TƯ LIỆU & VĂN HÓA
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Bài 16
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần II: CÁC BÍ TÍCH
Bài 16. PHỤNG VỤ CÁC GIỜ KINH
Chúa Giêsu dạy các môn đệ Người phải cầu nguyện không ngừng (x. Lc 18,1; 21,36). Điều này không có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng ở trong nhà thờ đọc kinh! Nhưng có nghĩa là tâm hồn chúng ta lúc nào cũng gắn bó với Chúa, bằng nỗi ước mong của “trái tim không ngủ yên” (GLHTCG số 30).
Tuy nhiên, mệnh lệnh “cầu nguyện không ngừng” có thể được hiểu theo nghĩa đen khi nói về Hội Thánh. Là Hiền thê của Đức Kitô, Hội Thánh không ngừng cầu nguyện, không ngừng ca tụng Chúa, không ngừng cầu khẩn, bởi vì một Hội Thánh duy nhất đang cầu nguyện nơi mọi chi thể của mình, nơi những người còn đang trên đường hành hương dưới thế, và nơi những người đã nên hoàn thiện và đang được kết hợp với Chúa (GLHTCG số 954).
Nói theo nghĩa chặt thì với các Kitô hữu, không có chuyện “cầu nguyện riêng tư”. Mỗi lời cầu nguyện, dù mang tính cá nhân đến mấy đi nữa, vẫn mang chiều kích Hội Thánh. Bởi lẽ mỗi chúng ta đều là chi thể sống động trong Thân Mình Chúa Kitô. Bất cứ ai cầu nguyện cũng là cầu nguyện trong Hội Thánh và với Hội Thánh, và Hội Thánh cầu nguyện trong mỗi chúng ta.
Sự gắn kết giữa tính cá nhân và tính Hội Thánh trong cầu nguyện như thế được diễn tả cách đặc biệt trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Các Giờ Kinh này trải dài trong suốt ngày, và như thế, thánh hóa thời gian trong ngày. Cách cầu nguyện như thế cũng có mặt trong nhiều tôn giáo. Phụng Vụ Các Giờ Kinh của chúng ta bắt rễ trong truyền thống Do Thái (GLHTCG số 1096). Vào thời sơ khai của Hội Thánh, chúng ta đã thấy các môn đệ họp nhau lại vào một thời điểm nào đó trong ngày để cùng cầu nguyện: giờ thứ ba (Cv 2,13), giờ thứ sáu (Cv 10,9), giờ thứ chín (Cv 3,1); tức là vào 9 giờ sáng, 12 giờ trưa và 3 giờ chiều. Chúng ta cũng thấy họ cầu nguyện và hát thánh vịnh dâng lên Chúa lúc nửa đêm (Cv 16,25). Ngoài ra, Kinh Sáng và Kinh Chiều là những giờ kinh truyền thống của người Do Thái. Phụng Vụ Các Giờ Kinh của chúng ta cũng được sắp xếp như thế và nối kết chúng ta với gốc rễ là dân Isarel (x. Roma 11,18).
Theo truyền thống lâu đời của Kitô giáo, Phụng Vụ Các Giờ Kinh được thiết lập “để suốt cả ngày đêm được thánh hiến bằng việc ca ngợi Thiên Chúa” (số 1174). Phụng Vụ Các Giờ Kinh là lời cầu nguyện của toàn thể Dân Chúa, cho dù không phải mọi người đều trực tiếp tham dự. Công đồng diễn tả ước muốn là ít nhất “những giờ kinh chính”, đặc biệt là Kinh Chiều, các ngày Chúa nhật và lễ trọng, “được cử hành chung trong nhà thờ. Khuyên các giáo dân hãy đọc Kinh Thần Vụ, hoặc cùng với các linh mục, hoặc khi họ họp nhau, và kể cả đọc riêng một mình nữa” (số 1175).
Phụng Vụ Các Giờ Kinh là bổn phận bó buộc đối với các linh mục, những người “chuyên cần cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa”. Cầu nguyện là việc tông đồ đầu tiên và quan trọng nhất vì chỉ có Chúa mới là Đấng ban cho chúng ta sự thành công và hiệu quả trong việc tông đồ: “Không có Thầy, anh em không làm được gì”.
ĐHY Christoph Schönborn
(Nguồn: WHĐ)
Tin liên quan
- SỐNG VUI KHỎE VỚI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
- Linh mục và việc Tân Phúc âm hóa
- Y khoa giải thích tại sao máu và nước chảy ra từ trái tim Chúa Giêsu
- Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu 2020
- ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19
- Tượng Chúa Giêsu được tạo ra theo dữ liệu từ khăn liệm thành Turino
- Thiên Chúa tạo nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa (phần I)
- Thư và lời kinh của Đức Thánh cha Phanxicô gửi các tín hữu dịp tháng 5 năm 2020
- Khảo sát và tháo mái ngói âm dương
- Học hỏi Sứ điệp Truyền thông "Cuộc sống trở thành câu chuyện"