động nghề nghiệp khoa học của họ, nên không thể coi khoa học và tôn giáo là những thứ loại trừ nhau.

 

Do hoàn cảnh đặc thù của lịch sử cận đại nước ta, nhiều người không có cái nhìn thiện cảm đối với những người công khai bày tỏ tín ngưỡng tôn giáo. Những người tự cho mình là vô thần thường không mấy quan tâm đến việc thấu hiểu tôn giáo mà tự bằng lòng với những định kiến ít nhiều khinh bạc đối với các tín ngưỡng. Khi nhìn vào các tôn giáo truyền thống, nhiều người thường hay để ý đến nội dung siêu hình học huyền bí cũng như hoạt động xã hội của các giáo hội trong lịch sử. Thông thường người ta giải thích rằng hiện tượng tôn giáo xuất hiện từ xa xưa trong các xã hội loài người là do tâm trạng hoang mang của con người vào thời buổi hoang sơ. Trước những sức mạnh của thiên nhiên đầy đe dọa, con người đã tưởng tượng ra Thượng đế và các thần linh và đặt lòng tin vào sự bảo hộ của họ, giống như đứa trẻ tin vào người cha bảo vệ cho con cái của mình. A. Comte (1798-1857) cho rằng tôn giáo là thời kỳ ấu thơ của nhân loại. Đối lập với thời kỳ ấu thơ ấy là thời đại khoa học đánh dấu sự trưởng thành của nhân loại. Nhiều người Việt đi theo quan điểm của Comte, thế nhưng tôn giáo không phải chỉ liên quan đến nỗi sợ hãi trước sức mạnh của thiên nhiên, mà có tầm quan trọng rất lớn về định hướng tinh thần trong cuộc sống chung của các thành viên trong nhóm xã hội. Ý nghĩa chân chính của tôn giáo được khai mở chủ yếu nhờ nỗ lực của những tinh hoa văn hóa, họ thường mâu thuẫn với các giáo hội và nhiều khi còn bị truy đuổi.

 

Kitô giáo với biểu tượng đức Kitô bị đóng đinh trên cây thập tự mang đến thông điệp hợp quần công đồng vì tình thương yêu, chứ không dụ người ta đi theo vì phép lạ. Con người vừa là hữu thể tội lỗi cần phải cứu chuộc tội lỗi của mình, lại cũng vừa là hữu thể được Thượng đế tạo nên theo hình tượng và tương đồng với Người, con người được hiệu triệu hợp tác cùng Thượng đế và sống cuộc sống vĩnh hằng ở trong Thượng đế. Con người là cứu cánh tự thân, không thể là phương tiện cho bất cứ cái gì khác, kể cả Giáo hội. Con người tự do lựa chọn con đường giữa chân và ngụy, giữa thiện và ác. Tự do của con người chỉ có thể bị hạn chế một cách chính đáng, khi nhằm mục đích ngăn chặn tổn hại cho người khác như hữu thể có giá trị ngang bằng.

 

Lý tưởng của Phật giáo là lý tưởng hoàn thiện con người cá nhân để trở thành con người có phẩm tính cao quý. Phật giáo bác bỏ khái niệm cao quý hay đê tiện áp dụng cho một nhóm người theo giai cấp hay dân tộc. Lý tưởng con người toàn thiện là con người của giác ngộ viên mãn, giải thoát khỏi mọi cám dỗ dục vọng thấp hèn.

 

Cả hai tôn giáo đều đòi hỏi tôn trọng phẩm giá của con người cá nhân trong tư cách là con người, không phụ thuộc vào địa vị xã hội hay của cải của người đó. Cả hai tôn giáo đều nói đến một thế giới tinh thần, độc lập với cõi trần gian; con người trong thế giới tinh thần được hiệu triệu hướng tới điều Thiện, kháng cự lại những cám dỗ dục vọng thấp hèn của thế giới trần gian để hoàn thiện bản thân. Cả hai tôn giáo đều nói về hoàn thiện con người nhân bản phổ quát, độc lập hoàn toàn với các thứ đặc thù "đậm đà bản sắc dân tộc" vốn đang được nhắc nhở rất nhiều ở nước ta. Cả hai tôn giáo đều nói đến tình thương yêu hay lòng từ bi đối với thế giới xung quanh và trước hết là đối với đồng loại của mình.

 

Thái độ sùng bái các thành tựu công nghệ của khoa học khiến cho nhiều người Việt không nhìn thấy những nguy cơ phá hủy của quá trình công nghiệp hóa tác động đến đời sống của con người đương đại. Không chỉ môi trường sống thiên nhiên, mà cả thế giới tinh thần của con người cũng bị xâm hại nữa. V. Havel đã nhận xét:" [Ống khói làm bẩn bầu trời] là biểu tượng của thời đại đã phủ nhận ý nghĩa quan trọng của kinh nghiệm cá nhân, trong đó có kinh nghiệm về sự huyền bí và cái tuyệt đối - thế chỗ cho cái tuyệt đối đã được cá nhân cảm nhận như là thước đo thế giới, thời đại hiện nay xây dựng cái tuyệt đối hoàn toàn mới, mang tính nhân tạo, không còn tính bí ẩn, không còn những "đỏng đảnh" chủ quan, nghĩa là không còn tính cá nhân và tính người. Đấy là cái tuyệt đối của cái gọi là tính khách quan, của nhận thức duy lý khách quan và của lịch trình khoa học thế giới." Ông cho rằng:" Kẻ có lỗi không phải là khoa học mà là thói ngạo mạn của con người trong thời đại khoa học."

 

Theo hiểu biết của tôi thì tình cảnh đầy tai họa của loài người hiện nay có liên quan đến những thành tựu vĩ đại của khoa học vật lý. Những thành tựu đó dẫn đến những phát minh công nghệ cùng với công cuộc công nghiệp hóa ở châu Âu và Bắc Mỹ. Thật nghịch lý là những kết quả xuất sắc ấy của vật lý học lại khiến cho nhiều nhà tư tưởng khai minh thế kỷ XVIII có ảo tưởng rằng có thể khám phá được quy luật khách quan của lịch sử nhân loại giống như các nhà vật lý đã khám phá ra các quy luật vật lý. V. Havel cho rằng cái gọi là "tính tất yếu của lịch sử" chính là tột đỉnh của mọi ảo mộng, con người không phải là Thượng đế và anh ta bị trừng phạt đích đáng vì trò chơi đóng giả Thượng đế của mình.

 

(Nguồn: WGPSG)