TƯ LIỆU & VĂN HÓA

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Bài 11

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO


Phần II: CÁC BÍ TÍCH


Bài 11. THÁNH NHẠC


“Ca tụng Chúa đi, rập theo tiếng tù và; ca tụng Người, họa tiếng cầm tiếng sắt. Ca tụng Chúa bằng vũ điệu trống đưa, ca tụng Người theo cung đàn nhịp sáo. Ca tụng Chúa đi với chũm chọe vang rền; ca tụng Người cùng thanh la inh ỏi. Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng Chúa đi nào”. Sách Thánh Vịnh đã kết thúc bằng những lời như thế.

 

Ngay từ thuở xa xưa, ca hát và âm nhạc đã là một phần trong đời sống Dân Chúa. Không thể nghĩ về Hội Thánh mà lại không nghĩ đến thánh nhạc. “Hát hay là cầu nguyện hai lần”, chúng ta rất quen với lời được gán cho thánh Augustinô. Trong Cựu Ước, cầu nguyện bằng tiếng hát được diễn tả qua nhiều hình thức, có thể tìm thấy trong sách Thánh Vịnh: than vãn, tạ ơn và khẩn cầu, những khúc hát hành hương và suy niệm về những công trình vĩ đại của Thiên Chúa (số 2588).

 

Mãi mãi Thánh Vịnh là trường học tuyệt vời dạy cầu nguyện. Điều quan trọng phải ghi nhớ là những khúc hát ấy diễn tả tâm tình cầu nguyện. Trong đời sống Hội Thánh Việt Nam, không thể không nhắc đến những bản thánh ca đi vào lòng người và nhiều thế hệ, những bản nhạc dâng kính Đức Mẹ và tôn vinh các mầu nhiệm lớn của đức tin Kitô giáo: Giáng Sinh, Mùa Chay và Phục Sinh.


Thêm vào gia sản thánh nhạc đã có trong Hội Thánh, còn phải nói đến những hình thức khác. Có một thời hầu như chỉ có ca đoàn trình diễn, còn cộng đoàn rơi vào thế thụ động. Ngày nay chúng ta đã vượt qua lối nhìn này. Ca đoàn có vị trí của mình và cộng đoàn cũng có vị trí của mình. Kể cả khi ca đoàn hát, vấn đề không phải là cộng đoàn rơi vào thế thụ động, nhưng là ca đoàn giúp cho cộng đoàn cầu nguyện sâu hơn. Muốn thế, ca đoàn phải hát thật hay và thật sốt sắng. Khi ấy, cộng đoàn cảm nghiệm rõ ràng tâm hồn mình được nâng cao và đi vào trong thế giới của Thiên Chúa. Thánh nhạc đích thực không chỉ là thỏa mãn nhu cầu văn hóa nhưng là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người.

 

Ngày nay người ta cũng bàn cãi về việc sử dụng “nhạc trẻ” trong phụng vụ. Có những nét hay và đẹp trong thứ âm nhạc này, nhưng cũng phải nhìn nhận có những yếu tố “rẻ tiền”, thiếu phẩm chất. Hãy thử suy nghĩ về sự kiện này: ngày nay, rất nhiều người trên thế giới thích nghe nhạc bình ca (ví dụ, những CD của cộng đoàn Santo Domingo de Silos ở Tây Ban Nha). Ở đó có cả một kho tàng mà chúng ta nên khôi phục. Giữa lòng sự ồn ào náo động của thời đại chúng ta, nền thánh nhạc đậm chất thiêng liêng lại xuất hiện như “phương thuốc của trời cao”.

 

“Bao lần con đã rơi lệ khi nghe các thánh thi, thánh ca của Chúa, những âm thanh dịu dàng vang lên trong thánh đường của Chúa, con đã xúc động biết bao. Những âm thanh ấy rót vào tai con, và chân lý được tinh luyện trong trái tim con, từ đó niềm hưng phấn đạo đức sục sôi lên, nước mắt tuôn trào, những điều đó làm cho con hạnh phúc” (Augustinô).

 

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)