TƯ LIỆU & VĂN HÓA
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Bài 43
Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 43. Bí tích Truyền chức thánh
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần II: CÁC BÍ TÍCH
Bài 43. BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH
“Truyền Chức Thánh là bí tích qua đó sứ vụ Đức Kitô đã ủy thác cho các Tông đồ của Người được tiếp tục thực thi trong Hội Thánh cho đến tận thế: vì vậy, đây là bí tích của thừa tác vụ tông đồ” (GLHTCG số 1536). Định nghĩa vắn gọn này trình bày điều mà ngày nay nhiều người không dễ chấp nhận. Chẳng hạn, người ta lập luận rằng: Đúng là Chúa Giêsu đã gọi và sai các tông đồ đi. Thế nhưng Chúa có muốn có các giám mục và linh mục không? Người có muốn có bí tích Truyền Chức Thánh không? Chẳng phải mọi Kitô hữu đều thi hành sứ mệnh của Đức Kitô sao? Nhiệm vụ chính của giám mục, linh mục là gì? Phẩm trật có thật là do Đức Kitô thiết lập không hay chỉ là công trình của con người?
Những câu hỏi trên đã trở thành nóng bỏng, ít nhất là từ thời Cải cách ở thế kỷ 16, và ngày nay lại được đặt ra quyết liệt.
Trong Giao Ước Mới, chỉ có một Thượng tế duy nhất là Đức Giêsu Kitô, “Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người” (1Tim 2,5). Hy tế của Người là hy tế độc nhất, được dâng một lần là đủ trên Thánh giá và cho toàn thể nhân loại. Vậy làm sao lại có các linh mục và bí tích Truyền Chức Thánh? Như vậy chẳng phải là sai lạc và bẻ gẫy truyền thống nguyên thủy sao? Sách Giáo lý đưa ra một so sánh hữu ích: “Hy lễ cứu chuộc của Đức Kitô là duy nhất, được thực hiện một lần cho mãi mãi. Tuy nhiên hy lễ này hiện diện trong hy lễ Thánh Thể của Hội Thánh. Cũng có thể nói y như vậy về chức tư tế duy nhất của Đức Kitô: chức tư tế của Người hiện diện nhờ chức tư tế thừa tác mà không làm suy giảm tính duy nhất của chức tư tế nơi Đức Kitô” (số 1545). Sau đó, Sách Giáo lý trích lại lời của thánh Tôma để giải thích rõ hơn: “Chỉ có Đức Kitô là vị Tư tế đích thực, còn những người khác chỉ là thừa tác viên của Người”.
Chức tư tế thừa tác hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Kitô và chức tư tế duy nhất của Người, và được thiết lập vì con người và vì cộng đoàn Hội Thánh (số 1551). Chỉ khi đó những lời linh mục đọc “Này là Mình Thầy”, “Này là Máu Thầy” mới có ý nghĩa. Linh mục không kể câu chuyện của quá khứ nhưng linh mục nói và hành động “trong cương vị Đức Kitô là Đầu” (in persona Christi) (số 1548).
Linh mục cũng cầu nguyện và cử hành phụng vụ “nhân danh toàn thể Hội Thánh”, không phải vì ngài được bầu ra làm đại diện cho cộng đoàn, nhưng vì ngài đại diện cho Đức Kitô, Đấng là “Đầu của Thân Thể, Hội Thánh”, Đấng hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa Cha cùng với và cho tất cả chúng ta, chuyển cầu cho chúng ta trước nhan Thiên Chúa (số 1553).
Lại không phải là quá đáng khi đòi hỏi những con người yếu đuối và tội lỗi làm “đại diện cho Đức Kitô” sao? Nhưng chính vì thế mà Truyền Chức là một bí tích; đó không phải là sự phô diễn của con người, nhưng là ân huệ Thiên Chúa ban qua bàn tay và trái tim con người.
ĐHY Christoph Schönborn
(Nguồn: WHĐ)
Tin liên quan
- SỐNG VUI KHỎE VỚI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
- Linh mục và việc Tân Phúc âm hóa
- Y khoa giải thích tại sao máu và nước chảy ra từ trái tim Chúa Giêsu
- Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu 2020
- ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19
- Tượng Chúa Giêsu được tạo ra theo dữ liệu từ khăn liệm thành Turino
- Thiên Chúa tạo nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa (phần I)
- Thư và lời kinh của Đức Thánh cha Phanxicô gửi các tín hữu dịp tháng 5 năm 2020
- Khảo sát và tháo mái ngói âm dương
- Học hỏi Sứ điệp Truyền thông "Cuộc sống trở thành câu chuyện"