TƯ LIỆU & VĂN HÓA
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Bài 15
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần II: CÁC BÍ TÍCH
Bài 15. CHÚA NHẬT
“Vào ngày Mặt Trời như người ta thường gọi, mọi người ở thành phố hay nông thôn đều họp lại một nơi”. Thánh Giustinô tử đạo đã mô tả như thế về việc thờ phượng của các Kitô hữu, trong một văn bản được viết khoảng năm 155 (GLHTCG số 1345). Ngay từ đầu, cộng đoàn Kitô hữu quy tụ lại để làm việc thờ phượng vào mỗi Chúa nhật đã là đặc tính tiêu biểu của Hội Thánh. Và truyền thống ấy vẫn duy trì đến ngày nay.
Ngày thứ nhất trong tuần, Ngày Đức Kitô phục sinh, là “ngày lễ cội nguồn của các Kitô hữu”. Ngày ấy sẽ mãi mãi là ngày thứ nhất và quan trọng nhất đối với người Kitô hữu. Cho nên việc “giữ ngày Chúa nhật” phát sinh từ nhu cầu nội tại của đời sống đức tin, chứ không chỉ đơn thuần là lề luật áp đặt từ bên ngoài. Trong một giáo xứ, đời sống các Kitô hữu lên hay xuống đều gắn với Chúa nhật, bởi lẽ tâm điểm của đời sống Kitô giáo là việc cùng nhau đến làm việc thờ phượng Chúa. Người nào bỏ ngày Chúa nhật vì lười biếng sẽ khó lòng sống đức tin đích thực cho đến cùng.
“Chúng ta đừng bỏ những buổi hội họp như vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau” (Dt 10,25). Lời khuyến dụ này trực tiếp nhắm vào Chúa nhật, cũng được gọi là “Ngày của Chúa”. Đây là Ngày Chúa Kitô phục sinh, nên là ngày của niềm vui. Thánh Lễ là trung tâm và chóp đỉnh của ngày ấy, “để khi nghe Lời Chúa và tham dự bí tích Thánh Thể, họ kính nhớ cuộc khổ nạn, sự sống lại và vinh quang của Chúa Giêsu. Đồng thời họ cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã tái sinh họ trong niềm hi vọng sống động, nhờ sự sống lại từ cõi chết của Chúa Giêsu Kitô” (số 1167). Trong Thánh Lễ, “toàn thể cộng đoàn các tín hữu được gặp Chúa Phục sinh, Đấng mời họ vào bàn tiệc của Người” (số 1166).
Ngày nay, tại Việt Nam, việc cử hành Ngày Chúa nhật tuy vẫn được các tín hữu trung thành gìn giữ nhưng đang có nguy cơ bị mờ nhạt vì nhiều lý do, nhất là tại các thành phố lớn. Chúa nhật chỉ được coi là ngày nghỉ cuối tuần để giải trí vui chơi hơn là Ngày Thứ Nhất trong tuần (báo “Tuổi Trẻ Chủ Nhật” bây giờ biến thành “Tuổi Trẻ cuối tuần”). Và trong ngày cuối tuần ấy, không có bóng dáng của Chúa. Cũng vì chỉ coi như ngày giải trí vui chơi nên nếu có đến nhà thờ, cũng chỉ đến cho xong bổn phận.
Vì thế, phải khơi dậy ý thức đức tin về Ngày Chúa nhật, Ngày của Chúa, để Ngày ấy trở thành nguồn sáng trung tâm cho cả tuần lễ: “Nếu người ngoại giáo gọi ngày này là ngày của mặt trời (Sunday), chúng ta cũng sẵn sàng công nhận như vậy, vì hôm nay, ánh sáng của trần gian đã mọc lên, các tia sáng của mặt trời này mang lại ơn chữa lành” (Hiêrônimô).
ĐHY Christoph Schönborn
(Nguồn: WHĐ)
Tin liên quan
- SỐNG VUI KHỎE VỚI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
- Linh mục và việc Tân Phúc âm hóa
- Y khoa giải thích tại sao máu và nước chảy ra từ trái tim Chúa Giêsu
- Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu 2020
- ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19
- Tượng Chúa Giêsu được tạo ra theo dữ liệu từ khăn liệm thành Turino
- Thiên Chúa tạo nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa (phần I)
- Thư và lời kinh của Đức Thánh cha Phanxicô gửi các tín hữu dịp tháng 5 năm 2020
- Khảo sát và tháo mái ngói âm dương
- Học hỏi Sứ điệp Truyền thông "Cuộc sống trở thành câu chuyện"