TƯ LIỆU & VĂN HÓA

Tình bạn và Tín nhiệm

Người ta không phải là một cộng đoàn bởi vì người ta có một dự án chung, cũng không phải bởi vì người ta yêu thương nhau, nhưng bởi vì người ta đã được Chúa mời gọi chung với nhau.

Lm Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

 

 

WGPSG -- LND: Một người bạn mới gửi cho tôi bài của ông Jean Vanier, một nhà triết học, thần học, và nhân văn nổi tiếng, người Thụy Sĩ, chia sẻ về đời sống cộng đoàn. Tôi thấy rất hay và hữu ích nên dịch để chia sẻ, vì tất cả chúng ta: giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân ai cũng phải sống trong cộng đoàn: gia đình, trường học, giáo xứ, chủng viện, hội dòng, hội đồng giáo xứ, hội đồng linh mục, hội đồng giám mục…      

   

***


Các thiện cảm và các ác cảm


Hai nguy hiểm lớn của một cộng đoàn là “các người bạn” và “các kẻ thù”. Rất mau chóng các người giống nhau thì hợp lại với nhau; người ta thích ở cạnh những ai làm hài lòng mình, có cùng những ý tưởng như chúng ta, có cùng những cách quan niệm về đời sống, có cùng một lối hài hước. Người ta nuôi dưỡng nhau; làm vui thích cho nhau: “bạn thật tuyệt vời”, “bạn cũng vậy, bạn cũng thật tuyệt vời”, “chúng ta đều tuyệt vời vì chúng ta là những người thông minh, là những người láu lỉnh”. Các tình bạn loài người có thể rất mau rơi vào một câu lạc bộ những kẻ tầm thường trong đó họ khép kín với nhau; họ làm đẹp lòng nhau và làm cho nhau tin rằng họ là những người tốt hơn. Điều đó cản trở họ nhìn thấy sự nghèo nàn thiêng liêng của họ và các vết thương của họ. Tình bạn lúc đó không còn là một khuyến khích để lớn lên, để đi xa hơn, để phục vụ anh chị em mình tốt hơn, để trung thành hơn với ơn đã được ban cho chúng ta, để chú ý hơn đến Chúa Thánh Thần và tiếp tục bước đi qua sa mạc tới đất hứa hẹn được giải phóng. Tình bạn trở nên bóp nghẹt và trở thành cái chặn đường ngăn cản để đi đến với người khác, để quan tâm đến các nhu cầu của họ. Lâu dài về sau, một số tình bạn biến đổi thành một lệ thuộc tình cảm, đó là một hình thức nô lệ.

 

***

 

Trong một cộng đoàn thế nào cũng có những “ác cảm”. Luôn luôn có những người mà với họ tôi không thông cảm được, họ chặn tôi lại, họ nói ngược lại tôi và bóp nghẹt sự bay bổng và tự do của đời tôi. Sự có mặt của họ như đe dọa và gây nên trong tôi những hung hăng hoặc một hình thức thoái lui hèn hạ. Khi có mặt họ, tôi không thể biểu lộ chính mình và sống yên hàn. Những người khác làm phát sinh nơi tôi những tình cảm ghen ghét và ganh tị; họ là tất cả những cái mà tôi muốn là; sự có mặt của họ nhắc tôi nhớ đến cái mà tôi không là. Sự tỏa sáng và trí tuệ của họ làm tôi nghĩ tới sự nghèo hèn của tôi. Những người khác lại đòi hỏi tôi nhiều quá. Tôi không thể đáp ứng sự tìm kiếm cảm xúc không ngừng của họ. Tôi buộc phải đẩy họ ra. Những người này là “những kẻ thù” của tôi; họ nguy hiểm cho tôi; và dù nếu tôi không dám đón nhận thì tôi cũng ghét. Thực ra, cái ghét này chỉ là về mặt tâm lý, chưa phải là về mặt luân lý, nghĩa là cố ý ghét. Nhưng dẫu thế, tôi thích cho những hạng người này không tồn tại! Việc họ biến mất, họ chết đi đối với tôi như là một giải phóng.

