TƯ LIỆU & VĂN HÓA
Thư Mục tử Mùa Chay 2014
TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
THƯ MỤC TỬ MÙA CHAY 2014
Kính gởi: Quý anh em linh mục,
quý tu sĩ nam nữ và giáo dân
trong gia đình giáo phận
Anh chị em thân mến trong Đức Kitô,
Ngay từ đầu mùa Chay, Hội Thánh đã dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần” (Lời nguyện nhập lễ Thứ Tư Lễ Tro). Như vậy, mùa Chay là mùa chiến đấu thiêng liêng, chống lại ác thần, vượt thắng con người cũ, để trở nên con người mới theo hình ảnh Đức Kitô phục sinh.
1. Để có thể chiến thắng trong cuộc chiến đấu thiêng liêng này, mỗi người cần phải thấy rõ tình trạng thiêng liêng của mình, và áp dụng những phương thế tập luyện thích hợp để tăng cường sức mạnh thiêng liêng.
Trong Sứ điệp Mùa Chay 2014, Đức giáo hoàng Phanxicô nói đến ba hình thức cùng khổ trong đời sống con người. Một là sự cùng khổ vật chất, khi phải sống trong những điều kiện không xứng với phẩm giá con người, thiếu những quyền và nhu cầu căn bản như thực phẩm, nước uống, công ăn việc làm. Hai là sự cùng khổ về đạo đức, là sự nô lệ tội lỗi và những thói xấu như nghiện ngập, rượu chè, cờ bạc, đam mê xác thịt. Ba là sự cùng khổ về mặt thiêng liêng, khi chúng ta sống xa cách Chúa và khước từ tình yêu của Chúa.
Có thể chúng ta may mắn không phải sống trong sự cùng khổ vật chất, nhưng biết đâu lại đang sống trong tình trạng cùng khổ về đạo đức hoặc thiêng liêng, vì thường xuyên ở trong tội lỗi và nô lệ những đam mê xấu. Mỗi người cần phải chân thành khám phá và nhìn nhận tình trạng linh hồn mình trước mặt Chúa. Có thấy rõ mình là bệnh nhân thì mới mong chữa trị, có biết rõ mình yếu đuối mới mong củng cố sức lực.
2. Để giúp chúng ta tập luyện đời sống thiêng liêng, truyền thống lâu đời trong Hội Thánh đã nhấn mạnh ba việc đạo đức: chay tịnh, cầu nguyện, làm việc bác ái.
Chay tịnh không chỉ đơn giản là giữ chay vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng là tập bỏ mình, chế ngự nết xấu, giảm bớt tính kiêu căng, nhờ đó tâm hồn được nâng cao và đến gần Chúa hơn.
Cầu nguyện là nâng lòng lên cùng Chúa để tập nhìn mọi sự trong ánh sáng của Chúa, mang lấy tâm tư của Chúa, nhờ đó được nên giống Chúa hơn và thuộc về Chúa trọn vẹn hơn.
Làm việc bác ái giúp chúng ta ra khỏi bản thân để biết quan tâm đến nhu cầu của người khác, nhạy bén trước nỗi đau của tha nhân và giúp đỡ họ, theo gương Chúa Giêsu là Đấng giàu có, nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để nhờ sự nghèo khó của Ngài mà chúng ta được nên giàu có (x. 2Cr 8,9).
3. Chúng ta đang sống trong năm Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình, nghĩa là đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần đời sống và mọi sinh hoạt trong gia đình. Do đó, chúng ta được kêu gọi sống tinh thần chay tịnh, cầu nguyện và bác ái ngay trong gia đình mình.
Gia đình sống chay tịnh bằng cách kềm chế những lời nói và cử chỉ nóng nảy, gây bất hoà và chia rẽ. Thay vào đó là những lời lẽ dịu dàng và thân thiện như thánh Phaolô khuyên dạy: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe … Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nẩy giận hờn hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Eph 4,29-32).
Gia đình cầu nguyện bằng cách dành thời giờ mỗi ngày để cùng cầu nguyện chung. Trong giờ cầu nguyện, hãy chúc tụng và tạ ơn Chúa về những ơn lành đã đón nhận. Hãy lắng nghe Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn cách sống của mình. Hãy tha thiết xin Chúa an ủi khi đau khổ, nâng đỡ lúc khó khăn, và ban bình an trong mọi hoàn cảnh. Việc cầu nguyện chung trong gia đình như thế không những liên kết chúng ta với Chúa, mà còn liên kết mọi người trong nhà với nhau, nhờ đó bảo vệ mái ấm gia đình luôn hạnh phúc.
Gia đình Công giáo còn là gia đình làm việc bác ái. Trước hết là bác ái giữa những người sống trong cùng một mái ấm gia đình: “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Eph 4,32). Ngoài ra, lòng bác ái còn phải vươn ra bên ngoài khuôn khổ gia đình. Chung quanh chúng ta còn biết bao nhiêu anh chị em đang sống nghèo khổ, thiếu thốn, hoặc đang gặp những thử thách lớn lao. Đối diện với thực tế đó, Đức giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta: “Nơi những người nghèo và cùng khổ, chúng ta nhìn thấy khuôn mặt Đức Kitô; khi yêu thương và giúp đỡ người nghèo, chúng ta yêu thương và phục vụ chính Đức Kitô. Chúng ta còn phải nỗ lực để chấm dứt những vi phạm phẩm giá con người, những kỳ thị và lạm dụng trên thế giới, vì đây thường là những nguyên cớ tạo nên sự cùng khổ” (Sứ điệp Mùa Chay 2014).
Anh chị em thân mến,
Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, chúng tôi nguyện xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót luôn gìn giữ gia đình anh chị em trong tình yêu của Ngài. Ước gì mùa Chay năm nay trở thành cơ hội thuận lợi để tinh thần chay tịnh, cầu nguyện, yêu thương thấm sâu vào đời sống mỗi gia đình. Nhờ đó chúng ta có thể trở nên chứng nhân tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người chung quanh.
Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận Tp HCM
Mùa Chay Thánh 2014
Tin liên quan
- SỐNG VUI KHỎE VỚI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
- Linh mục và việc Tân Phúc âm hóa
- Y khoa giải thích tại sao máu và nước chảy ra từ trái tim Chúa Giêsu
- Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu 2020
- ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19
- Tượng Chúa Giêsu được tạo ra theo dữ liệu từ khăn liệm thành Turino
- Thiên Chúa tạo nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa (phần I)
- Thư và lời kinh của Đức Thánh cha Phanxicô gửi các tín hữu dịp tháng 5 năm 2020
- Khảo sát và tháo mái ngói âm dương
- Học hỏi Sứ điệp Truyền thông "Cuộc sống trở thành câu chuyện"