TƯ LIỆU & VĂN HÓA

Những ngọn đuốc sống - 288 Vị Tử Đạo tại Bà Rịa

Tại vị trí Nhà Thờ Mồ Bà Rịa ngày nay, 288 tín hữu Công giáo đã bị giam cầm vì đức tin, chịu chết vì lòng mến và đang an nghỉ trong niềm hy vọng phục sinh vinh hiển.

Tại vị trí Nhà Thờ Mồ Bà Rịa ngày nay, 288 tín hữu Công giáo đã bị giam cầm vì đức tin, chịu chết vì lòng mến và đang an nghỉ trong niềm hy vọng phục sinh vinh hiển.

 

Chính ngay trên mảnh đất này, vào năm 1861, trong cuộc bách hại Kitô giáo dưới triều vua Tự Đức, một nhà ngục đã được dựng lên để giam giữ các tín hữu trong cuộc truy lùng các giáo dân vùng Bà Rịa, gồm các họ đạo Phước Dĩnh (Phước Lễ ngày nay), Thôm (Long Tân), Thành (Long Điền) và Đất Đỏ. Bốn chữ “Biên Hòa Tả Đạo” được xăm vào 2 bên má các tù nhân như lời bêu nhục Kitô giáo và cũng là lý do để các Kitô hữu bị giam cầm, ngược đãi.

 

Nhà ngục Phước Dĩnh được dành riêng để giam hơn 300 đàn ông, còn đàn bà và trẻ con được giam ở các nhà ngục khác ở Long Kiên, Long Điền và Đất Đỏ. Từ tháng 9 năm 1861, các tín hữu bị giam tù phải chịu rất nhiều khổ cực đớn đau. Đêm mùng 7 tháng 01 năm 1862, khi quân đội Pháp tiến quân từ Vũng Tàu theo ngả sông Dinh để đánh chiếm Phước Tuy, quan quân triều đình biết là không thể kháng cự nổi nên đã quyết định rút khỏi Bà Rịa, và vì không muốn tha người Công Giáo, trước khi rút quân họ đã nổi lửa đốt cháy các nhà ngục, thiêu sống các tù nhân. Chính trong đêm ấy, mạng sống của các chứng nhân đức tin đã được trọn vẹn dâng lên Thiên Chúa trong cuộc tử đạo như một lễ vật toàn thiêu.

 

Ngày 8 tháng 01 năm 1862, cha Croc và cha Trí đã chôn xác các vị tử đạo trong ba huyệt mộ gần bên nhà ngục. Tháng 10 năm 1865, cha Jules Jean-Baptiste Errard đến coi sóc giáo xứ Phước Lễ. Cha đã truy tìm danh tính các tín hữu đã chết trong biến cố đốt ngục năm 1862 và cho cải táng hài cốt các ngài vào chung một ngôi mộ được đào ngay trên ngục thất đã bị đốt.

 

Nấm mồ bằng cẩm thạch được cha đưa về từ Hồng Kông vào năm 1871, và từ đó đến nay, ngôi nhà nguyện trên mộ các vị tử đạo tại Bà Rịa đã trở thành nơi cầu nguyện, kính viếng và tưởng nhớ những người đã chết vì đức tin, và mãi mãi là một chứng tích nhắc nhở mọi giáo dân sống đời Kitô hữu theo gương các vị tiền nhân anh dũng.

 

(Theo tài liệu tại nhà Mồ Bà Rịa)