 

Thật là tự nhiên khi trong một cộng đoàn có những gần gũi với nhau về mặt cảm tính ấy, giống như những cái ngăn chặn giữa các cảm tính khác nhau. Những cái đó phát xuất từ sự chưa trưởng thành về đời sống cảm xúc và từ một số lượng những yếu tố của tuổi còn nhỏ của chúng ta mà chúng ta không kiểm soát được. Đây không phải là chối từ chúng.

 

Nếu chúng ta để cho mình bị hướng dẫn bởi những xúc cảm của chúng ta, các phe phái sẽ họp thành bên trong cộng đoàn. Lúc đó sẽ không còn là một cộng đoàn, là một nơi để hiệp thông nữa, mà là những nhóm người khép kín nhiều hay ít trên chính họ và ngăn chặn tương quan với những người khác. Khi vào trong một số cộng đoàn, ta sẽ sớm thấy những căng thẳng và những chiến tranh ngấm ngầm này.

 

Mọi người không nhìn thẳng vào nhau. Khi họ đi ngang nhau trong các hành lang, họ như những con tàu trong đêm. Một cộng đoàn chỉ là một cộng đoàn khi mà đa số các thành viên quyết định cách có ý thức để bẻ gãy những rào cản và ra khỏi cái tổ kén của “các tình bạn” để ra tay cứu giúp  “các kẻ thù”.

 

Nhưng đó là một con đường dài. Một cộng đoàn không được làm thành trong một ngày. Thực ra không bao giờ cộng đoàn được hoàn thành. Cộng đoàn luôn luôn phải tiệm tiến dần dần hoặc là tới một tình yêu lớn hơn, hoặc là thụt lùi, tùy theo mọi người chấp nhận hoặc từ chối đi xuống trong đường hầm đau khổ để sống lại trong Thánh Thần.

[...]

 

Sự tín nhiệm lẫn nhau


Giữa lòng cộng đoàn có sự tín nhiệm lẫn nhau giữa người này với người kia, phát sinh từ sự tha thứ hằng ngày và từ sự nhìn nhận những yếu đuối của chúng ta, những nghèo hèn của chúng ta và của những người khác. Nhưng sự tín nhiệm này không phát sinh trong một ngày đâu. Chính vì thế phải có thời gian để làm thành một cộng đoàn. Khi một người vào trong một cộng đoàn, họ luôn đóng một vai trò nào đó vì họ muốn hòa hợp với điều gì những người khác chờ đợi nơi họ. Dần dần họ khám phá ra rằng những người khác yêu họ như họ là và tín nhiệm họ. Nhưng sự tín nhiệm là một việc cần được thử nghiệm và luôn luôn lớn lên.

 

Các đôi bạn trẻ mới cưới, yêu nhau có thể là nhiều, nhưng tình yêu ấy đôi khi có một yếu tố nông cạn và kích thích nó gắn kết với việc khám phá mà đôi bạn mới thực hiện. Tình yêu chắc hẳn phải sâu hơn giữa các đôi bạn có tuổi đã sống những thử thách chung với nhau và biết rằng bạn của mình sẽ trung tín cho đến chết. Họ biết rằng không có gì có thể phá vỡ sự hiệp nhất của họ.

 

Chuyện cũng giống như thế trong các cộng đoàn chúng ta: thường chỉ sau nhiều đau khổ, nhiều khó khăn rất lớn, nhiều căng thẳng đã thử thách lòng trung tín của họ mà sự tín nhiệm lớn lên. Một cộng đoàn mà có sự tín nhiệm thành thật với nhau là một cộng đoàn không thể lay chuyển được.

