TƯ LIỆU & VĂN HÓA
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Bài 3
WHD tổng hợp
TÌM HIỂU SÁCH GL HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần II: CÁC BÍ TÍCH
Bài 3. CÔNG TRÌNH CỦA ĐỨC KITÔ TRONG PHỤNG VỤ
Chúng ta cử hành điều gì trong phụng vụ? Thưa, “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”. Đức Kitô là trung tâm của phụng vụ. Lễ Giáng sinh, chúng ta cử hành sinh nhật của Ngài. Lễ Phục sinh, chúng ta cử hành cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Chúng ta còn cử hành lễ Chúa chịu Phép Rửa, lễ Biến hình, 40 ngày Chúa ở trong hoang địa và cuộc Thăng thiên của Chúa. Tuy nhiên “cử hành” ở đây không chỉ đơn thuần là “nhớ lại”. Cử hành còn có nghĩa ở thì “hiện tại”: trong bí tích Thánh Thể, sự chết và phục sinh của Đức Kitô được hiện tại hóa; chính Ngài đang hiện diện ở đây. Đây chính là điểm độc đáo trong phụng vụ Kitô giáo: phụng vụ là công trình của Đức Kitô. Nhưng theo nghĩa nào?
“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới” (Gal 4,4). “Công trình của Thiên Chúa” là sai Con của Ngài đến. Công trình ấy mặc khải “mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa” (Rm 16,25). Công trình ấy mở ra mầu nhiệm Tình Yêu là chính Thiên Chúa (x. 1Ga 4,16), sự hiệp thông vĩnh hằng của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mục đích cuối cùng của mọi việc Thiên Chúa làm là chúng ta – và qua chúng ta, tất cả tạo thành – được đưa vào sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi (GLHTCG số 260). Để hoàn thành mục đích này, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến “để hiệp nhất mọi sự trong Đức Kitô” (Eph 1,10).
“Công trình” của Đức Kitô – đời sống, cái chết, sự phục sinh của Ngài – là “phụng vụ tuyệt hảo” qua đó Chúa Cha ban tặng cho chúng ta sự sống và ân sủng của Ngài (Rm 8,32). Đức Kitô là “nhà phụng vụ” đích thực của nền phụng vụ này. Chính Ngài là Đấng đã hiến dâng lên Chúa Cha hành vi thờ phượng tuyệt hảo. Trọn vẹn cuộc sống và cái chết của Ngài là “phụng vụ”, là sự tôn vinh Chúa Cha (Ga 17,4). Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu xảy ra dưới thời Phongxiô Philatô. Xét về mặt lịch sử, sự kiện ấy đã thuộc về quá khứ. Thế nhưng, không giống những sự kiện nhân loại khác, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu không bị nhận chìm trong dòng thác của lịch sử, bởi lẽ Ngài đã sống lại và “sống mãi để chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 7,25; GLHTCG số 519).
Đức Kitô đã sống lại. “Tất cả những gì Người đã làm và đã chịu vì tất cả mọi người, những điều đó đều tham dự vào tính vĩnh cửu của Thiên Chúa” (số 1085). Thập giá và sự phục sinh của Chúa mang tính vĩnh cửu vì ở trên trời, “Đức Kitô thực thi chức tư tế của Người cách thường hằng” (số 662). Khi chúng ta cử hành phụng vụ dưới thế là chúng ta tham dự phụng vụ trên trời (số 1090). Khi đó Đức Kitô ở giữa chúng ta với tất cả những gì Người đã làm và đã chịu đau khổ vì chúng ta. Ngày nay Đức Kitô Phục Sinh ở với chúng ta bằng nhiều cách: bằng Lời của Người, khi Lời ấy được đọc trong cử hành phụng vụ, thì chính Người đang ngỏ lời với chúng ta. Đức Kitô còn ở với chúng ta khi các tín hữu cầu nguyện chung, khi đó “Người ở giữa họ” (Mt 18,20). Đức Kitô còn ở với chúng ta qua các thánh tông đồ và những người kế vị, những người đã được ban cho quyền thánh hóa. Trên hết mọi sự, Người hiện diện dưới hình bánh rượu trong mầu nhiệm Thánh Thể (số 1088). Đó là phụng vụ của Đức Kitô; chúng ta cử hành phụng vụ ấy nhờ Ngài, với Ngài, và trong Ngài.
ĐHY Christoph Schönborn
(Nguồn: WHĐ)
Tin liên quan
- SỐNG VUI KHỎE VỚI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
- Linh mục và việc Tân Phúc âm hóa
- Y khoa giải thích tại sao máu và nước chảy ra từ trái tim Chúa Giêsu
- Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu 2020
- ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19
- Tượng Chúa Giêsu được tạo ra theo dữ liệu từ khăn liệm thành Turino
- Thiên Chúa tạo nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa (phần I)
- Thư và lời kinh của Đức Thánh cha Phanxicô gửi các tín hữu dịp tháng 5 năm 2020
- Khảo sát và tháo mái ngói âm dương
- Học hỏi Sứ điệp Truyền thông "Cuộc sống trở thành câu chuyện"