TƯ LIỆU & VĂN HÓA
Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Bài 35
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần II: CÁC BÍ TÍCH
Bài 35. CHẦU THÁNH THỂ
“Hội Thánh Công giáo đã và vẫn luôn tôn thờ Thánh Thể, không chỉ trong mà còn ngoài Thánh Lễ nữa” (GLHTCG 1378). Từ sự hiện diện của Đức Kitô trong cử hành Thánh Thể đến chỗ thờ phượng Đức Kitô dưới hình bánh, xem ra là bước đi mà nhiều người Công giáo ngày nay không dễ đón nhận. Lại càng khó hiểu hơn nữa đối với anh em Kitô hữu Tin Lành, còn Chính Thống giáo thì coi đây là nét đặc thù của Công giáo. Nhiều người cho rằng tốt nhất là bỏ hình thức đạo đức này đi.
Mặt khác, chúng ta lại thấy việc canh tân Giáo Hội ngày nay gắn bó chặt chẽ với việc thờ phượng Thánh Thể. Chẳng hạn, thử nhớ lại nữ tu Miriam Prager ở tu viện Biển Đức. Chị là người Do Thái và đã nghe được tiếng gọi trở lại của Chúa trong giờ chầu Thánh Thể, vốn là điều chị không hiểu gì. André Frossard cũng thế, ông nghe được tiếng gọi của Chúa khi tình cờ ghé vào một nhà nguyện chầu Thánh Thể liên lỉ, ở đường Ulm, Paris.
Người ta thường đưa ra hai lập luận để chống lại việc tôn thờ Thánh Thể. Một là Chúa Giêsu chỉ nói “Hãy cầm lấy mà ăn” (chứ có bảo “hãy quỳ gối mà thờ” đâu!). Thứ hai là việc đạo đức này mới chỉ được phát triển sau này chứ lúc đầu đã có đâu.
Về lập luận thứ hai, chúng ta nên nhớ rằng hầu hết những gì đã thành quen thuộc với chúng ta trong phụng vụ ngày nay đã chỉ được phát triển tiệm tiến. Điều đó không có nghĩa là những phát triển này không đúng đắn. Đúng hơn, chính việc đào sâu đức tin vào sự hiện diện của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể đã dẫn đến những hình thức mới trong việc tôn thờ Thánh Thể, từ việc rước kiệu Thánh Thể cho đến những giờ chầu Thánh Thể. Thúc đẩy những việc đạo đức này trong dòng lịch sử không phải là sự sai lạc.
Về lập luận thứ nhất, nên hiểu rằng lý do sâu xa nhất của việc tôn thờ Thánh Thể là ở chính bí tích Thánh Thể. Bánh là để ăn, đúng rồi, và Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ ăn tấm bánh đã trở thành Thân Thể Người. Thế nhưng nếu chúng ta suy nghĩ sâu hơn về ý nghĩa của tấm bánh thì sẽ hiểu được ý nghĩa của việc tôn thờ Thánh Thể. Trong bài giảng về Bánh hằng sống ở Capharnaum, Chúa Giêsu tuyên bố Người là “Bánh hằng sống” (Ga 6,35). Toàn bộ đời sống của Người là “bánh từ trời”, bánh ban sự sống vì Người ban tặng chính mình. Sự hiện diện của Chúa Giêsu dưới hình bánh biểu thị ý nghĩa sâu xa nhất trong sứ vụ của Người, đó là Người vẫn hiện diện giữa chúng ta như tấm bánh được bẻ ra và ban tặng cho chúng ta, hiến mình vì chúng ta. Khi thờ phượng Thánh Thể dưới hình bánh, trong thinh lặng, sứ vụ của Chúa Giêsu cũng in dấu trên cuộc đời chúng ta, ấy là giống như Chúa, trở thành tấm bánh được bẻ ra cho sự sống của nhân loại.
Tin liên quan
- SỐNG VUI KHỎE VỚI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
- Linh mục và việc Tân Phúc âm hóa
- Y khoa giải thích tại sao máu và nước chảy ra từ trái tim Chúa Giêsu
- Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu 2020
- ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19
- Tượng Chúa Giêsu được tạo ra theo dữ liệu từ khăn liệm thành Turino
- Thiên Chúa tạo nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa (phần I)
- Thư và lời kinh của Đức Thánh cha Phanxicô gửi các tín hữu dịp tháng 5 năm 2020
- Khảo sát và tháo mái ngói âm dương
- Học hỏi Sứ điệp Truyền thông "Cuộc sống trở thành câu chuyện"