 

***

 

Tôi càng ngày càng khám phá ra cái khó khăn nhất cho nhiều người trong chúng ta đang sống đời sống cộng đoàn đó là sự thiếu tín nhiệm vào chính chúng ta. Chúng ta có ấn tượng rằng chúng ta không đáng yêu tự thâm sâu của con người mình, và rằng nếu những người khác nhìn thấy chúng ta như chúng ta là, họ vứt bỏ chúng ta đi. Chúng ta sợ về tất cả những gì trong chúng ta còn tối tăm, về những khó khăn của chúng ta trong đời sống xúc cảm hoặc đời sống tính dục. Chúng ta sợ không có thể yêu thương thực sự. Chúng ta đi qua rất mau từ lên cao đến suy sụp xuống. Nhưng cả lên cả xuống chỉ là diễn tả cái mà chúng ta thực sự là vậy. Làm sao xác tín rằng chúng ta được yêu thương trong sự nghèo khó và yếu đuối của chúng ta và rằng chúng ta có thể cũng yêu thương như vậy?

 

Đó chính là bí quyết để lớn lên trong cộng đoàn. Nó có đến do một ân huệ của Chúa mà có thể được chuyển qua từ những người khác không? Khi dần dần chúng ta khám phá rằng Chúa và các người khác tín nhiệm chúng ta, thì chúng ta mới dễ tín nhiệm vào chính chúng ta và sự tín nhiệm của chúng ta trong những người khác có thể lớn lên.

 

***

 

Sống trong cộng đoàn, chính là khám phá và yêu mến cái bí quyết của con người riêng tư của mình trong cái độc đáo của nó. Chỉ có như thế ta mới trở thành tự do. Lúc đó ta không sống theo những ước muốn của người khác hoặc theo một nhân vật nào đó, nhưng sống từ lời mời gọi sâu sa của bản thân mình, và ta trở nên tự do, tự do yêu thương người khác như họ là chứ không phải như ta muốn họ là.

 

***

 

Quyền được là chính mình


Tôi luôn muốn viết một cuốn sách có tên là Quyn được là tồi tệ. Có thể nói đúng hơn là: Quyn được là chính mình. Một trong những khó khăn lớn của đời sống cộng đoàn là người ta đôi khi bắt buộc mọi người phải là “khác với người mà người ấy là”; người ta gắn trên họ một lý tưởng mà họ phải thuận theo. Lúc đó người ta chờ đợi quá nhiều nơi họ và rất mau họ xét đoán và dán nhãn hiệu cho họ. Nếu họ không làm sao đồng hóa mình với hình ảnh hoặc lý tưởng mà người ta tạo ra cho họ, họ sợ không còn được yêu mến nữa, hoặc ít ra, sợ làm người ta thất vọng. Và họ tự cảm thấy bị bó buộc che giấu mình sau một cái mặt nạ.

 

Đôi khi họ thành công trong việc đồng hóa mình với hình ảnh đó; họ đi đến chỗ tuân theo luật lệ của cộng đoàn. Nhìn bề ngoài điều đó có thể cho họ cảm giác họ hoàn hảo, nhưng đó là một ảo tưởng. Trong một cộng đoàn, vấn đề không phải là có những người hoàn hảo. Một cộng đoàn được hình thành bởi những người liên kết, người này với người kia, mỗi người được làm thành bởi sự pha trộn tốt và xấu, bóng tối vá ánh sáng, yêu thương và hận thù.

 

Và cộng đoàn chỉ là thứ đất nơi mà mỗi người có thể lớn lên không sợ hãi để tới chỗ họ giải phóng được các sức mạnh của tình yêu đang ẩn giấu trong họ. Và chỉ có thể có tăng trưởng được nếu ta nhận biết rằng nó có thể được, và sự tăng trưởng sẽ không bao giờ hoàn tất nếu ngăn cản những con người tự nhận biết mình và tự chấp nhận mình như họ là.

 

Họ có quyền là tồi tệ, và có đầy bóng tối bên trong họ, đầy xó xỉnh còn cứng cỏi trong trái tim họ nơi đang ẩn giấu sự ganh tị và cả ghen ghét nữa? Những ganh tị này, những bất an này thuộc về bản tính đã bị tổn thương của chúng ta. Chính đó là thực tại của chúng ta. Cần phải học tập để chấp nhận chúng, để sống với chúng mà không gây thảm kịch, và dần dần, tự biết mình được tha thứ, để đi tới giải phóng.

