TƯ LIỆU & VĂN HÓA

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Bài 23

Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 23. Rửa tội cho trẻ nhỏ

 

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH


Bài 23. RỬA TỘI CHO TRẺ NHỎ


Tại sao lại rửa tội cho trẻ nhỏ? Tại sao không để cho trẻ nhỏ lớn lên và tự nó quyết định chịu Phép Rửa hay không? Có người còn cho rằng rửa tội cho trẻ nhỏ là đi ngược lại mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ” (Mt 16,16). Mệnh lệnh ấy hàm nghĩa phải có đức tin cá vị thì mới chịu Phép Rửa, nhưng trẻ thơ làm gì đã có đức tin ấy! Đã từng có cuộc tranh luận về việc Hội Thánh sơ khai có nhìn nhận việc rửa tội cho trẻ nhỏ không. Phải chăng việc rửa tội này chỉ mới được áp dụng sau này?

 

Chúng ta có bằng chứng về việc rửa tội cho trẻ nhỏ ngay từ thế kỷ II. Sách Công Vụ 16,15-33 kể lại việc rửa tội “cho cả nhà”, hàm nghĩa có cả trẻ thơ được rửa tội. Đúng là vào thế kỷ III và IV, có những dè dặt về việc rửa tội cho trẻ nhỏ. Lý do chính để giải thích cho điều này là việc thực hành sám hối rất nghiêm khắc trong thời đó. Với những người phạm tội nặng, họ bị tuyệt thông trong thời gian rất dài, đôi khi cả đời, và chỉ được đón nhận ơn tha tội một lần mà thôi. Do đó nhiều người lấy làm ngần ngại trong việc chịu Phép Rửa vì khi đó, phải sống thật nghiêm túc. Họ đợi cho đến khi những cơn dông bão của tuổi thanh xuân qua đi rồi, đã đến tuổi già yên ổn rồi mới xin rửa tội.

 

Ngày nay, sự chống đối việc rửa tội cho trẻ nhỏ không phát xuất từ chỗ sợ hãi những đòi buộc phải giữ khi được rửa tội, nhưng từ ý nghĩ cho rằng trẻ nhỏ chưa cần đến Phép Rửa. Đằng sau cả hai thái độ này cũng vẫn là một điểm chung, đó là sự hiểu lầm rằng Phép Rửa là sự giới hạn tự do của con người. Nhìn như thế là chỉ nhìn hời hợt bên ngoài.

 

Rửa tội cho trẻ nhỏ là một “phép thử” cho cách hiểu của chúng ta về các bí tích. Nếu chúng ta nhìn các bí tích trước hết và trên hết như hành động của Đức Kitô và ân sủng của Người luôn đi trước chúng ta, thì trong việc rửa tội cho trẻ nhỏ, phải thấy điều quan trọng này: Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước (x. 1Ga 4,10). Ngài chết và sống lại vì chúng ta, và ân sủng này được ban xuống trong bí tích Rửa Tội. Hiểu như thế, bất cứ bậc cha mẹ nào yêu thương con mình sẽ mong ước cho con mình được rửa tội, được đón nhận ân sủng và tình yêu của Chúa (GLHTCG số 1250).

 

Việc rửa tội cho trẻ nhỏ còn nói lên một sự thật khác: mọi người đều cần được cứu độ, kể cả trẻ sơ sinh. Do ảnh hưởng của tội nguyên tổ, không ai là “lành mạnh” ở tự mình cả. Sự lành mạnh theo nghĩa là ơn cứu độ, chỉ có được nơi Đức Giêsu Kitô (Cv 4,12). Tất cả chúng ta đều cần đến Chúa Giêsu. Chính vì chúng ta mà Ngài đã làm người và nên Đấng cứu độ chúng ta.

 

“Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Ta, đừng ngăn cấm chúng” (Mc 10,14). Tại sao lại không đem con cái chúng ta đến với Chúa, để trong bí tích Rửa Tội, Ngài “ôm lấy chúng” và “chúc lành cho chúng” (Mc 10,16)? Đồng thời các bậc cha mẹ cũng phải ý thức rằng khi đã đem con đi rửa tội, chúng ta cũng phải chăm sóc đời sống đức tin cho con cái. Nếu thiếu sót điều này, ân sủng của bí tích sẽ không thể phát triển phong phú.

 

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)