 

Tôi trông thấy trong các cộng đoàn nhiều con người mang gánh nặng của một tình trạng tội lỗi vô ý thức; họ có ấn tượng rằng họ không phải là cái mà họ phải trở thành. Họ cần được làm cho vững tin và được khuyến khích để biết tín nhiệm. Phải giúp họ cảm nghiệm rằng họ có thể chia sẻ ngay cả sự yếu đuối của họ mà không bị loại bỏ.

 

***

 

Trong chúng ta có một phần đã sáng sủa, đã trở lại. Và rồi có cái phần còn ở trong bóng tối. Một cộng đoàn không được làm thành chỉ bởi những người đã trở lại. Nó được làm thành bởi tất cả những yếu tố trong con người chúng ta đang cần được biến đổi, thanh tẩy, gọt giũa. Cộng đoàn cũng được làm thành bởi “những người chưa trở lại”.

 

[...]

 

Được Chúa mời gọi đúng như chúng ta là

Chúng ta có thể chọn sống trong một cộng đoàn bởi vì cộng đoàn có sức năng động, nồng ấm và tỏa sáng. Chính ở đó chúng ta vui sướng. Nhưng xảy ra một khủng hoảng với những căng thẳng và náo động, chúng ta bắt đầu nghi ngờ về sự khôn ngoan của việc chúng ta chọn: “Có thể tôi bị lầm”.

 

Nếu chúng ta vào trong cộng đoàn bằng cách theo sự chọn lựa của bản thân, chúng ta sẽ chỉ ở lại khi chúng ta có ý thức rằng thực ra, chính là Chúa đã chọn chúng ta cho cộng đoàn này. Chỉ khi đó chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh bên trong để sống những thời gian có xáo trộn.

 

Đây có phải chuyện cũng giống như chuyện hôn nhân không? Dây liên kết trở nên thực sự sâu xa khi người chồng và người vợ đều ý thức rằng chính Chúa đã hợp nhất họ lại để người này trở nên dấu hiệu tình thương và tha thứ cho người kia.

***

Parker J.Palmer có viết: “Sau hết cộng đoàn là một hiện tượng tôn giáo. Không có cái gì có thể liên kết chúng với nhau, những con người bướng bỉnh và bị tổn thương, nếu không phải là một sức mạnh siêu việt”.


Và tôi muốn thêm rằng không có một thực tại nào có thể dẫn đưa chúng ta vào trung tâm của sự tha thứ, và làm chúng ta mở ra với người khác, nếu không là một Thiên Chúa Đấng yêu thương và tha thứ.

 

Henri Nouwen nói rằng sự cô tịch đích thực, không chống lại đời sống cộng đoàn, mà là nơi tuyệt hảo để chúng ta có ý thức rằng chúng ta được hợp nhất trước khi sống chung với nhau và rằng cộng đoàn không phải là sự sáng tạo của ý muốn loài người nhưng là một đáp trả của Kitô hữu đối với thực tại của sự hợp nhất của chúng ta. Các cộng đoàn cổ xưa biết rằng trải qua những năm và những lúc khó khăn ở cộng đoàn, không phải những người dùng sức mạnh của ý chí họ đã chịu đựng được, nhưng là chính Chúa đã gìn giữ cộng đoàn hiệp nhất. Quả thực, người ta không phải là một cộng đoàn bởi vì người ta có một dự án chung, cũng không phải bởi vì người ta yêu thương nhau, nhưng bởi vì người ta đã được Chúa mời gọi chung với nhau.

 

Jean Vanier, Cng đoàn nơi có tha thứ và lễ hội.
Fleurus/ Bellarmin, 1989, trang 38 -51
Nhà hưu dưỡng Cần Thơ 2015